Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT có nêu: “Chậm nhất đến ngày 1/1/2020, cơ quan BHXH phải có trách nhiệm thực hiện phát hành thẻ BHYT điện tử cho người tham gia BHYT”.
Ông Đào Việt Ánh - Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, Thủ tướng yêu cầu thẻ BHYT phải có gắn chíp với giải pháp công nghệ do Việt Nam làm chủ, bảo đảm kết nối, liên thông, tích hợp an toàn và chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Theo đó, ngành BHXH triển khai cấp thẻ BHYT điện tử cho người dân để quản lý thông tin về khám, chữa bệnh. Người dân đến khám ở các cơ sở y tế, hoặc đến các cơ quan để giải quyết chế độ hưởng BHXH, chỉ cần dùng đầu đọc thẻ chip là sẽ hiển thị toàn bộ thông tin thẻ.
Tuy nhiên, điều mà không ít người quan tâm đó là lợi ích của thẻ BHYT điện tử mang lại?
Về vấn đề này, phía BHXH Việt Nam thông tin, chuyển đổi sang thẻ BHYT điện tử trong tương lai sẽ mang lại lợi ích lớn cho các bên liên quan như cơ quan BHXH, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) và đặc biệt là người tham gia BHYT.
Với thẻ điện tử, khi đi khám bệnh, trong trường hợp thẻ chưa đến tay người dân nhưng trong hệ thống đã có thông tin thì chủ thẻ vẫn được giải quyết bình thường. Các cơ sở khám chữa bệnh chỉ cần nhập mã thẻ, họ tên, ngày tháng năm sinh chủ thẻ, hệ thống sẽ trả kết quả là thẻ có hợp lệ hay không. Người dân cũng có thể tra cứu quyền lợi của chủ thẻ, thậm chí tra cứu những lần khám chữa bệnh nếu đã khám chữa bệnh trên Cổng thông tin điện tử của ngành bảo hiểm. Việc này sẽ góp phần giúp người dân giám sát, tránh gian dối trong hoạt động khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở y tế.
Thẻ bảo hiểm điện tử sẽ phục vụ tốt cho công tác quản lý, khai thác, giải quyết chế độ BHXH, BHYT, đồng thời rút ngắn thời gian đáp ứng yêu cầu, giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính
Hiện nay, BHXH Việt Nam đang triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu cấp thẻ BHYT điện tử theo kế hoạch đề ra. Cụ thể như: Xây dựng dự thảo Quyết định phê duyệt mẫu thẻ BHYT và phương án cấp, quản lý và sử dụng thẻ BHYT điện tử; xây dựng phương án để xây dựng mục tiêu, lộ trình thực hiện, quy định về giải pháp công nghệ cho thẻ BHYT điện tử...
Trong 2 năm vừa qua, BHXH Việt Nam đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động nghiệp vụ và xây dựng thẻ BHYT điện tử sẽ là một bước đột phá của ngành.
BHXH Việt Nam cũng tổ chức khảo sát, thí điểm tại một số tỉnh, thành phố lớn; lên phương án trang bị cơ sở hạ tầng nhằm bảo đảm kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu BHYT liên thông với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Năm 2017, cả nước có 13,9 triệu người tham gia BHXH, 79,9 triệu người tham gia BHYT, 11,8 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 10/2018, toàn quốc có 82,33 triệu người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 87,62% dân số.
Thẻ bảo hiểm điện tử là dạng thẻ chip, kích cỡ giống hệt với một một chiếc thẻ ATM hay Master card, trong đó tích hợp dữ liệu cả thẻ BHYT và sổ BHXH, lưu giữ các thông tin cơ bản, quá trình đóng, hưởng của người tham gia BHXH, BHYT, người sử dụng thẻ được xác thực thông qua đầu đọc và nhận diện vân tay.
Huệ Nguyễn