TP.HCM chính thức có buýt trên sông
Sau hơn 1 năm thiết kế, thi công, vào ngày 21/8, tuyến buýt đường sông đầu tiên trên sông Sài Gòn (từ Bạch Đằng, quận 1 đến phường Linh Đông, quận Thủ Đức) đã chính thức được đưa vào hoạt động.
Được biết theo quy hoạch, tuyến số 1 từ Bạch Đằng (quận 1) đi Linh Đông (quận Thủ Đức) dài gần 11 km. Trên lộ trình tàu chạy có tổng cộng 7 bến đỗ, thuộc địa bàn các quận 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Tuyến xuất phát từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa, sau đó kết thúc tại bến khách ngang sông Bình Quới thuộc phường Linh Đông và ngược lại.
Các bến của tuyến buýt đường sông đã được kết nối với buýt đường bộ, để khi hành khách đến các bến có thể dễ dàng di chuyển bằng xe buýt đi đến các địa điểm trong TP.
Vào năm 2016, sau khi nghiên cứu đề án xây dựng tuyến buýt vận chuyển hành khách bằng đường sông, UBND TP.HCM đã phê duyệt thực hiện. Nhằm giảm gánh nặng nợ công, lãnh đạo TP.HCM đã quyết định lựa chọn loại hình đầu tư tuyến buýt đường sông tại TP. theo hình thức BOO (Xây dựng – sở hữu – vận hành) với tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng.
Qua quá trình bỏ thầu công khai, công ty TNHH Thường Nhật đã trúng thầu và trở thành chủ đầu tư của dự án. Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc công ty TNHH Thường Nhật cho biết, trong giai đoạn đầu doanh nghiệp sẽ trang bị 10 tàu với sức chở tối thiểu 60 chỗ. Đây là những tàu hiện đại, an toàn theo công nghệ châu Âu, được doanh nghiệp nhập khẩu 100% từ nước ngoài.
Với khoảng cách 11km, vận tốc di chuyển trong nội đô trung bình là 40km/h, thời gian di chuyển sẽ là 30 phút mỗi chuyến. Giá vé dự kiến sẽ là 15.000 đồng/lượt. Ước tính mỗi ngày tuyến buýt đường sông đầu tiên tại TP.HCM sẽ vận chuyển được khoảng 2.500 hành khách.
“Với những tuyến buýt trên sông đã và đang được công ty thực hiện, chúng tôi rất mong muốn mang đến cho người dân một sản phẩm tốt nhất, an toàn nhất. Qua đây, chúng ta cùng khuyến khích và nâng cao thói quen sử dụng phương tiện vận chuyển hành khách công cộng, nhất là phương tiện vận chuyển bằng đường thủy,…”, ông Toản cho biết thêm.
Trong tâm trạng vui mừng, khi biết tin tuyến buýt đường sông đầu tiên ở TP.HCM đi vào hoạt động, ông Nguyễn Thế Tài (ngụ phường 25, quận Bình Thạnh) hồ hởi cho biết, vào năm 2016, khi nghe TP sắp mở các tuyến buýt đường sông, ông Tài đã rất hào hứng, chờ ngày tuyến buýt đường sông hoàn thành.
“Ra nước ngoài nhiều lần, thấy những thành phố ở trời Tây, hay gần ta nhất là Thái Lan có phương tiện buýt sông, tôi mê mẩn vô cùng. Nhiều năm nay, giao thông đường bộ tại TP.HCM rơi vào tình trạng quá tải, trong khi đó hệ thống đường thủy lại bị lãng quên. Nay có tuyến buýt sông, nó sẽ giúp người dân có nhiều sự lựa chọn để đi lại hơn. Giao thông đường bộ cũng giảm gánh nặng được phần nào”, ông Tài nói.
Bên cạnh sự hồ hởi, vui mừng, không ít người dân cũng tỏ ra lo lắng và cho rằng mức giá vé 15.000 đồng/lượt của tuyến buýt đường sông là chưa phù hợp với thực tế.
“Xét về công năng vận chuyển hành khách thông thường, cùng di chuyển một đoạn đường tương tự, tuyến buýt truyền thống chỉ có mức vé dưới 10.000 đồng/lượt, chưa kể các đối tượng được trợ cấp. Trong khi tuyến buýt sông lại có giá vé ở mức cao hơn hẳn là 15.000 đồng/lượt. Điều này sẽ khiến không ít hành khách phải lưỡng lự khi lựa chọn dịch vụ mới”, chị Hồng, một người dân khi được hỏi cho biết.
Lời giải cho bài toán ùn tắc giao thông đường bộ
Bên cạnh tuyến buýt vận chuyển đường sông số 1 (Bạch Đằng, quận 1 – Linh Đông, quận Thủ Đức) đã hoàn thành và đang đưa vào sử dụng, trong thời gian tới, người dân TP.HCM sẽ tiếp tục được chào đón tuyến vận chuyển đường sông số 2 (Bạch Đằng – Lò Gốm) dài 10,3 km, từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua rạch Bến Nghé, kênh Tàu Hũ đi qua các quận 1, 4, 5, 6, 8 và ngược lại.
Để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, chủ đầu tư và chính quyền địa phương đã tính toán chi tiết để tạo ra sự thuận lợi nhất có thể cho nhu cầu đi lại của hành khách.
Được biết, hai tuyến buýt sông đều đã được quy hoạch có luồng tuyến ổn định, bến bãi có khả năng tiếp cận, kết nối tốt với giao thông đường bộ. Theo tính toán của chủ đầu tư, sau khi hoàn thành và đi vào sử dụng, ước tính mỗi ngày 2 tuyến buýt đường sông sẽ vận chuyển khoảng 5.000 hành khách trong khu vực nội đô TP.HCM.
Ông Lê Hoàng Minh, Phó giám đốc sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, TP ủng hộ chủ trương đầu tư 2 tuyến buýt đường sông đưa vào khai thác. Bởi, nó sẽ góp phần giảm tải giao thông đường bộ và tăng khả năng phát triển du lịch đường sông. Hai tuyến đường thủy sẽ thu hút người dân, học sinh, sinh viên từ các khu vực dân cư dọc các tuyến kênh rạch tại các bến có tàu buýt đi qua. Buýt trên sông cũng thu hút lượng lớn khách du lịch quốc tế muốn khám phá TP.
Các chuyên gia về giao thông và du lịch cũng có đánh giá cao về tính thực tế, cũng như giá trị xã hội mà các tuyến buýt vận chuyển đường sông có thể mang lại cho thành phố.
Bởi theo họ, ngoài công năng vận chuyển hành khách, các tuyến buýt đường sông còn có thể là dịch vụ “lạ” thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước.
Nhờ đặc thù tự nhiên, các con sông, kênh, rạch,.. lượn quanh trong khu vực nội đô TP.HCM, cũng như những công trình đã và đang xây dựng nằm ven bờ sông nơi các tuyến buýt vận chuyển đường sông chạy qua, vô tình tạo nên khung cảnh đẹp thơ mộng.
“Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư khai thác tuyến du lịch trên hệ thống sông Sài Gòn. Tuy nhiên, nó mới chỉ dừng lại ở các tuyến du thuyền cho hạng “thương gia” và chỉ chạy một đoạn ngắn trên sông Sài Gòn chưa khám phá hết nét đẹp của TP.
Do đó, việc các tuyến buýt đường sông đã và đang được chuẩn bị đưa vào hoạt động sẽ trở thành sự lựa chọn của người dân và khách du lịch muốn thưởng ngoạn TP.HCM. Nhất là, khi trời về đêm, phố phường đã lên đèn, sức hút thưởng ngoạn của loại dịch vụ này được dự báo sẽ càng tăng cao hơn,..”, một chuyên gia về du lịch tại TP.HCM nói.
Giải tỏa một phần nhu cầu, tiết kiệm thời gian Trao đổi với PV, đại diện sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, dự kiến sau khi đưa vào hoạt động tuyến buýt đường sông đầu tiên trên sông Sài Gòn (Bạch Đằng, quận 1 - Linh Đông, quận Thủ Đức), cuối năm 2017, tuyến thứ hai sẽ khai thác từ bến Bạch Đằng đi quận 8. Giá vé dự kiến sẽ là 15.000 đồng mỗi lượt. “Hai tuyến buýt đường sông đưa vào hoạt động là loại hình vận tải mới của TP. Ngoài việc giảm ùn tắc giao thông, thời gian di chuyển của nó tương đối chính xác nên sẽ thu hút được một bộ phận người dân đi lại với quỹ thời gian hạn hẹp”, vị đại diện cho biết thêm. |