Hội nghị thượng đỉnh LHQ về khí hậu COP27 đã khai mạc hôm 6/11 tại Sharm El-Sheikh, Ai Cập. Sự kiện diễn ra sau một năm với những thảm họa thời tiết khắc nghiệt, một lần nữa làm dấy lên làn sóng kêu gọi các quốc gia công nghiệp phát triển giàu có bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn.
Chỉ trong vài tháng qua, các thảm họa do khí hậu gây ra đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng, hàng triệu người phải di dời và gây thiệt hại hàng tỷ USD trên khắp thế giới. Ví dụ, lũ lụt thảm khốc đã tàn phá nhiều vùng đất ở Pakistan và Nigeria, hạn hán tồi tệ hơn ở châu Phi và miền Tây nước Mỹ, lốc xoáy quét qua vùng Caribe, và những đợt nắng nóng chưa từng có ở cả 3 lục địa Á, Mỹ, Phi.
Hội nghị thượng đỉnh COP27 sẽ tập trung hơn bao giờ hết vào vấn đề tiền bạc - một điểm mấu chốt chính đã làm xấu đi mối quan hệ giữa các quốc gia giàu có đang đốt nhiều nhiên liệu hóa thạch và các quốc gia nghèo hơn đang chịu hậu quả tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.
Các quốc gia đang phát triển có “kỳ vọng cao” vào việc tạo ra một cơ sở tài trợ chuyên dụng để bù đắp cho những “mất mát và thiệt hại”, Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu, ông Simon Stiell, cho biết hôm 6/11.
“Các quốc gia dễ bị tổn thương nhất đang mệt mỏi, thất vọng”, ông Stiell nói. “Đã đến lúc có một cuộc thảo luận cởi mở và trung thực về những mất mát và thiệt hại”.
Năm 2009, các nước công nghiệp phát triển cam kết cung cấp cho các quốc gia đang phát triển 100 tỷ USD/năm tài trợ khí hậu vào năm 2020. Thỏa thuận bắt nguồn từ thực tế là các quốc gia phát triển đã tạo ra hầu hết ô nhiễm do bẫy nhiệt hiện nay trong khí quyển, trong khi các quốc gia đang phát triển đã bắt đầu chịu một phần thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra.
Thời hạn năm 2020 đó đã đến và đi, trong khi lời hứa vẫn chỉ là lời hứa. Tại COP 26, diễn ra vào thời điểm này năm ngoái tại thành phố Glasgow (Anh), các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức đã công bố kế hoạch cung cấp các khoản vay và tài trợ với tổng trị giá 8,5 tỷ USD trong vòng 5 năm tới để hỗ trợ Nam Phi loại bỏ dần than đá, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa. Trong khi đó, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc, những quốc gia có lượng phát thải cao trên thế giới, thì hầu như im lặng.
Nhưng ngay cả với nguồn tài chính được cung cấp cho đến nay, vẫn có những vấn đề và trở ngại. Phần lớn số tiền đang được chuyển qua các khoản vay, điều mà các nhà phê bình cho rằng sẽ làm tăng thêm gánh nặng nợ nần của các chính phủ vốn đang có nền tài chính không ổn định.
Các chuyên gia cho biết, các nỗ lực toàn cầu nhằm hạn chế biến đổi khí hậu đang gặp nguy hiểm nếu không có thêm viện trợ. Các nước đang phát triển cần tiền để chuyển sang năng lượng tái tạo để nền kinh tế của họ có thể phát triển mà không làm tăng phát thải khí nhà kính. Họ cũng cần tài trợ để đối phó với những tác động mà họ đang phải đối mặt từ sự ấm lên toàn cầu.
Giờ đây, lạm phát tràn lan và cuộc khủng hoảng năng lượng phần lớn do tác động của xung đột Nga-Ukraine có thể làm phức tạp thêm nỗ lực thuyết phục các quốc gia phát triển thực hiện tốt các cam kết tài chính của họ.
Hội nghị lần thứ 27 các Bên tham gia Công ước Khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (COP27), diễn ra từ 6/11 đến 18/11, thu hút sự tham gia của khoảng 40.000 đại biểu, trong đó có gần 100 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu các chính phủ trên thế giới.
Sau phiên khai mạc hôm 6/11, Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới sẽ diễn ra trong 2 ngày 7-8/11. Các phiên họp từ ngày 9-17/11 sẽ tập trung thảo luận nhiều chủ đề khác nhau, bao gồm tài chính, trung hòa các-bon, đa dạng sinh học... Tại phiên họp cuối cùng diễn ra ngày 18/11, dự kiến tuyên bố chung của COP27 sẽ được thảo luận và thông qua.
Minh Đức (Theo New Arab, NPR)