Giá khẩu trang tăng phi mã
Ghi nhận của phóng viên ngày 31/1, tại nhiều cửa hàng, quầy thuốc tại Hà Nội luôn trong tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang. Đây cũng là cơ hội cho những lái buôn đẩy giá mặt hàng này lên cao, thậm chí cao gấp hàng chục lần so với giá bán thông thường.
Tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc ở toà nhà Hapulico (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều cửa hàng đã treo biển hết khẩu trang, nước rửa tay phòng dịch bệnh do virus corona. Tuy nhiên, một số quầy thuốc còn hàng lại đẩy giá sản phẩm lên cao gấp nhiều lần hòng kiếm lời từ người mua.
Trong vai một khách mua hàng, phóng viên Người Đưa tin đã ghé vào quầy thuốc số 216 (Tầng 2 - Trung tâm phân phối dược phẩm & Trang thiết bị Y tế Hapu) hỏi mua một hộp khẩu trang kháng khuẩn 3 lớp với giá thị trường là 25.000 đồng/hộp, khi nghe thấy người bán hàng nói đến giá sản phẩm, tất cả mọi người đều giật mình ngạc nhiên khi giá lên tới 250.000 đồng/hộp (tăng 10 lần so với mức giá bình thường). Tuy nhiên, nhiều người vẫn chấp nhận mua.
Chia sẻ với phóng viên, một chủ hiệu thuốc ở chợ thuốc Hapulico cho biết, ngày 30/1, rất nhiều người dân và lái buôn đã lên chợ thuốc gom khẩu trang y tế. Có người mua về dùng, bán qua tay lấy lãi, có người mua găm hàng lại đợi giá cao. Do đó, mức giá khẩu trang cũng tăng theo nhu cầu mua.
Với những hộp khẩu trang bình thường có giá vài chục nghìn nhưng được tăng lên đến hơn trăm nghìn rồi 200.000 đồng/hộp. Đặc biệt, với nhiều loại khẩu trang đắt tiền như M95, 3D trở nên khan hiếm.
Trước tình trạng giá khẩu trang tăng mạnh, bà Lê Thị Th. một người có mặt ở Trung tâm phân phối dược phẩm & Trang thiết bị Y tế Hapu chia sẻ: "Sau khi nghe thông tin truyền thông đưa tin, tôi liền đi tìm khẩu trang để mua cho gia đình mà không có, chỗ có thì lại đắt quá, một hộp lên tận mấy trăm nghìn, vì sức khỏe của gia đình, thôi thì nhắm mắt mua vậy, thấy mọi người nói khẩu trang màu xanh thì tốt hơn nên tôi tìm mua khẩu trang này".
Trước tình trạng đại dịch Corona, anh Lê Phi Hùng (28 tuổi, sinh sống tại Hà Nội) cũng bày tỏ sự lo lắng trước sự lây lan mạnh của bệnh.
Lo lắng trước dịch Corona anh Hùng cho biết: "Mình cũng thường theo dõi truyền thông, báo chí và hiện tại đang đặc biệt theo dõi sát thông tin diễn biến đại dịch nguy hiểm này. Hiện tôi cũng đã được biết tại Trung Quốc đã có hơn trăm người tử vong do bệnh và ghi nhận tại Việt Nam được 3 trường hợp mắc bệnh dịch Corona".
"Hiện bản thân tôi cũng như rất nhiều người dân khác đang rất lo ngại đại dịch này bùng phát mạnh ở Việt Nam. Rất mong muốn các cơ quan chức năng của Việt Nam sớm tìm ra giải pháp để ngăn chặn được đại dịch trong nước và mong muốn các tổ chức Y tế thế giới sớm tìm ra giải pháp hữu hiệu để điều trị bệnh dịch này", anh Hùng chia sẻ.
Tương tự tình trạng trên, tại phố Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội nhiều cửa hàng, quầy thuốc lợi dụng dịch bệnh virus Corona, đội giá, treo biển bên ngoài nhằm thu hút những người qua đường.
Quản lý thị trường vào cuộc
Trao đổi với phóng viên, đại diện Đội quản lý thị trường số 1 (Chi Cục quản lý thị trường TP.Hà Nội) cho biết, đơn vị đã phối hợp với các lực lượng liên ngành kiểm tra hàng loạt các quầy bán thuốc.
Được biết, Đội quản lý thị trường số 1 vừa lập biên bản xử phạt một quầy thuốc tại chợ thuốc lớn nhất miền Bắc về hành vi vi phạm khi bán khẩu trang không có bảng niêm yết giá. Tại một quầy bán thuốc trong chợ thuốc Hapulico, lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra thì phát hiện tại đây không niêm yết giá bán công khai đối với sản phẩm khẩu trang trong khi dịch corona đang bùng phát.
Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội quản lý thị trường số 1 cho biết, việc kiểm tra của lực lượng quản lý thị trường được tiến hành liên tục. Việc làm này nhằm tránh tình trạng các cửa hàng găm hàng đối với mặt hàng khẩu trang, nước rửa tay, bán niêm yết giá.
“Thực tế qua kiểm tra hầu hết các cửa hàng tại đây đều bán hàng không niêm yết giá. Việc bán hàng không niêm yết giá đều bị xử phạt, nếu phát hiện trường hợp bán phá giá theo giá quy định chúng tôi cũng sẽ xử phạt nghiêm. Khi công bố dịch, đối với hàng thiết yếu mà vẫn có tình trạng găm hàng, bán đội giá cao sẽ xử lý theo quy định”, ông Nghĩa thông tin.
Đầu cơ trục lợi có thể bị xử lý hình sự
Liên quan đến vấn đề các hiệu thuốc lợi dụng dịch bệnh, cố tình đẩy giá khẩu trang nhằm thu lợi nhuận riêng, luật sư Lê Minh Đức (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: "Việc lợi dụng dịch bệnh để đẩy giá vật tư y tế lên cao là không thể chấp nhận được và cần bị xử lý thích đáng, hành vi này có thể bị phạt tiền lên đến 30 triệu đồng, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự".
Theo đó, luật sư Đức cho biết, Điều 17 Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có quy định rõ về mức xử phạt đối với "Hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý".
Cụ thể, phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, dịch bệnh và điều kiện bất thường khác, lợi dụng chính sách của Nhà nước để định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Buộc nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu lợi do định giá mua, giá bán hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý. Thậm chí, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị xử lý về Tội đầu cơ.
Điều 196 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội đầu cơ: Người nào lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong tình hình thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh hoặc tình hình khó khăn về kinh tế mua vét hàng hóa thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: Hàng hóa trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng, Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Minh Đức cũng phân tích rõ, hành vi "mua vét hàng hóa" trong tội đầu cơ không đòi hỏi phải mua bằng hết hàng hoá ở một địa bàn, một vùng nhất định mà chỉ cần mua với số lượng lớn để bán lại trục lợi đã bị coi là đầu cơ. Ngoài ra, việc mua vét hàng hoá phải xảy ra trong thời điểm khan hiếm loại hàng hoá đó tại địa bàn mà người phạm tội mua vét. Nếu mua vét nhưng mặt hàng đó không khan hiếm thì cũng chưa phải là đầu cơ.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Hàng hóa trị giá từ 1.500.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng; Thu lợi bất chính từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hàng hóa trị giá 3.000.000.000 đồng trở lên; Thu lợi bất chính 1.000.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm, thì bị phạt tiền từ 1.500.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị xử phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 4.000.000.000 đồng đến 9.000.000.000 đồng;
d) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Tại một số địa phương trên Việt Nam, đã xảy ra các hiện tượng thu gom, tăng giá bất hợp lý trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng cho việc phòng bệnh trong đó chủ yếu là khẩu trang, nước sát trùng và găng tay y tế.
Để ngăn chặn hành vi đầu cơ, găm hàng thu lợi bất chính và bảo đảm quyền lợi của người dân trên toàn quốc, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc khẩn trương thực hiện một số công việc như sau:
Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý theo địa bàn nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý đối với hàng hóa là trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chữa bệnh khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh của virus corona.
Phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh của virus corona để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vân chuyển hàng giả là hàng hóa dùng để phòng, chữa bệnh; trường hợp nếu phát hiện các hành vi nói trên có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định pháp luật.
Số điện thoại đường dây nóng của Tổng cục Quản lý thị trường: 1900.888.655