Cơ hội lấp đầy khoảng trống
Cơ hội ngoại giao mới đang được tạo ra cho Trung Quốc ở Trung Đông sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel và dời Đại sứ quán về đây.
Thông báo của ông Trump đã phá vỡ sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế về giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine. Trong đó có tranh chấp về việc công nhận Thủ đô của Israel và Palestine ở thành phố được coi là thánh địa của cả người Do Thái, người Hồi giáo và Thiên chúa giáo.
Giờ đây những đồng minh Ả Rập không còn cảm thấy Washington là một trung gian hiệu quả trong các vấn đề bất đồng. Và trong khi quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ đang khiến đồng minh của Washington quan ngại, Liên minh châu Âu (EU) có thể đang cân nhắc việc phối hợp với Bắc Kinh nhiều hơn trong sự việc tranh cãi này.
Hôm 11/12, sau cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Brussels, giám đốc chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini nói sẽ không chủ động nối lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel “mà không có một cam kết từ Mỹ”.
Tuy nhiên, Mogherini đã gây chú ý bằng đề xuất mở rộng quy mô nhóm Bộ tứ Trung Đông, bao gồm thêm cả Jordan, Ai Cập và các đối tác khác có liên quan.
Trước đó, nhóm Bộ tứ vẫn được biết đến là Liên Hợp Quốc, Mỹ, EU và Nga, được giao nhiệm vụ tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và chính quyền Palestine.
Khi được hỏi liệu đề nghị của bà Mogherini sẽ bao gồm một lời mời gửi tới Trung Quốc hay không, một nguồn tin từ EU đã lấp lửng với tờ Asia Times rằng: “Sẽ tập trung quy tụ các đối tác trong khu vực trước, trong khi kết nối với các đối tác quốc tế khác cũng sẽ được tăng cường”.
Tờ Asia Times đánh giá, với tầm ảnh hưởng đang lan rộng từ Đông Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư, cộng đồng quốc tế sẽ khó mà bỏ qua được vai trò trung tâm của Bắc Kinh.
Việc bổ sung cường quốc Đông Á có thể tạo nên sự hợp tác ăn ý với nhóm Bộ tứ và giúp khôi phục lại cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo Israel và Palestine, vốn bị đình trệ từ năm 2014.
Tránh những bất ổn mới
Cũng giống như Liên minh châu Âu và các quốc gia thành viên, Trung Quốc có lợi ích trong việc ngăn ngừa bất ổn gia tăng ở Trung Đông, điều vốn ngày càng quan trọng trong chiến lược địa chính trị của nước này.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tái khẳng định lập trường trên trong bài phát biểu tại một diễn đàn ngoại giao ở Bắc Kinh cuối tuần trước.
Phát biểu trước các nhà ngoại giao và học giả, ông kêu gọi tất cả các bên liên quan đến cuộc khủng hoảng Israel-Palestine “kiềm chế xung đột và tránh tạo ra bất ổn mới ở khu vực vốn đã đầy thách thức”.
Tham gia nhóm Bộ tứ không chỉ nâng cao hình ảnh ngoại giao của Trung Quốc trong khu vực mà còn phát triển phù hợp với tham vọng trở thành một cường quốc toàn cầu của quốc gia này, chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại Emanuele Scimia viết trên Asia Times.
Bắc Kinh đang đầu tư rất nhiều về cơ sở hạ tầng, giao thông, liên kết khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Âu dưới sáng kiến “Vành đai và Con đường”.
Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc phải đi qua khu vực Trung Đông, vì vậy sự bất ổn trong khu vực gây nên mối đe dọa thường trực với các kế hoạch của Bắc Kinh trong việc mở rộng thương mại trên khắp lục địa Âu-Á.
Tương tự các cuộc khủng hoảng khác trong khu vực (Syria, Yemen và ảnh hưởng từ cuộc “Chiến tranh lạnh” Ả Rập-Iran), Trung Quốc cho rằng cuộc xung đột giữa Israel và Palestine cần được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán phù hợp với sự tham vấn của Liên Hợp Quốc.
Bắc Kinh cũng tin rằng bất kỳ giải pháp chính trị nào giúp phá vỡ bế tắc ở Trung Đông nên được kết hợp song song với nỗ lực về kinh tế, giúp cải thiện cuộc sống người dân.
Một số chuyên gia nhận định, Trung Quốc đang cố gắng lấp đầy khoảng trống do quyết định của Tổng thống Donald Trump để lại ở Jerusalem, điều vốn làm đảo ngược chính sách ngoại giao kéo dài nhiều thập kỷ của Mỹ.
“Cho đến nay, Trung Quốc đã cho thấy quyết tâm muốn đóng một vai trò quan trọng hơn trong khu vực Trung Đông", nhà phân tích Trung Quốc Charlotte Gao viết trên The Diplomat. "Quyết định mới nhất của Trump dường như đã cung cấp Trung Quốc một cơ hội tốt để thực hiện mục tiêu này".
Trong khi đó, học giả Yoram Evron tại đại học Haifa nói Trung Đông là một cơ hội cho Trung Quốc để làm nổi bật bản thân mình hơn khi ảnh hưởng của Mỹ suy giảm
"Trung Quốc muốn bản thân như một nhân tố quan trọng và có ảnh hưởng (trên sân khấu thế giới) và rõ ràng việc tham gia vào tiến trình hòa bình Trung Đông là một phần trong đó”, tiến sĩ Evron chia sẻ với tờ The Straits Times.
Giới hạn và triển vọng
Trên thực tế, đề xuất của Trung Quốc trong giải quyết tranh cãi Trung Đông vẫn chưa mang lại nhiều kết quả hữu hình cho đến nay.
Điều này dường như không phản ảnh đúng với khả năng của Bắc Kinh khi nước này có quan hệ tốt với rất nhiều các bên xung đột, đặc biệt là Israel.
Nhưng nếu nhìn sâu hơn vào những nỗ lực của Trung Quốc trong vai trò trung gian hòa bình ở Trung Đông trong thập kỷ qua, giới phân tích cho rằng có vẻ như Bắc Kinh “không có ý định đóng một vai trò lớn tại nơi đây”, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-Trung Đông Sam Chester nêu quan điểm trái ngược.
“Mỹ đóng một vai trò quan trọng ở Trung Đông, còn Trung Quốc thì không", ông nói. "Trung Quốc không có khả năng. Họ cần thêm trình độ và chuyên môn để nắm giữ vai trò này. Ngay cả những vấn đề ở ngay trước cửa nhà như Triều Tiên, Ấn Độ và Pakistan họ còn chẳng làm được”.
Tiến sĩ Yin Gang, một chuyên gia nghiên cứu Trung Đông tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh không có mong muốn có một "vai trò chủ đạo" theo cách mà Mỹ có ở Trung Đông, đặc biệt là việc chi tiền.
Mỹ từng viện trợ 40 tỷ USD cho Ai Cập kể từ năm 1979, một phần trong thoả thuận hiệp ước hòa bình Ai Cập-Israel. Ngược lại, Trung Quốc không muốn bỏ ra quá nhiều tiền.