Điệp khúc cứ mưa là ngập lụt tại khu đô thị An Vân Dương và nhiều khu dân cư ở các phường Xuân Phú, An Đông, An Cựu (TP.Huế) đã quá quen thuộc với các cư dân sinh sống tại các khu vực này.
Sau trận mưa lũ vào giữa tháng 10/2022 vừa qua, điệp khúc này càng khiến người dân khổ sở hơn khi các khu đô thị này không chỉ ngập lụt diện rộng mà sau mưa, nước lũ ở đây còn thoát rất chậm.
Nguyên nhân của việc ngập lụt và thoát nước chậm này vừa được Ban Quản lý dự án (QLDA) Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ ra.
Theo đó, sau khi đầu tư nâng cao độ tuyến đường Võ Nguyên Giáp và đường Tố Hữu (TP.Huế) theo đồ án quy hoạch phân khu A điều chỉnh tại Quyết định số 432/QĐ-UBND ngày 21/2/2019 của UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, trước mắt đã gây ảnh hưởng đến quá trình thoát lũ tại một số khu vực dân cư do hệ thống kênh mương thoát nước ra sông Như Ý, Nhất Đông, hói Phát Lát... chưa được đầu tư hoàn chỉnh.
Ông Nguyễn Trần Nhật Tuấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, để giải quyết thực trạng nói trên, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã chỉ đạo các Sở, ngành nghiên cứu để có các giải pháp xử lý trong tình hình hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch. Cụ thể, đối với dự án nâng cao độ tuyến đường Tố Hữu, Võ Nguyên Giáp sẽ bổ sung cửa thu nước cho các vị trí có cao độ địa hình thấp, thu vào hệ thống thoát nước của tuyến đường để xả ra các vị trí theo quy hoạch.
Hiện dự án đã đầu tư bổ sung các cống hộp băng đường theo quy hoạch đảm bảo thoát nước cho khu vực thượng lưu gồm cống hộp tại vị trí đường Võ Nguyên Giáp với Hoàng Quốc Việt; cống hộp tại cuối đường Tố Hữu. Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế đang trình Phòng TN&MT TP Huế thẩm định nguồn gốc đất khu vực tiếp giáp sông Như Ý của hạng mục đường 100m nối 2 khu đô thị A và B An Vân Dương thuộc dự án Chương trình phát triển các đô thị loại II - Tiểu dự án Thừa Thiên-Huế để giải phóng mặt bằng, hoàn thiện đầu tư hệ thống thoát nước dọc và cửa xả tuyến đường Võ Nguyên Giáp.
Bên cạnh đó, thực hiện nạo vét khơi thông các mương hói, các điểm bị tắc nghẽn, đường ống thoát nước mưa, cửa thu, cửa xả trên địa bàn khu vực. Tập trung hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng đang bị vướng mắc tại các dự án để sớm thi công hoàn thành các cống hộp cuối tuyến thông ra sông Lợi Nông như cống hộp kênh CX7 đường Tôn Quang Phiệt, cống hộp đường Hải Triều cuối kênh hói Vạn Vạn để giải quyết thoát nước cho các khu vực thượng lưu; rà soát các vị trí ngập cục bộ do ảnh hưởng bởi dự án để có phương án thu gom, tiêu thoát úng phù hợp.
Ông Tuấn còn cho biết, về lâu dài Ban QLDA sẽ ưu tiên đầu tư các cầu, cống băng đường tại các vị trí mương hói nối liền hiện nay, thay thế các cống có khẩu độ nhỏ chưa phù hợp với các tuyến kênh mương và đầu tư theo giai đoạn đối với các tuyến kênh mương theo quy hoạch được duyệt. Từ đó từng bước hoàn thiện các tuyến đường và hệ thống thoát nước trong khu vực theo quy hoạch để đảm bảo kết nối đồng bộ hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật và thoát nước cho KĐT An Vân Dương.
Theo sở Xây dựng tỉnh Thừa Thiên - Huế, để đảm bảo tính hiệu quả việc thoát nước tại khu đô thị An Vân Dương nói riêng và khu vực phía Đông TP Huế nói chung cần phải có sự nghiên cứu đồng bộ, tổng thể trên phạm vi lớn. Do đó, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu giải pháp thoát lũ cho khu vực phía Đông TP Huế. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu sẽ đề ra các giải pháp điều chỉnh cao độ, hướng thoát lũ cho đô thị nhằm thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, đảm bảo phát triển đô thị bền vững.
Lê Kông