Chiều 3/2, cục Cảnh sát kinh tế (bộ Công an) phối hợp Đội Quản lý thị trường số 1 (cục Quản lý thị trường Hà Nội) bất ngờ kiểm tra, phát hiện 1 cơ sở kinh doanh khẩu trang cao cấp và nước rửa tay giả mạo nằm trong ngõ 290 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội.
Theo tường trình, ngày 1/2, Lương Thị Hải Yến (chủ cơ sở kinh doanh), nhập khoảng 6.000 khẩu trang 3D Mask từ một người không quen biết với giá 5.600 đồng/chiếc. Sau khi nhận được hàng, chị đóng mỗi túi 10 chiếc để bán buôn với giá 65.000 đồng/túi và bán lẻ với giá 70.000 đồng/túi.
Việc các cơ sở kinh doanh, sản xuất, buôn bán khẩu trang, nước rửa tay giả mạo ra thị trường làm hoang mang dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đặc biệt, trong khi cả nước, cả thế giới đang cùng nhau phòng, chống, đẩy lùi virus corona.
Khẩu trang giả mạo… lừa dối người tiêu dùng
Theo anh Phạm Gia Huy (Hồ Tùng Mậu, Cầu Giấy, Hà Nội): “Những ngày qua, tôi theo dõi thông tin về dịch bệnh virus corona khiến bản thân hết sức hoang mang, từ khẩu trang độn giá, đến khẩu trang được sản xuất giả, nước rửa tay giả mạo đang được bán ra thị trường càng làm bản thân tôi sợ hãi. Vì những đồ giả thì thường không đảm bảo chất lượng, nặng hơn là có hại cho sức khỏe người tiêu dùng”.
Tương tự, anh Trịnh Văn Giang (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Nhiều ngày qua tôi rất sợ phải ra đường để phòng, tránh dịch viêm đường hô hấp. Thêm nữa theo dõi thông tin, nhiều cơ sở bán khẩu trang giả trong tình trạng khẩu trang khan hiếm, giờ đi mua khẩu trang để phòng tránh, có khi chưa tránh được dịch đã nhiễm bệnh vào người rồi”.
Trao đổi với phóng viên báo Người Đưa Tin, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (viện khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, việc sản xuất, buôn bán khẩu trang giả không rõ nguồn gốc, đầu tiên là vi phạm đến đạo đức nghề nghiệp. Việc buôn bán khẩu trang giả không rõ nguồn gốc, xuất xứ sau đó bán đội giá ra ngoài thị trường đã vi phạm đến luật buôn bán cũng như làm hoang mang dư luận.
“Trong khi cả nước, nhiều doanh nghiệp đang ra sức giúp đỡ người dân phát khẩu trang miễn phí, thì cơ sở kinh doanh đã lợi dụng trục lợi để kiếm thêm, khiến nhân dân hoang mang, sợ hãi. Hành vi này không thể chấp nhận được”, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng cục Quản lý Dược (bộ Y tế) cho hay: “Những thứ gì giả trước hết đều không tốt. Về việc khẩu trang giả có ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng hay không thì cần phải đợi các đơn vị trực thuộc kiểm tra, làm rõ chất lượng thì chúng ta mới xác định được mức độ nguy hại của mặt hàng giả mạo này mang lại”.
Lãnh đạo Đội quản lý thị trường số 13 (quản lý khu vực Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, những ngày qua đơn vị đã cho rà soát và xử lý những cơ sở, cửa hàng bán phá giá khẩu trang lên gấp nhiều lần. Việc phát hiện cơ sở sản xuất, buôn bán khẩu trang y tế giả mạo trên địa bàn đến thời điểm hiện tại không có trường hợp nào. Nếu phát hiện, đơn vị sẽ lập tức xử lý ngay.
Có thể xử lý hình sự cơ sở buôn bán, sản xuất khẩu trang giả
Trước những trường hợp đang lợi dụng dịch bệnh trục lợi cho bản thân, nhiều ý kiến cho rằng, việc xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe với những cá nhân vi phạm đạo đức nghề nghiệp.
Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trước tính chất nghiêm trọng của dịch bệnh, một số cơ quan tổ chức tuyên truyền đến người dân về tác hại và sự nguy hiểm của virus corona. Không những vậy, nhiều đơn vị còn thực hiện một hoạt động ý nghĩa như phát khẩu trang miễn phí cho người dân tại một số điểm công cộng để nâng cao ý thức tự phòng bệnh.
Tuy nhiên, trong thời gian này, một số tổ chức, cá nhân đã đứng ra trục lợi trong việc kinh doanh, buôn bán khẩu trang và nước rửa tay. Điều này trái lại với tinh thần phòng chống bệnh của Chính phủ. Ngoài ra một số đối tượng còn buôn bán hàng không đảm bảo chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được cơ quan chức năng kiểm định. Chính vì vậy, lực lượng chức năng cần có những biện pháp xử lý nghiêm khắc hơn để răn đe giáo dục những người có hành vi vi phạm pháp luật và có trách nhiệm hơn.
“Trong những ngày qua, nhiều đơn vị đã phát hiện những trường hợp hàng trăm thùng khẩu trang không có nguồn gốc suất xứ, không có giấy tờ hợp lệ. Đây là những trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình về các tội danh như tội Buôn lậu, tội Buôn bán hàng giả và tội Đầu cơ”, luật sư Cường cho hay.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Cường cho biết, người có hành vi buôn bán hàng giả tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015, tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Theo đó, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tùy các trường hợp có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
“Đối với những trường hợp vi phạm, theo quan điểm của tôi, các cơ quan chức năng cần xử lý hình sự với cơ sở sản xuất, buôn bán khẩu trang, nước rửa tay giả mạo. Việc tăng mức xử phạt mới đủ sức răn đe trong hoàn cảnh đất nước đang phòng, chống dịch bệnh này”, luật sư Đặng Văn Cường nêu quan điểm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị giữ nguyên giá bán khẩu trang và các trang thiết bị y tế khác.
"Bất cứ hiệu thuốc, siêu thị tăng giá khẩu trang, yêu cầu rút giấy phép kinh doanh, đây là quyền hạn của ngành y tế. Nếu người dân có bằng chứng cửa hiệu tăng giá, không cần thanh tra kiểm tra, đề nghị Bộ Y tế rút giấy phép kinh doanh ngay lập tức. Đây là vấn đề kỷ cương, đạo đức, cần thực hiện nghiêm túc", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.