Để xác định một người được coi là tội phạm đều dựa trên nguyên tắc cơ bản về lý luận tội phạm nói chung của luật pháp quốc tế. Ở Việt Nam, tội phạm được hiểu một cách đơn giản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có yếu tố lỗi, trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt. Với những hành vi mặc dù có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không được xác định là tội phạm. Thay vào đó, những hành vi vi phạm này sẽ được xử lý bằng các biện pháp khác như xử phạt vi phạm hành chính...
Ở Việt Nam nói riêng cũng như trên thế giới nói chung, nhóm các tôi phạm xâm hại tình dục, đặc biệt là đối với trẻ em đều bị coi là trọng tội nên xử lý rất nghiêm minh. Mặc dù các nước Châu Âu có xu hướng cởi mở trong vấn đề tình dục hơn so với các nước Á Đông nhưng điều đó phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận, không trái ý muốn và đáp ứng độ tuổi nhất định theo quy định của pháp luật. Cá nhân nào mà có hành vi xâm hại tình dục trái ý muốn sẽ còn bị xử lý rất nghiêm hơn cả pháp luật Việt Nam, kể cả là nạn nhân đã đủ tuổi trưởng thành.
Đối với tội Hiếp dâm ở Việt Nam được quy định tại Điều 141 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn giao cấu khác thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái với ý muốn của nạn nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội Hiếp dâm, khung hình phạt 2-7 năm tù. Đối với hành vi nhiều người (02 người trở lên) cùng hiếp một người là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự với khung hình phạt từ từ 7 - 15 năm. Phạm tội đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
Tội hiếp dâm là tội phạm có cấu thành hình thức (chỉ cần có dấu hiệu về mặt hành vi mà không cần đã thực hiện được việc giao cấu hay chưa thì tội phạm đã hoàn thành).
Hành vi khách quan của tội phạm bao gồm:
1. Dùng vũ lực: Là dùng sức mạnh về thể chất như vật ngã, đè, giữ tay, chân, bịt miệng, bóp cổ, đấm đá, trói, giằng xé quần áo,… của nạn nhân nhằm làm mất hoặc hạn chế khả năng phòng vệ, tự vệ, chống trả của nạn nhân;
2. Đe dọa dùng vũ lực: Là dùng lời nói, cử chỉ, động tác nhưng chưa tác động vào người nạn nhân, nhưng làm cho nạn nhân hiểu rằng nếu kẻ tấn công không giao cấu được thì sẽ sử dụng vũ lực ngay tức khắc. Ví dụ như dọa giết, đe dọa gây thương tích,…
3. Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân (nhiều người dễ mắc phải nhất trong cuộc sống)
Theo hướng dẫn tại Nghị quyết số: 06/2019/NQ-HĐTP ngày ngày 01 tháng 10 năm 2019 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn cụ thể như sau:
Lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự là việc người phạm tội lợi dụng tình trạng người bị hại lâm vào một trong những hoàn cảnh sau đây để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác:
a) Người bị hại không thể chống cự được (ví dụ: người bị hại bị tai nạn, bị ngất, bị trói, bị khuyết tật... dẫn đến không thể chống cự được);
b) Người bị hại bị hạn chế hoặc bị mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi (ví dụ: người bị hại bị say rượu, bia, thuốc ngủ, thuốc gây mê, ma túy, thuốc an thần, thuốc kích thích, các chất kích thích khác, bị bệnh tâm thần hoặc bị bệnh khác... dẫn đến hạn chế hoặc mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi).
4. Dùng thủ đoạn khác: Là những trường hợp người phạm tội đe dọa, khủng bố tinh thần, làm cho nạn nhân khiếp sợ, dùng thuốc mê, thuốc kích dục, say rượu hay các chất kích thích khác làm cho nạn nhân hạn chế hoặc mất khả năng chống cự;
Nói chung quy định của pháp luật là rất cụ thể để xử lý người có hành vi phạm tội. Tuy nhiên việc có thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào ý thức của bản thân và đặc biệt trong các mối quan hệ nam nữ khi cùng sử dụng rượu bia, chất kích thích thì rất dễ dẫn tới việc vi phạm pháp luật, xâm hại tình dục trái ý muốn của nhau vì bị hạn chế khả năng nhận thức, điều khiển hành vi.
Lam Anh
(theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Anh Thơm)