Ám ảnh lời tiên tri định mệnh
Mặc dù đã 5 năm trôi qua, người dân quanh khu vực cầu vượt Quang Trung (quận 12, TP.HCM) vẫn chưa nguôi ngoai trước thảm án xảy ra tại nhà ông Nguyễn Văn Cao (SN 1925) và vợ là bà Nguyễn Thị Kịch (SN 1930). Khi chúng tôi tìm lại nơi đã xảy ra án mạng, từng người dân thuật lại sự việc một cách rành mạch trong nước mắt. Cánh xe ôm chợt biến sắc mỗi khi chúng tôi hỏi lại nội dung của vụ thảm án. Người dân cho hay, vào khoảng 20h30 tối 29/8/2008, nhiều người dân quanh khu vực cầu vượt Quang Trung phát hiện một đám cháy lớn xảy ra tại gia đình ông Cao nên trình báo cơ quan chức năng. Lực lượng cứu hỏa nhanh chóng có mặt tại căn nhà cấp 4 rộng chừng 50m2 để chữa cháy. Khi ngọn lửa cuối cùng được dập tắt, các chiến sỹ phòng cháy chữa cháy phá cửa xông vào thì tá hỏa phát hiện 9 xác người cháy đen.
Chị Linh nghẹn ngào trước bàn thờ những người đã khuất. Ảnh Thơ Trịnh.
Sau khi phong tỏa hiện trường, lực lượng chức năng đã tiến hành khám nghiệm truy tìm nguyên nhân. Theo thông tin ban đầu, chủ hộ là ông Cao và vợ là bà Kịch đều đã chết trong đám cháy. Ngoài ra, trong các xác chết cháy còn có 5 người con của ông Cao và 2 người cháu. Trong đó, 8 xác chết nằm cạnh nhau, thi thể còn lại nằm sát cửa trong một căn phòng rộng chừng 25m2 ngăn cách với căn phòng chính bằng cửa sắt. Thảm án xảy ra khiến lực lượng chức năng cũng phải nghẹn ngào và đặt ra nhiều giả thiết, ngay cả giả thiết bị sát hại.
Đến bây giờ mỗi khi nhắc lại thảm án chị Nguyễn Thị Thùy Linh (SN 1975 - cháu gọi ông Cao là ông ngoại, đang ở tại căn nhà thảm án) vẫn đượm buồn. Chị Linh cho biết: "Thời điểm xảy ra vụ việc, tôi đang ở quận Phú Nhuận. Nhận được tin báo, ngay lập tức tôi chạy về căn nhà của ông ngoại thì phải chứng kiến cảnh tượng hãi hùng trước mắt". Mặt khác, chị Linh tâm sự: "Ông ngoại sống rất hòa thuận, mẫu mực. Khi ông bà cố chết đi, có chia đất cho các anh chị em của ông ngoại đều nhau. Sau đó, họ cũng ít đi lại với nhau, vì ông ngoại đã ghét ai thì không đến nhà người đó. Gia đình ông ngoại sống vương giả, các con cái của ông ngoại cũng không ai phải làm gì hết. Cái ngày xảy ra thảm án thì ngay ngày hôm sau là đám giỗ, gia đình tôi định sáng sớm mới về thì nghe được hung tin".
Tuy nhiên, điều khiến dư luận xôn xao là các xác chết đều tập trung một phòng. Qua khám nghiệm cơ quan chức năng nhận định căn nhà từ trên mái đến tứ phía đều không phát hiện có chỗ nào có thể thoát ra được. Vì vậy, khả năng có thủ phạm vào nhà sát hại bị loại trừ. Ngay trong căn phòng 9 người chết thì lực lượng chức năng cũng xác định các nạn nhân nhất là những nạn nhân nam không có dấu hiệu của sự kháng cự. Bên cạnh đó, trong phòng toàn mùi xăng bốc lên. Các nạn nhân đều được xác định là có dấu hiệu nhịn ăn vài ngày trước đó. Đặc biệt, hai người con của ông Cao là Nguyễn Ngọc T. và Nguyễn Thị Nh. có vết buộc dây ở tay và cháu Nguyễn Ngọc T. có vết buộc dây ở chân phải.
Nhiều khả năng đây là một vụ tự tử tập thể. Chia sẻ với PV, chị Linh cho hay: "Từ trước tới giờ, ông ngoại cũng không có mâu thuẫn với ai cả. Cho đến bây giờ, bên phía cơ quan chức năng cũng không thấy nói gì đến vụ việc. Người trong gia đình tôi cũng không hỏi lại nữa thêm đau lòng. Nhiều người nói là do tự tử tập thể nên tôi cũng chỉ biết vậy. Khi còn sống, cậu và các dì thường nói đùa: Nhà này, nếu có một người chết thì cả nhà sẽ chết theo. Câu nói đó đến bao giờ mới nhận được câu giải thích thì không ai có thể biết được".
Chị Linh lý giải những lời đồn về ngôi nhà. Ảnh Thơ Trịnh.
Lời đồn về ngôi nhà "phổ pháp"
Đứng trước nhiều lời đồn đại về ngôi nhà xảy ra vụ hỏa hoạn khiến 9 người trong gia đình ông Cao chết cháy, PV trực tiếp đến đây để làm rõ thực hư đằng sau những lời đồn thổi. Trao đổi với PV, ông N.V.M. (45 tuổi, tài xế xe ôm) cho biết: "Vụ án chấn động tại gia đình ông Cao đã trôi qua nhiều năm nay, nhưng chúng tôi vẫn không thể nào quên được cái hình ảnh nhìn 9 người thân trong gia đình ông ấy chết thê thảm. Nỗi ám ảnh ấy khắc sâu vào trí nhớ và ngay cả trong giấc ngủ của tôi. Hàng đêm, chạy xe ngang qua ngôi nhà này, tôi nhìn thấy những oan hồn ấy ngồi lặng lẽ trước cửa nhà. Mỗi lần như thế, tôi cảm thấy lạnh người, sợ hãi rồi lên ga chạy thật nhanh. Điều đáng nói là không chỉ riêng mình tôi, mà rất nhiều người đi ngang qua đây vào ban đêm đều bắt gặp hình ảnh kỳ lạ ấy".
Là hàng xóm của gia đình ông Cao, ông N.V.X. (50 tuổi, ngụ phường Trung Mỹ Tây) chia sẻ: "Từ khi xảy ra sự việc đến nay, đêm nào chúng tôi cũng nghe tiếng khóc nỉ non phát ra từ căn nhà tang tóc của người quá cố. Người ta nói, những người chết oan ức và bất đắc kỳ tử như sự việc của gia đình ông Cao thì oan hồn khó mà siêu thoát được. Vì thế, những tiếng than khóc, gào thét ấy cũng không có gì khác thường. Tuy nhiên, điều đó khiến cho bọn trẻ và không ít người dân ở đây sợ hãi nên không ai dám bước vào ngôi nhà ấy từ sau khi sự việc xảy ra đến nay. Vì lẽ đó, nhiều người gọi ngôi nhà đã xảy ra thảm án ấy là ngôi nhà "phổ pháp" (hay còn gọi là nhà có ma - ông T. lý giải)".
Trước không ít lời bán tán về ngôi nhà 9 người chết cháy trong gia đình ông Cao, PV có cuộc trao đổi trực tiếp với vợ chồng chị Linh để làm rõ vấn đề. Chị Linh chia sẻ với PV trong giọng nói nghẹn ngào: "Từ ngày sự việc xảy ra, không ít lời bàn tán của người dân cho rằng đêm nào cũng thấy hồn ma lượn lờ trước cửa nhà. Hơn nữa, anh em họ hàng cũng sợ hãi và không ai dám ngủ lại đây qua đêm, ngay cả ông cậu của tôi (người con trai cả của ông Cao - PV) cũng chỉ lên hương khói, rồi về chứ không bao giờ ngủ lại. Nguyên nhân sâu xa của điều đó là do mọi người sợ hãi nếu gặp lại những người đã mất trong giấc mơ. Vì không ai chịu đến đây ở, nên vợ chồng tôi phải dọn về đây ở ngay sau khi vụ cháy xảy ra để thờ phụng, nhang khói cho ông bà, các cậu, các dì và người em trai của tôi". Nhắc đến người em trai của mình, chị Linh nghẹn ngào cho biết: "Em tôi ở với ngoại từ nhỏ, không ngờ mọi sự lại xảy ra và lấy đi sự sống của em ấy khi tuổi đời còn quá nhỏ".
Chị Linh chia sẻ thêm: "Không chỉ vậy, lợi dụng những lời bàn tán ấy, không ít cò đất tìm đến nhà và khuyên chúng tôi nên bán khu đất này vì khó mà làm ăn yên ổn được. Tuy nhiên, chúng tôi một mực không chịu bán vì đây là đất của ông bà để lại nên sửa sang để hương khói cho mọi người. Điều đáng nói là, từ lúc ở đây đến giờ, chúng tôi vẫn sinh sống bình thường và không hề bắt gặp những tiếng khóc, hình ảnh hồn ma giống như mọi người bàn tán. Có đợt, ngay cả những người làm nhà cho tôi họ cũng không dám ngủ lại coi công trình vì sợ có ma, nhưng đó là do họ sợ quá tự thêu dệt nên chứ làm gì có chuyện ma mãnh. Chuyện thiên hạ thì muôn hình muôn vẻ, lời đồn đại thì cũng nhiều nhưng vợ chồng con cái tôi mặc kệ hết, đúng là chuyện hoang đường".
Chỉ mong gặp mà không được Chia sẻ với PV về những lời hù dọa ma mị của dư luận, chị Linh cho biết: "Vì từ nhỏ được ngoại và các cậu, dì yêu quý nên chúng tôi luôn mong muốn gặp được họ trong giấc mơ để biết được nguyên nhân dẫn đến sự việc và cuộc sống của họ sau khi chết. Có đợt con tôi ngủ mớ nó dậy kêu là đã gặp được ông ngoại. Tôi thì mong gặp lại không thấy". Trả lời về vấn đề này, một cán bộ cơ quan CSĐT công an quận 12 (TP.HCM) cho biết: "Vụ thảm án trên đã lùi xa, giờ đây, những người thân còn lại trong gia đình ông Cao đang nỗ lực để xây dựng cuộc sống mới. Những câu chuyện, lời đồn thổi về ngôi nhà xảy ra thảm án có ma là hoàn toàn bịa đặt". |
Thơ Trịnh - Hoàng Minh