Bắt nhịp với xu thế phát triển của nhiều đô thị lớn trên thế giới, Hà Nội đặt mục tiêu sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới vào năm 2030.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Hà Nội đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện với sự tham gia của nhiều sở, ngành, địa phương. Trong đó, ứng dụng iHanoi đang được kỳ vọng sẽ mở ra một kênh tương tác mới trên môi trường số, kết nối và thu hẹp khoảng cách giữa chính quyền với người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.
Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Bằng - Giám đốc Trung tâm Thông tin điện tử Thành phố (thuộc Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội) để hiểu rõ hơn về tính năng và kế hoạch triển khai phổ biến ứng dụng này cũng như định hướng dài hơi hơn cho khát vọng trở thành thành phố thông minh của Thủ đô.
7 chức năng chính của iHanoi
Người Đưa Tin (NĐT): Xin ông cho biết bối cảnh ra đời và mục đích hướng đến của ứng dụng iHanoi trong giai đoạn hiện nay?
Ông Hoàng Văn Bằng: Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với quan điểm "Người dân và doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số", trong thời gian qua, Tp.Hà Nội đã nghiên cứu xây dựng và triển khai ứng dụng iHanoi nhằm tiếp nhận và xử lý phản ánh, kiến nghị từ người dân một cách minh bạch, nhanh chóng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, cung cấp tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp và tiếp nhận các sáng kiến đóng góp xây dựng phát triển Thủ đô.
Đồng thời, ứng dụng đảm bảo sự tham gia giám sát của cộng đồng với phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng", từ đó nâng cao niềm tin của người dân với chính quyền.
NĐT: Thưa ông, những tiện ích, chức năng của ứng dụng iHanoi được thiết kế như thế nào, đặc biệt là sự kết nối liên thông giữa iHanoi với các ứng dụng khác?
Ông Hoàng Văn Bằng: Hiện nay, ứng dụng iHanoi cung cấp 4 nhóm tiện ích và 7 chức năng chính.
Thứ nhất là phản ánh hiện trường, cho phép người dân và doanh nghiệp gửi kiến nghị về các lĩnh vực đời sống.
Thứ hai là phản ánh về thủ tục hành chính, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phản ánh khó khăn khi giải quyết thủ tục hành chính.
Thứ ba là đăng ký lịch tiếp công dân, cho phép đăng ký lịch tiếp công dân trực tuyến.
Thứ tư là các tiện ích đô thị thông minh. Cụ thể cung cấp thông tin về văn hóa, giáo dục, y tế, quy hoạch, môi trường.
Thứ năm là truyền thông, tin tức, cảnh báo giao thông, tội phạm, thiên tai và cung cấp tin tức.
Thứ sáu là đóng góp sáng kiến, góp ý. Cụ thể, ưng dụng hiển thị ý tưởng, sáng kiến từ người dân về nhiều lĩnh vực.
Cuối cùng, ứng dụng Hanoi Chat được thiết kế để hỗ trợ giao tiếp trực tuyến giữa người dân, doanh nghiệp và chính quyền.
Trước đó, từ tháng 10/2023, Thành phố đã hợp tác với nhiều tập đoàn công nghệ lớn và các chuyên gia trong và ngoài nước để nghiên cứu, xây dựng quy trình nghiệp vụ, và lựa chọn giải pháp công nghệ tiên tiến nhằm xây dựng nền tảng iHanoi.
Ứng dụng được xây dựng trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud) giúp mở rộng tài nguyên và đảm bảo vận hành ổn định. Việc xây dựng ứng dụng dựa trên kiến trúc phát triển phần mềm và sử dụng các công nghệ lập trình mới để phân bổ tài nguyên linh hoạt và phát triển các tiện ích.
iHanoi được tích hợp trí thông minh nhân tạo để cung cấp dịch vụ tương tác, trả lời, gợi ý tự động cho người dân và công chức. Sử dụng công nghệ lưu trữ đối tượng và hệ quản trị CSDL để đảm bảo năng lực dự phòng, sao lưu và lưu trữ tốt, đáp ứng lượng truy cập lớn. Về an toàn thông tin, iHanoi đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cấp độ 4, được giám sát 24/7 để đảm bảo an ninh an toàn cho hệ thống và dữ liệu của Thành phố.
Trong quá trình triển khai, thành phố Hà Nội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương để cập nhật, bổ sung và liên thông các trường dữ liệu. Cụ thể là phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội – Bộ Công an (C06) để làm sạch dữ liệu và tích hợp VNeID mức độ hai.
Phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam để tích hợp hệ thống quản lý, bán vé tàu và đường sắt trên cao. Phối hợp với VOV giao thông để chia sẻ dữ liệu camera giao thông.
"Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân"
NĐT: Thưa ông, sau hơn 2 tháng triển khai, việc phổ biến ứng dụng iHanoi trên địa bàn Thủ đô đã đạt những kết quả như thế nào?
Ông Hoàng Văn Bằng: Ứng dụng iHanoi được triển khai từ ngày 28/6 đến nay. Sau hơn 2 tháng, ứng dụng iHanoi đã tiếp nhận 5.700 phản ánh, kiến nghị trong đó đã xử lý 3.940 đạt trên 70%, đang xử lý 29% và chỉ có 69 kiến nghị xử lý quá hạn chiếm 0,02%.
Tính đến nay, đã có gần 800.000 người dân, doanh nghiệp và 100% công chức, viên chức thuộc Thành phố tạo tài khoản trên iHanoi. Tổng số lượt truy cập iHanoi đạt trên 6 triệu lượt; đã tích hợp 2,5 triệu sổ sức khỏe điện tử từ hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử Thành phố lên iHanoi phục vụ người dân tra cứu… Đã có 468 sáng kiến xây dựng Thủ đô.
Ứng dụng nhận được nhiều đánh giá tích cực từ cộng đồng mạng, với 62,1% người dùng đánh giá "hài lòng và chấp nhận" về chất lượng giải quyết phản ánh, kiến nghị của chính quyền.
Đặc biệt, trong những ngày diễn ra bão số 3 (từ ngày 6/9 đến ngày 11/9/2024), iHanoi đã tiếp nhận 110 phản ánh về bão, lũ, cây xanh gãy đổ,… và đã được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Thông qua iHanoi, Hà Nội đã tuyên truyền cập nhật 315 bản tin tuyền truyền về công tác phòng, chống cơn bão số 3, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã được thông tin kịp thời đến với người dân qua ứng dụng iHanoi.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tập trung vào công tác thông tin, truyền thông với xã hội về ứng dụng iHaNoi, trong đó chú trọng phương thức thông tin, tuyên truyền qua báo, đài, hệ thống thông tin cơ sở và lực lượng triển khai, tuyên truyền tại cơ sở theo phương châm "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân". Qua đó, giúp người dân, đặc biệt các bạn trẻ ý thức, tin tưởng và ủng hộ, lan tỏa thông tin chia sẻ tính năng hữu ích của ứng dụng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, do một số địa phương có địa bàn rộng, đơn vị hành chính nhiều, trình độ dân trí chưa cao, nhiều người dân còn sử dụng điện thoại smartphone cấu hình máy thấp/không thông minh không đáp ứng cài ứng dụng; người dân chưa thành thạo sử dụng, cài đặt trên thiết bị thông minh, không nhớ mật khẩu icloud nên việc cài đặt còn gặp khó khăn.
Do đó, Thành phố đang chuẩn bị ban hành Kế hoạch phát động đợt thi đua cao điểm hướng dẫn người dân cài đặc, kích hoạt tài khoản và sử dụng các tiện tích trên Công dân Thủ đô số - iHanoi, thời gian thực hiện cho đến 25/10 do lực lượng nòng cốt là Công an cơ sở chủ trì, phối hợp Tổ chuyển đổi số cộng đồng; Tổ Đề án 06 cấp huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thực hiện.
Ứng dụng hoàn toàn đáp ứng được bài toán dân số của Hà Nội
NĐT: Một trong những tính năng của iHanoi là tiếp nhận các phản ánh của người dân. Tuy nhiên, theo ghi nhận ý kiến từ lãnh đạo một số phường trên địa bàn Hà Nội cho thấy nếu số lượng phản ánh quá nhiều thì chính quyền địa phương không có đủ số lượng cán bộ, công chức để xác minh, xử lý. Xin cho biết, Trung tâm và các cơ quan chức năng đánh giá và có hướng giải quyết vấn đề này thế nào?
Ông Hoàng Văn Bằng: Hiện nay Trung tâm đang rà soát, xây dựng nội dung dự thảo Quy chế quản lý, vận hành và sử dụng Công dân số Thủ đô (iHanoi) và sớm trình lên các cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt theo quy định.
Theo đó, Trung tâm đã đề xuất phạm vi tiếp nhận Phản ánh kiến nghị trên iHanoi gồm: Phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; phản ánh, kiến nghị hiện trường và các vấn đề dân sinh bức xúc khác, không quy định tiếp nhận, xử lý các nội dung phản ánh thuộc phạm vi khiếu nại, tố cáo và các nội dung thuộc phạm vi bảo vệ bí mật Nhà nước; dự kiến sẽ ban hành Quy chế trong tháng 9/2024.
Trên cơ sở, các địa phương và cơ quan hành chính căn cứ Quy chế sẽ lọc, từ chối các nội dung không thuộc phạm vi xử lý theo quy định.
Bên cạnh đó, quan điểm của Trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu các cấp Thành phố chỉ đạo, tăng cường sử dụng nguồn nhân lực hỗ trợ bằng cách huy động lực lượng khác. Ví dụ: Tổ chuyển đổi số cộng đồng; Tổ bảo vệ an ninh trật tự là nguồn nhân lực phối hợp, hỗ trợ các địa phương xác minh và xử lý các vấn đề phản ánh của người dân trên địa bàn.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục có những giải pháp công nghệ, nguồn lực để hỗ trợ thêm đối với lực lượng vận hành iHanoi để những kiến nghị, phản ánh của người dân tới chính quyền được xử lý minh bạch, kịp thời và hiệu quả.
NĐT: Dân số Hà Nội hiện nay khoảng hơn 8 triệu người, chưa kể du khách trong và ngoài nước. Nếu chỉ một phần số lượng trên đồng thời truy cập vào ứng dụng cùng lúc sẽ có nhiều nguy cơ về đường truyền, hiệu suất xử lý thông tin. Thực tế nhiều ứng dụng đã gặp phải tình trạng này. Trung tâm đã tính toán đến trường hợp này chưa và có biện pháp gì để ứng trực dự phòng?
Ông Hoàng Văn Bằng: Hiện ứng dụng đang được thiết kế để đảm bảo tối thiểu 500 người dùng đồng thời trong 1 giây, tương đương 1.800.000 người dùng trong 1h.
Ngoài ra, về mặt kiến trúc, ứng dụng iHanoi sử dụng công nghệ như microservices, đáp ứng khả năng mở rộng tối đa, hoàn toàn đáp ứng được bài toán cho trên 10 triệu người dân sinh sống, học tập, làm việc trên địa bàn Hà Nội và gia tăng sắp tới.
Về mặt hạ tầng, hệ thống được triển khai trên nền tảng Cloud, có dự phòng và đảm bảo an toàn thông tin nên khi số lượng người dùng và dữ liệu tăng đến đâu hoàn toàn có thể mở rộng đến đó mà không ảnh hưởng đến dịch vụ.
NĐT: Từ ứng dụng iHanoi, Hà Nội sẽ có thêm những hoạt động, chương trình cụ thể nào nhằm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số trong tiến trình chuyển đổi số?
Ông Hoàng Văn Bằng: Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của iHanoi để người dân hiểu và đồng thuận sử dụng.
Tích hợp iHanoi với hệ thống giải quyết thủ tục hành chính và các nền tảng thanh toán trực tuyến.
Kết nối iHanoi với nền tảng Quản trị và Cổng thông tin điện tử Thành phố.
Tích hợp các tính năng như tìm tuyến xe buýt, đặt chỗ đỗ xe, tra cứu điểm thi, và tự động thông báo kết quả khám chữa bệnh.
Phát triển tính năng trợ lý ảo và Chatbot để hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân.
Về dự kiến định hướng kết nối, chia sẻ dữ liệu, Hà Nội sẽ phối hợp với Cục CSGT- Bộ Công an để cung cấp dữ liệu phạt nguội, phối hợp với Cục Đăng kiểm - Bộ GTVT để cung cấp dữ liệu đăng kiểm. Bên cạnh đó, phối hợp với Cục Đường bộ Việt Nam- Bộ GTVT để cung cấp dữ liệu giám sát hành trình.
NĐT: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi.