23 năm nghiệt ngã ở xứ người
Số phận không may mắn, không ban cho người đàn bà ấy sự nhanh nhẹn, thông minh như mọi người. Thế nhưng, chị vẫn đủ tỉnh táo để thấy đắng cay cho số phận mình, chị không ngừng khóc khi kể lại cuộc đời. Bị lừa bán sang Trung Quốc từ khi 20 tuổi, chị đã phải trải qua hơn 20 năm nghiệt ngã khi chấp nhận làm vợ một ông già hơn chị đến gần 50 tuổi.
Khi về quê nhà, phận đàn bà đơn thân, không một mảnh đất cắm dùi, lại bị coi là ngớ ngẩn, chị lại phải gồng mình trước những lần ve vãn, cưỡng đoạt của những lão già hám gái trong vùng. Người đàn bà ấy là Nguyễn Thị Nhuận (47 tuổi, đội 1, xã Nghĩa Phúc, huyện Nghĩa Hưng, Nam Định).
(Ảnh minh họa)
Trong cái rét của buổi chiều đông, người đàn bà tên Nhuận ngồi bệt trước hiên nhà. Chị chỉ mặc đúng chiếc quần vải màu gụ, chiếc áo len xanh và đôi dép tổ ong rách gần hết. Trước khi tôi biết đến hoàn cảnh của chị, một người hàng xóm đã nhắc nhở: "Cô chờ để tôi đi cùng vào, cô là người lạ lại đi một mình, Nhuận nó sợ không tiếp chuyện đâu, nó lại nghĩ sẽ bị bán sang Trung Quốc".
Ngồi co ro trên giường, chị Nhuận chậm rãi kể: "Năm tôi 20 tuổi, có hai mẹ con một người phụ nữ đến bảo: "Có đi qua Trung Quốc sống không, sướng lắm". Với một người không biết chữ, nghe lời ngon ngọt vẽ ra một viễn cảnh sung sướng tôi chẳng mảy may suy nghĩ nên nhận lời ngay. Sang bên đó, người ta ép tôi sống với một người đàn ông nhưng chỉ được một tháng thì anh này bị tai nạn chết. Liền sau đó, tôi bị ép làm vợ một lão già hơn mình gần 50 tuổi".
Đến bây giờ, người đàn bà ấy cũng không thể nhớ nổi tên của huyện, thành phố nơi mình sống tại Trung Quốc. Chị bảo: "Gia đình đó sống trên đồi, xung quanh chỉ thấy mồ mả và cây cối. Gia đình chồng làm nông nghiệp là chính, ở đó người ta có tục ăn cháo, đến cả vài tháng mới biết đến bữa cơm. Cuộc sống khổ cực, phải làm việc đến khuya lại ăn uống thất thường, tôi gần như kiệt sức. Mỗi khi trái gió trở trời hay đau ốm đều không có tiền mua thuốc".
Chị về Việt Nam năm 2008, khi ấy, con trai đầu đã lên 7 tuổi, con trai thứ hai mới 3 tuổi. Cho đến bây giờ, với ai chị cũng bảo: "Tao ngốc nên không được ở với con". Nguyên do là phía nhà chồng đã câu kết với mối lái bên Việt Nam rồi lừa chị về nước. Biết chị là người không nhanh nhẹn, hay tin người, bà mối đã ngỏ lời với chị Nhuận: "Sống ở nước ngoài nhiều năm rồi, có muốn về thăm bố mẹ họ hàng ở quê không, tao dẫn mày về chơi vài ngày rồi sang với con".
Vốn chẳng tinh nhanh để nhớ phố, nhớ đường, khi dẫn về Nam Định, bà mối bảo chị Nhuận ngồi chờ lát để đi vệ sinh rồi chuồn thẳng không quay lại. Hơn 20 năm ở nước ngoài, chị nhớ nhà đến cồn cào, thế nhưng, về đến quê nhà thì cha mẹ đã mất, chị gái cũng đã đi lấy chồng xa. Những chuỗi ngày bơ vơ của chị Nhuận bắt đầu từ đó.
Khi thấy có người lạ đến nhà chị Nhuận, chị Nguyễn Thị Hằng (xóm 1, xã Nghĩa Phúc, một người hàng xóm thân thiết, luôn cưu mang, giúp đỡ chị Nhuận) liền vội vàng qua để xem, tránh người lạ đến làm phiền chị Nhuận. Chị Hằng nói: "Tối nào, Nhuận cũng qua nhà tôi, hai chị em ngồi trong bếp tâm sự. Phải chịu nhiều cay đắng trong cuộc đời, sống ở nước ngoài thì cùng cực, khổ sở, khi về Việt Nam vẫn vô vàn éo le, lại bị lừa mất cả con, Nhuận nó chạnh lòng, tủi thân lắm".
Gia đình chị Nhuận có 5 anh chị em, hai người em đã mất, một chị giờ ở trong Nha Trang, một anh ở tại Nam Định nhưng cũng chẳng bao giờ chị nhận được sự giúp đỡ. Vì cho chị là người ngây ngô, không biết gì nên thậm chí, ngày giỗ bố, mẹ, anh trai chị cũng không gọi chị qua nhà để cúng giỗ. Mỗi khi đến ngày giỗ bố, mẹ, chị lại sang nhà hàng xóm hỏi xem phải nấu món gì, lễ nghi ra sao để về làm.
Ước mơ về một mái nhà
Chị Nhuận ở trong gian nhà cấp bốn nhỏ xíu, thông thống các ô cửa, gió thốc vào lạnh buốt. Một gian nhỏ xíu bên trong để vài chiếc bát sứt mẻ, vài cây bắp cải mà hàng xóm đem đến cho chị Nhuận, chừng ba chiếc áo cũ sờn treo trên dây. Chị Nguyễn Thị Hằng cho biết: "Ngôi nhà mà Nhuận đang ở là của một người cháu (con của anh trai chị) đang đi làm ăn xa. Lúc nào, Nhuận cũng bảo: "Không biết nó (người cháu - PV) về thì tao ở đâu".
Về quê nhà với hai bàn tay trắng từ năm 2008, ngoài ngôi nhà đi mượn thì từ chiếc giường xập xệ, chiếc đài chạy pin, chạn bát, xoong nồi, chiếc tivi nhỏ, chiếc chổi, chăn bông, vại đựng gạo... đều do hàng xóm đem cho. Vừa chỉ tay về phía đôi dép để góc tường, chị khoe: "Một chị hàng xóm mới mua cho tôi cách đây một tuần, tôi để đó khi nào đôi dép tổ ong này rách thì đi".
Hiện tại, hàng ngày chị Nhuận chỉ quanh quẩn ở nhà, thi thoảng, hàng xóm có gì lại gọi đem cho. Bữa rau, bữa cháo rồi cũng qua ngày. Cuối năm 2012, nhờ người làm đơn xin trợ cấp của phòng Thương binh xã hội của huyện, chị Nhuận mới nhận được 270 nghìn đồng tiền hỗ trợ/tháng. Thi thoảng, người chị gái đang sống trong Nha Trang cũng gửi cho em vài đồng hỗ trợ. Mỗi dịp tết đến, căn nhà nhỏ trống không, chẳng có chút hương vị gì, thương tình, hàng xóm người thì cho cặp bánh chưng, người cho khoanh giò, ít dưa hành, rau củ... để chị ăn tết. Ngặt nỗi, mấy người hàng xóm hay chạy qua giúp đỡ chị cũng rất nghèo, chẳng giúp được gì nhiều. Mong muốn lớn nhất của chị Nhuận hiện tại là có được một mảnh đất, để chị cất một căn nhà nhỏ sống hết quãng đời còn lại...
Phận đàn bà sống đơn độc, nỗi sợ hãi hàng đêm của chị Nhuận là những tiếng gõ cửa, những bước chân của những lão dê già hám gái. Theo một người hàng xóm của chị Nhuận kể lại, cách đây hơn một năm, một hôm mở cửa đi vệ sinh buổi đêm, một lão già trong xóm đã rình mò từ bao giờ, chỉ chờ có cơ hội lẻn vào nhà.
Lão đe dọa, cưỡng hiếp để thỏa mãn thú tính, người đàn bà nửa thông minh, nửa ngớ ngẩn ấy không đủ sức khỏe, không đủ tỉnh táo để phòng vệ. Sau đó, chị có thai, hàng xóm biết chuyện thì gọi điện vào Nha Trang cho chị gái Nhuận, người chị gái đã phải tức tốc ra đưa người đàn bà ấy đi phá bỏ thai nhi.
Từ sau lần ấy, buổi đêm, chị chẳng dám mở cửa ra ngoài, kể cả ban ngày hễ ai đến gõ cửa cũng làm chị sợ sệt. Những lão dê xồm vẫn hàng đêm đến ve vãn đủ trò. Nhờ có hàng xóm nhắc nhở, thi thoảng đáo qua, cộng thêm việc chị Nhuận liên tiếp chửi rủa, hô hoán khi bị ve vãn nên thời gian này cuộc sống của chị mới tạm thời yên ổn. Đám đàn ông có máu dê cũng không dám bén mảng đến rình mò như trước nữa.
Chị bảo, ở một mình buồn lắm, hàng đêm chị vẫn khóc nhớ hai con trai đang biền biệt xứ người. Việc tìm gặp, nhìn mặt hai con với chị bây giờ là điều không tưởng. Không kiếm nổi tiền nuôi bản thân, không có chỗ bấu víu, nương tựa, sự cùng quẫn, éo le cứ đeo bám người đàn bà sắp bước sang tuổi ngũ thập đó. Trước khi chào chị để ra về, bước ra ngoài hiên, tôi vẫn kịp nghe chị đang sụt sịt với người hàng xóm: "Nó về thì tao ở đâu?...".
Ở với chồng bị bạo hành tình dục Sau khi trút bỏ được cái e dè ban đầu, chị Nhuận tâm sự những lần bị bạo hành trong đời sống vợ chồng: "Lão chồng tìm mọi cách cho mình đau đớn cả thể xác và tinh thần. Lúc chửa đẻ, lão cũng bắt tôi phải làm lão thỏa mãn bằng mọi cách. Lúc tôi mới sinh xong, đau đớn vô hạn nhưng lão lôi xềnh xệch, bắt đứng dựa tường để thỏa mãn dục vọng của mình. Nếu chống lại hoặc tỏ vẻ không hài lòng là lão đánh, đập, chửi thậm tệ rồi bắt đi gánh nước từ chân núi lên nhà". |
Yến Dương