Chưa hề nghe chuyện rắn độc chôn trong mộ
Chùa Thác Rác là nơi sinh hoạt tôn giáo của hơn 100 hộ người Khmer tại ấp Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành), một ấp vùng biên giới Tây Ninh giáp với Campuchia. Ngôi chùa có phần đơn sơ nằm gần cuối ấp, giữa những cánh đồng lúa và những vạt rừng cao su của nông trường. Xóm người Khmer nằm dọc hai bên con đường đất đỏ chạy dài hun hút. Họ là những người gốc Campuchia sang Việt Nam sinh sống từ nhiều đời, sống bằng nghề nông hoặc làm thuê làm mướn trên vùng đất giáp biên quanh năm nắng gió.
Trụ trì No Han mời chúng tôi ngồi trong căn lán nhỏ, cũng là nơi dạy chữ Khmer cho con em trong xóm. Chỉ về phía nền gạch cũ bên gốc cây bồ đề, trụ trì No Han cho biết: "Ngôi chùa này được dựng lại từ năm 2000 trên nền của ngôi chùa cũ. Những vị sư già của chùa trước đây đã qua đời. Hiện chùa chỉ còn lại ba vị sư trẻ và những Sadi tu báo hiếu cha mẹ (người đi tu vài năm rồi hoàn tục) thôi".
Sư trụ trì No Han đang chỉ cho PV khu đất được dùng để thiêu xác của người Khmer
Khi chúng tôi hỏi vị trụ trì trẻ về thực hư chuyện những ngôi mộ trong chùa người chết được chôn cùng rắn độc, Trụ trì No Han cười lắc đầu: "Chuyện này sư cũng chưa từng được nghe qua, cũng không được nghe những vị sư cả trước đây trong chùa nói lại. Cha của sư sống tới hơn 80 tuổi cũng chưa từng biết về tập tục mai táng kỳ lạ này trong chùa. Mà theo sư biết thì chuyện này không hề có. Vì người Khmer không chôn xác người chết mà thiêu xong rồi lấy ít tro cốt của họ mang gửi trong chùa. Những ngôi mộ trong vườn kia là nơi đựng tro cốt của các dòng họ người Khmer tại xóm này".
Chúng tôi theo sư trụ trì No Han tới thăm những ngôi mộ cốt được chôn cất tại khu vực chùa. Nói là mộ nhưng thực ra cốt không chôn sâu dưới đất, mà người Khmer dựng những ngôi nhà nhỏ có mái che rồi để tro cốt người chết trong một chiếc bát, úp xuống ngay dưới lớp cát mỏng trên bề mặt mộ. Chính vì vậy, hiện nay đây cũng được coi những ngôi mộ chôn chung và không xác định được tro cốt của từng người.
Trụ trì No Han cho biết thêm: "Nửa tháng trước, không biết nghe thông tin ở đâu mà trên huyện và tỉnh cũng gọi điện tới hỏi sư về chuyện rắn độc chôn trong mộ, nhưng sư chỉ có thể trả lời là không biết gì về chuyện này. Còn không hiểu từ thời xa xưa có chuyện này hay không nhưng sư chưa từng nghe những người già kể lại. Tuy nhiên, tượng rắn thần Naga thì đúng là xuất hiện trong tất cả các ngôi chùa của người Khmer dưới nhiều dạng như: Ngự trên các mái chùa, các đầu đao, uốn lượn quanh cửa chùa và trang trí trên những chiếc xe tang đưa người chết đến nơi hỏa thiêu".
Cốt của người chết trong những chiếc bát úp trên cát tại chùa
Dòng dõi của "nàng tiên rắn"
Trụ trì No Han dẫn chúng tôi vào nơi thờ tự trong chùa và giới thiệu bức tượng Phật ngồi trên rắn Naga bảy đầu. Trụ trì giải thích: "Naga trong tiếng Phạn có nghĩa là rắn lớn, tiếng Khmer gọi là Niệk, nhằm chỉ con rắn hổ mang, loài rắn mà nọc độc của nó có thể giết chết một con voi trưởng thành. Loài rắn hổ mang còn tượng trưng cho thần Civa, vì chúng bao hàm cả hai ý nghĩa hủy diệt và tái sinh".
Trụ trì No Han cho biết thêm, theo truyền thuyết lập quốc của người Khmer, một người Bà La Môn tên là Kaudinya đi thuyền từ Ấn Độ hay Indonesia đến vùng đất của người Khmer. Trong cuộc tỉ thí, ông này đã chiến thắng một nữ vương (hay một nàng công chúa) có tên là Nagini, con của vua rắn Naga, rồi lấy người phụ nữ này làm vợ và sinh ra dòng dõi các vị vua Khmer. Hai vợ chồng cùng nhau sáng lập và xây dựng nên vương quốc Khmer ngày nay. Cả trong quá khứ và hiện tại, người Khmer đều tin rằng họ thuộc dòng dõi Kaudinya, một người Bà La Môn gốc Ấn và công chúa Nagini (nàng tiên rắn). Chính vì vậy, người Khmer ở khắp mọi nơi đều có tín ngưỡng thờ rắn như một vị tổ tiên của mình.
Nhưng trên thực tế, rắn Naga còn là hình tượng không thể thiếu trong nghệ thuật điêu khắc của Phật giáo Khmer. Theo truyền thuyết nhà Phật, cuộc đời của đức Phật từ khi ngài mới sinh cho đến khi nhập cõi niết bàn đều ít nhiều liên quan đến loài rắn. Điều này luôn được nhắc đến trong các câu chuyện kể về cuộc đời của đức Phật vốn không xa lạ gì với mỗi người Khmer.
Câu chuyện đầu tiên là khi hoàng hậu Maya hạ sinh đức Phật tại vườn Lâm Tì Ni, Thái tử Tất Đạt Đa được một vua rắn Naga chín đầu phun nước tắm. Một câu chuyện khác lại kể rằng, rắn Naga chính là vị thần Hộ pháp (Dvarapala) canh giữ viên ngọc của mọi điều ước, viên ngọc ấy cũng tượng trưng cho Tam Bảo của nhà Phật (Buddha: Phật; Dahma: Pháp, Sangha: Tăng). Trong tập Bổn Sanh Kinh (Jataka) cũng có những câu chuyện kể về tiền kiếp của đức Phật Gautama (Cồ Đàm) trong kiếp hóa thân của một con rắn Naga.
Song, có lẽ câu chuyện nổi tiếng nhất, đặc biệt nhất, có ảnh hưởng sâu đậm trong nghệ thuật điêu khắc và kiến trúc của người Khmer và người Bà La Môn là những truyền thuyết kể về đức Phật tọa thiền trên mình rắn Naga. Sự tích này kể về bảy ngày tu đầu tiên của đức Phật, khi ngài đang tọa thiền dưới gốc bồ đề thì một cơn mưa trái mùa như trút nước xuống. Đúng lúc đó có một vị vua rắn Naga bò ra khỏi nơi trú ẩn, cuộn mình thành bảy vòng tròn, nâng đức Phật lên khỏi dòng nước đang chảy xiết và dùng bảy chiếc đầu của mình làm thành một chiếc tán rộng che chở cho đức Phật. Đây cũng là hình ảnh được tái hiện ở nơi thờ tự trong chùa Thác Rác mà chúng tôi vừa được chiêm ngưỡng.
Chúng tôi hỏi sư trụ trì về số đầu rắn khác nhau trong những bước tượng điêu khắc, tất cả đều là số lẻ, chỗ ít nhất là ba đầu, nhiều nhất là chín đầu. Sư trụ trì giải thích: Số lượng đầu rắn ít hay nhiều đều mang những ý nghĩa khác nhau. Rắn Naga ba đầu tượng trưng cho nguyên lý thiên - địa - nhân, năm đầu theo thuyết ngũ hành là kim - mộc - thủy - hỏa - thổ, bảy đầu tượng trưng cho sự đắc đạo trong tu hành và chín đầu chính là con đường dẫn lên thiên đàng. Trong đó, hình tượng rắn Naga bảy đầu còn biểu trưng cho năng lực của người nam, sự vĩnh hằng, sự vô tận và sự bất tử, biểu trưng cho bảy sắc cầu vồng trong vũ trụ.
Trước khi tới chùa Thác Rác chúng tôi đã rất tò mò về số phận những con rắn độc trong khu mộ. Nếu được chôn sống thì có khi nào chúng chui lên khỏi mặt đất, bò loanh quanh trong chùa hay không. Sư trụ trì cho biết, mười mấy năm tu tại đây, ông chưa từng nhìn thấy con rắn độc nào xuất hiện quanh khu vực chùa. Phía ngoài khu vườn, phần giáp cánh đồng, hàng ngày lũ trẻ vẫn hồn nhiên nô đùa trong ruộng sắn. Câu chuyện về những con rắn độc chôn cùng người chết có lẽ chỉ là lời đồn thổi không có thực. Nhưng chúng tôi biết chắc rằng, với người Khmer, rắn độc không phải là một loài bò sát nguy hiểm mà là một vị thần linh, là tổ tiên sẽ bảo vệ, che chở cho họ. Chính vì lý do ấy, người Khmer từ nhiều đời luôn tâm niệm và nhắc các thế hệ sau phải có bổn phận thờ cúng, tôn thờ thần rắn để được bình an.
Chùa từng là nơi cư ngụ của nhiều loài rắn độc Trụ trì No Han cho biết, ông có nghe những vị sư đã khuất của chùa nói lại rằng, xưa kia, quanh ngôi chùa này còn ẩm thấp và cây cối um tùm hơn bây giờ rất nhiều. Vì vậy, nơi đây chính là nơi cư ngụ của các loài rắn độc. Những con rắn độc này được các vị sư thuần hóa và cho ở lại trong chùa, chứ không phải chúng tự nhiên xuất hiện để gây nguy hiểm cho mọi người. Sau này, dân cư ở các nơi đến sinh sống tập trung đông đúc hơn, cây cối cũng không còn nhiều như trước nên các loại rắn độc này cũng theo đó mà biến mất. |
Hương Lam - Quyên Triệu