Nhiều xe lắp hộp đen chỉ để đối phó
Từ ngày 1/8 sẽ xử phạt những xe không lắp thiết bị giám sát hành trình (hộp đen), hoặc lắp không đúng, lắp nhưng không sử dụng... Trong cuộc họp báo diễn ra vào đầu tháng này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, phó chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, theo thống kê, số phương tiện thuộc diện bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình chỉ là 48.000 xe, đã lắp đủ và còn có thêm 160.000 xe các doanh nghiệp tự lắp để quản lý lái xe.
Hiện, đã xây dựng được hệ thống phần mềm kiểm soát vận tải qua hộp đen. Phần mềm này đã kết nối và giám sát được khoảng 20.000 xe trên cả nước. Hệ thống này có thể giám sát hoạt động vận tải theo dạng biểu đồ. Dựa vào biểu đồ, có thể biết được số phương tiện của từng địa phương đang hoạt động trên đường. Trong số đó có bao nhiêu phần trăm chạy quá tốc độ quy định.
Hộp đen trong xe đang được kiểm tra
Những hộp đen này có những tính năng như: Cảnh báo tốc độ; số lần đóng mở cửa; số lần dừng đỗ, trạng thái xe, giờ làm việc, lộ trình hoạt động…. Đây là một đơn vị giám sát để lái xe an toàn, giảm thiểu tai nạn giao thông. Trao đổi với PV, ông Thân Văn Thanh, nguyên chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng: "Ở nhiều nước trên thế giới, họ đã lắp hộp đen cho xe ô tô từ lâu. Ở Việt Nam, khi Nhà nước chưa quy định lắp hộp đen thì những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn, đàng hoàng như Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Mai Linh…. đã tự nguyện lắp từ năm 2008-2009. Họ lắp để phục vụ công tác quản lý. Cách đây một năm, Chính phủ đã đưa ra quy định này và hạn đến 1/7 năm nay sẽ phạt những xe không gắn thiết bị giám sát hành trình. Đó là điều kiện kinh doanh, nếu đáp ứng đủ thì mới được thực hiện, còn không sẽ bị rút giấy phép vận tải".
Tuy nhiên, việc sử dụng hộp đen như thế nào lại là một vấn đề còn nhiều nan giải. Trong mấy ngày gần đây, Thanh tra sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội ra quân kiểm tra việc lắp hộp đen ở tất cả bến xe khách tại thủ đô. Riêng trong ngày 1/7, kiểm tra 17 hộp đen thì phát hiện tới 12 chiếc không hoạt động. Thậm chí có trường hợp, xe ô tô không có hộp đen. Đa số lỗi của hộp đen là thiết bị không xuất/in được thông tin, không có đèn LED hiển thị, sản phẩm không có dấu hợp quy của bộ Giao thông Vận tải hoặc lắp thiết bị nhưng không có dây dữ liệu…
Đại diện Thanh tra sở GTVT cho hay, nhà cung cấp có nhiều sản phẩm không đạt yêu cầu, Thanh tra cũng có báo cáo cụ thể để lãnh đạo Sở kiến nghị bộ GTVT xem xét rút giấy phép, ngừng cung cấp sản phẩm ra thị trường của doanh nghiệp. Còn những đơn vị lắp đặt, sử dụng hộp đen không đúng quy định cũng sẽ bị xử lý
Theo ông Nguyễn Văn Thanh (chủ tịch hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam), thì một phần nguyên nhân khiến nhiều loại xe lắp hộp đen không đủ tiêu chuẩn là do doanh nghiệp khoán trắng xe cho lái xe. Họ nghĩ, lái xe muốn không bị phạt thì phải tự lắp. Trong khi đó, lái xe lại nghĩ rằng hộp đen không có tác dụng trong việc tăng thêm thu nhập cho họ nên họ mua loại rẻ.
Được biết, trước thời điểm giờ G một ngày, Vụ Vận tải (Bộ GTVT) và Ủy ban ATGT Quốc gia thông tin, hiện mới chỉ có khoảng 16.000 phương tiện trên tổng số 48.000 phương tiện có hộp đen được tích hợp về hệ thống. Như vậy, còn khoảng 32.000 xe vẫn nằm ngoài kiểm soát, tức có hộp đen nhưng chưa thể giám sát tổng thể, điều đó có nghĩa vẫn còn nhiều xe, đơn vị quản lý chưa thể giám sát hành trình. Bên cạnh đó, qua kiểm tra thông số kỹ thuật hộp đen trong tháng 5, trung bình xe khách quá tốc độ 22 lần/ ngày, xe buýt quá tốc độ 7 lần/ ngày. Xe chạy quá tốc độ nhiều nhất lên tới 300 lần/ ngày, trong đó có khoảng 200 lần chạy quá tốc độ 10 km/giờ, 100 lần chạy quá tốc độ 20km/ giờ. Xe chạy tốc độ cao nhất lên tới 126 km/ giờ.
Cần bổ sung cơ sở pháp lý
Hiện nay, chúng ta mới xử phạt những vấn đề liên quan đến việc có lắp hay không lắp hộp đen, lắp chuẩn hay không chuẩn kỹ thuật… Còn việc căn cứ vào dữ liệu của hộp đen để phạt nguội xe vi phạm tốc độ thì chưa có cơ sở pháp lý quy định. Vì thế, nhiều người cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần xem xét, sớm bổ sung những quy định cần thiết để có cơ sở pháp lý xử "phạt nguội" các lỗi chạy quá tốc độ, lấn tuyến được phát hiện từ hộp đen.
Tuy nhiên đại diện của Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thanh cho rằng, thiết bị giám sát là do doanh nghiệp tự sắm để doanh nghiệp có thể theo dõi được tốc độ, hành trình… của xe để phục vụ công tác quản lý. Dữ liệu trong hộp đen không phải để phục vụ các cơ quan chức năng lấy dữ liệu trong đó làm cơ sở để phạt. Nếu muốn phạt thì cơ quan chức năng phải tự mua thiết bị.
Trái với quan điểm của ông Nguyễn Văn Thanh, ông Thân Văn Thanh nguyên chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia lại cho rằng, thiết bị giám sát là để người lái xe ý thức được trách nhiệm lái xe của mình, đảm bảo an toàn cho mình và cho hành khách. Nếu đã mắc lỗi thì cần phải phạt, đây cũng là công cụ theo dõi trung thực nhất, một phần nào đó giúp giảm tiêu cực về mãi lộ, giảm tình trạng lái xe bị mắc lỗi rồi "xin" cảnh sát giao thông bỏ qua. Ông Thân Văn Thanh nhấn mạnh: "Chúng ta cần bổ sung vào luật việc dựa vào dữ liệu của hộp đen để "phạt nguội" lái xe. Có như vậy mới giảm thiểu được tai nạn giao thông".
Độc giả Bùi Văn Thỉnh ở Quốc Oai (Hà Nội) góp ý: Nhiều lái xe phải làm việc liên tục trong một thời gian dài dẫn đến mệt mỏi, lái xe mất an toàn. Tôi đã từng nhìn thấy nhiều lái xe container về đêm có khuôn mặt mệt mỏi rệu rã như cô hồn mà phóng xe trên đường rất nhanh. Họ biết những điểm chốt của cảnh sát giao thông nên biết cách tránh, hoặc người trong giới có ám hiệu cho nhau để né cảnh sát giao thông. Vì thế tôi cho rằng thiết bị giám sát hành trình là công cụ trung thực nhất để phát hiện lỗi sai của lái xe. Tôi cho rằng chúng ta nên dựa vào dữ liệu trung thực trong hộp đen để xử phạt. Có như vậy mới khiến họ buộc phải lái xe cần thận trọng, không gây ra những vụ tai nạn thương tâm.
Mức phạt cao nhất là 2 triệu đồng Nghị định 91 của Chính phủ quy định các phương tiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, hợp đồng, xe buýt, xe container phải gắn hộp đen và mức phạt cho vi phạm này từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng kèm theo hình thức phạt bổ sung là tước giấy phép kinh doanh vận tải. Hộp đen hợp chuẩn, hợp quy phải trích xuất được các thông tin chi tiết về hành trình xe, xe và tài xế; tốc độ của xe; số lần và thời gian dừng đỗ; vị trí xe lắp đặt thiết bị trên bản đồ; thông tin về số lần và thời gian đóng mở cửa xe, thời gian lái xe của tài xế (không lái xe liên tục 4 giờ và không quá 10 giờ/ngày)... |
Thành Huế - Văn Chương