Với mục tiêu đổi mới căn bản tổ chức, hoạt động quản lý Nhà nước về dân cư, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), giảm thiểu giấy tờ công dân, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đồng thời, góp phần phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
Cũng theo nội dung của đề án này, trong giai đoạn 2013-2014 việc triển khai đề án tập trung vào các vấn đề: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư; cấp, quản lý và sử dụng số định danh cá nhân; Hệ thống hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu (CSDL) liên quan đến quản lý dân cư; Tập trung rà soát và đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân và các CSDL liên quan đến quản lý dân cư… Đến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật CSDL quốc gia về dân cư trong phạm vi toàn quốc. Từ năm 2016, tổ chức triển khai nhập thông tin cá nhân vào CSDL quốc gia về dân cư.
Lâu nay, các ngành độc lập trong vấn đề cấp số/mã số riêng mặc dù các số/mã số này đều chứa đựng nhiều thông tin cá nhân trùng nhau không có sự kết nối, chia sẻ và cập nhật… gây tốn kém, lãng phí, ít hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Một công dân có thể sở hữu khoảng 20 loại giấy tờ khác nhau như: Giấy khai sinh, sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ mã số thuế cá nhân, sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế, giấy phép lái xe, giấy đăng ký kết hôn, giấy chứng tử…. Liên quan đến các thủ tục của các loại giấy tờ này thì có đến vài chục TTHC.
Với đặc điểm dân số đông, số lượng giao dịch hành chính lớn nhưng hầu hết tất cả TTHC đều được thực hiện thủ công và đòi hỏi công dân phải tự chứng minh về nhân thân của mình thông qua việc xuất trình hoặc nộp bản sao hoặc nộp bản sao có chứng thực các giấy tờ. Hồ sơ để thực hiện TTHC cũng như kết quả giải quyết TTHC chưa được chia sẻ, sử dụng chung nên đã tạo ra gánh nặng hành chính lên tới hàng ngàn tỉ đồng/năm cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào các giao dịch hành chính.
Sẽ đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Ảnh minh họa
Có thể thấy, việc xây dựng số định danh cá nhân cho toàn bộ công dân là điều mang lại lợi ích và hết sức cần thiết ở thời điểm hiện nay.
Số định danh cá nhân: Giảm tải TTHC và thể hiện sự văn minh
Theo quy định hiện nay thì công dân từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cứ trú tại lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ phải làm Chứng minh nhân dân. Như vậy, việc đăng ký giấy tờ và quản lý công dân ở những đối tượng chưa làm Chứng minh nhân dân sẽ rất khó, chồng chéo và có nhiều lỗ hổng.
Đối với số định danh, mỗi công dân từ khi sinh ra đều được cấp 1 mã số, sau đó đăng ký mã số này với cơ quan Nhà nước. Mã số này chứa đựng các thông tin cơ bản về công dân như họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh, nơi sinh, cư trú, tài khoản Ngân hàng; BHXH; phúc lợi xã hội…
Như vậy, có thể nói từ việc cấp số định danh cho công dân, sẽ tiến tới việc người dân muốn làm thủ tục hành chính, chỉ cần cung cấp số định danh của mình để tra cứu thông tin, mà không cần các giấy tờ tùy thân như hiện nay. Bên cạnh đó, với việc sử dụng số định danh công dân, sẽ tiết kiệm được vài nghìn tỷ đồng chi phí cho các TTHC mỗi năm. Mặt khác, còn tránh được sự phiền hà, mất thời gian như các TTHC “mạng nhện” hiện nay ở Việt Nam. Số định danh cá nhân chính là TTHC không giấy tờ, thể hiện sự văn minh của sự phát triển, đặc biệt trong vấn đề quản lý.
Hiện nay trên Thế giới có rất nhiều nước sử dụng số định danh cá nhân, ở mỗi Quốc gia thì có tên gọi khác. Ở Châu Âu việc sử dụng số định danh cá nhân là TTHC rất phổ biến, như: Ở Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Thụy Điển sử dụng công cụ Số định danh cá nhân trong hoạt động quản lý hành chính của mình. Còn ở Pháp, số định danh cá nhân (NIR) được sử dụng để định danh cá nhân trong một số lĩnh vực, ngành cụ thể. Tại Ý, mã số thuế có vai trò như số định danh chung. Mỗi cá nhân kể từ khi sinh ra hoặc từ khi định cư trên đất nước Ý được định danh bởi một mã số thuế…
Có rất nhiều trường hợp đã xảy ra ở Việt Nam như: Một người có đến hai Giấy khai sinh; Hay như một người đàn ông có đến hai đăng ký kết hôn với hai bà vợ; Cùng một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà cá nhân có thể đem đi thế chấp với hơn một Ngân hàng… tất cả điều này thể hiện sự thủ công, chồng chéo, thiếu sự chia sẻ, kết nối và cập nhật TTHC về hồ sơ, thông tin của một cá nhân.
Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư ra đời nhằm khắc phục những vướng mắc liên quan đến vấn đề quản lý dân cư hiện nay. Đề án này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Đơn giản hóa TTHC, giảm kinh phí thực hiện các cuộc điều tra xã hội liên quan đến công tác quản lý dân cư như tổng điều tra dân số, giảm chi phí đầu tư cho việc duy trì các trường thông tin trùng lặp tại các cơ sở dữ liệu; Giảm tối đa việc nhập các trường thông tin trùng lặp về công dân, gây lãng phí cho ngân sách Nhà nước khi xây dựng và vận hành các CSDL chuyên ngành. Đặt nền tảng cho việc phát triển Chính phủ điện tử nhằm cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4 cho công dân.
Luật sư Luật sư Hà Thị Thanh, Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Hưng Yên ( TTTĐT Liên đoàn luật sư Việt Nam)