Hòn đá thiêng của làng
Chúng tôi tìm đến khu 2, xã Điêu Lương. Con đường dẫn vào xóm Dài nhếch nhác, nham nhở. Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, tôi phải vòng vo qua nhiều con đường đất đỏ và những dốc núi mới tới được đỉnh gò Xứ Tiêu. Gò nằm cùng một dải với ngôi chùa Cao của làng. Không như tưởng tượng ban đầu của tôi, đường vào gò Xứ Tiêu ngoài đường đất đỏ khó đi, còn có một cái khó khác là nhà cửa của người dân khá thưa thớt nên việc hỏi thăm càng khó hơn. Thấy người lạ đến hỏi hòn đá, một cụ ông trong làng nhanh miệng: “Các cháu tìm hiểu về hòn đá chân tiên mất tích hả. Nó mất rồi, còn đâu nữa. Giờ các cháu đi lên đỉnh đồi, chỉ còn hố mà người ta đã đào trộm thôi”.
Hòn đá ao Nai bên cạnh hòn đá chân tiên.
Nghe các cụ trong làng kể lại, hòn đá này có từ lâu rồi, không một ai trong làng biết cụ thể gốc tích của hòn đá. Hòn đá nằm trên gò Xứ Tiêu một khu đồi hoang, nằm chơ vơ giữa núi rừng nơi đây nên ít người để ý tới. Bên cạnh hòn đá chân tiên có một cái ao người dân gọi là ao Nai. Người dân nơi đây cũng không biết hòn đá ấy nổi lên từ bao giờ. Đó là hòn đá ong, trong hòn đá có một bước chân (bước chân phải) to và rộng không ai trong làng có thể ướm vừa bước chân tiên. Hòn đá nặng hơn một tấn và chìm sâu dưới lòng đất. Bề nổi chỉ tầm 30cm, bước chân to có thể chứa được 2 bát to nước. Bước chân và hòn đá ấy hình thành từ lúc nào chưa xác định được, chỉ biết từ rất xa xưa và được đặt tên là hòn đá chân tiên.
Mỗi khi trời mưa, nước nhỏ vào bước chân, nắng lên cũng không cạn, đặc biệt nước trong bước chân ấy rất trong và mát. Trẻ con trong làng đi thả trâu, bò khi khát thường ghé miệng vào uống. Bên cạnh hòn đá chân tiên còn rất nhiều hòn đá đẹp và lạ như hòn đá chân Nai. Hòn đá đẹp thiêng liêng giữa núi rừng, dù không được chính quyền xã quy vào nơi được bảo tồn nhưng người dân nơi đây coi đó như một báu vật. Họ chỉ dám ngồi bên cạnh nghỉ giữa giờ canh tác, không dám đào múc hay xâm phạm gì tới hòn đá chân tiên.
Ông Nguyễn Văn Bộ, một người dân sống gần hòn đá tin rằng: “Hòn đá này là thiên thành chứ không phải nhân tạo, khi hòn đá bị mất, đã xảy ra nhiều chuyện ly kỳ nên dân chúng tôi rất lo sơ. Còn một số người khác thì lại cho rằng, hòn đá ấy tự nổi lên thì nó tự mất cũng là điều đương nhiên. Người chết cũng là cái số hay phải chăng đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”. Ông Bộ cũng cho biết thêm, trải qua bao nhiêu năm, hòn đá vẫn giữ được dáng vẻ nguyên vẹn của nó, không bị bào mòn và bước chân tiên vẫn không một ai ướm vừa.
Ông Đường Văn Nhận, Phó Chủ tịch ủy ban xã Điêu Lương thì cho rằng: “Hòn đá ấy thuộc địa phận hành chính của xã nhưng xã không quản lý vì nghĩ rằng nó chỉ là một hòn đá bình thường. Cuối năm 2012, khu đất đó đã được đấu thầu và giao cho người dân nên xã không hề hay biết về chuyện đó”. Điều đáng ngạc nhiên, tại sao một hòn đá đẹp mang theo dấu chân như một huyền thoại mà xã lại không có sự quản lý và bảo tồn hòn đá thiên thành của làng. Theo các vị cao niên trong làng, nơi đó tập trung rất nhiều linh khí, người dân nơi đây coi nó như một báu vật trời ban tặng, dù không ai dám đứng ra để nhận hòn đá về cho riêng mình nhưng người dân nơi đây đều có ý thức bảo vệ hòn đá. Dù không thờ cúng nhưng họ tin nó linh thiêng.
Nơi hòn đá chân tiên đã bị mất tích.
Hòn đá chân tiên không cánh mà bay
Khi hỏi rằng, tại sao hòn đá lại mất và người lấy trộm hòn đá này là ai thì đại diện chính quyền và người dân đều lắc đầu. Dường như, câu chuyện còn quá dài so với họ hay họ “đắc tội” với người đã lấy trộm hòn đá chân tiên. Cuối năm 2012, xã cho đấu thầu gò Xứ Tiêu, người dân khai hoang canh tác trên khu đất đó. Ông Hào người cùng xã đã trúng thầu, khi ấy ông thuê người làng bên múc và khai hóa khu đất. Ông Hòa không cho ai đụng vào khu đá, ông rào cẩn thận và bảo vệ hòn đá chân tiên. Ông Hòa rào riêng phần đất có hòn đá chân tiên để không máy múc nào xâm phạm tới.
Ông Hòa muốn, khi đưa máy xúc làm xong, ông xây lên như hòn non bộ, mua thêm cây cảnh về tôn tạo để cho người dân tới tham quan. Nhưng chủ máy xúc thấy bước chân lạ và hòn đá đẹp, nên đã gọi cả vợ ra để ướm thử chân tiên. Sau 3 ngày khai hoang, ông Hòa thấy mất hòn đá mà không biết nguyên nhân tại sao. Theo ông Bùi Văn Kỳ, người trông coi khu đất gò Xứ Tiêu thì vào khoảng tháng 2, khi ông Hòa và ông Kỳ đang chuẩn bị lên gò thì thấy một ô tô mang biển số 30 đậu dưới chân gò.
Hai ông tưởng người lạ lên tham quan nên cũng không hỏi han gì. Ông Kỳ cũng cho hay, cũng có thể bọn chúng xúc hòn đá vào chập tối nhưng đợi đến 24h đêm mới chuyển đi để chúng tôi không biết. Vài ngày sau, chúng tôi hỏi ông chủ máy xúc thì họ nói hòn đá vẫn nằm đấy. Họ còn gạt cột bê tông vào để không bị phát hiện. Hôm sau, ông Hào cùng ba người lên xem cột bê tông đổ vào hòn đá chân tiên như thế nào để gỡ nó ra thì chỉ thấy mỗi hố sâu, hòn đá đã không cánh mà bay.
Vụ “đánh cắp” bạc tỷ?
Chúng tôi hỏi tên ông chủ máy xúc để tìm đến, người dân không muốn nói, mà chỉ kể: “Ông ta vội vàng bán hòn đá cho một người trong Thanh Hóa với giá hơn một tỷ đồng rồi. Sau đó, người này phải chịu quả báo. Đứa con trai khi đi chơi đêm giáng sinh đã bị tai nạn, chân gãy thành nhiều đoạn. Chính chiếc máy xúc trộm hòn đá, khi đang hoạt động đã rơi xuống vực và mất luôn. Ngoài ra, còn rất nhiều tai họa giáng xuống gia đình ông chủ máy xúc tham lam này nữa mà người dân biết nhưng không muốn kể.
Đáng thương hơn là anh Thành (người làng bên), người mà ông chủ máy xúc thuê, vì không biết hòn đá đó là thiên thành, có từ lâu đời, cũng chỉ vì kiếm đồng tiền mà phải bỏ tính mạng mình sau vài ngày. Từ những tai họa liên tiếp giáng xuống nên ông chủ máy xúc hoang mang, lo sợ. Ông đã tìm và mua lại hòn đá với giá rất cao nhưng hiện nó không còn tại Việt Nam mà đã được chuyển đi nước ngoài”.
Ông Kỳ lắc đầu có vẻ tiếc nuối: “Hòn đá chân tiên dù không có sự quản lý của chính quyền nhưng dân chúng tôi cũng không ai dám đục đẽo, không ai dám làm điều bậy bạ gì trên đó, mất đi quả thật rất đáng tiếc. Gia đình ông chủ máy xúc sẽ không khá lên được, ông ta còn phải chịu nhiều tai họa vì đã dám xúc phạm đến hòn đá thiên thành. Chúng tôi mong muốn tìm lại được hòn đá chân tiên để trả lại vẻ đẹp nguyên sơ cho gò Xứ Tiêu”.
Dấu chân trên đá cùng những truyền thuyết bí ẩn Từ thực tế trên, chúng tôi tìm đến sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ. Đại diện cơ quan này cho biết: “Phú Thọ có rất nhiều hòn đá nổi tiếng, thiêng nhưng chưa thấy hòn đá chân tiên ở Xứ Tiêu trong sử sách”. Thế nhưng, từ những câu chuyện như báo oán, người dân nơi đây không khỏi hoài nghi về những bàn chân in trên đá với hình dáng, kích cỡ khổng lồ hoặc bí ẩn khiến người ta liên tưởng đến nhiều câu chuyện và truyền thuyết vẫn tồn tại trong đời sống dân gian Việt Nam cả ngàn đời nay. Những dấu chân này đều mang đến cho người ta hoặc cảm giác thán phục vào sự tài tình của tạo hóa, con người nhưng đôi khi lại khiến người ta trầm lặng trước những bí ẩn của cõi hư không. |
Mai Hằng