Mới đây, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Hà Tĩnh phối hợp cùng các lực lượng chức năng tổ chức tiếp nhận 6 người Việt Nam làm việc tại Lào bị khống chế, đòi tiền chuộc.
Sau khi Bộ Chỉ huy BĐBP Hà Tĩnh gặp gỡ, động viên, chia sẻ và tặng quà cho các nạn nhân, đồng thời bố trí phương tiện, lực lượng đưa đón các nạn nhân và gia đình về quê an toàn.
Trong số 6 nạn nhân, có 5 người được giải cứu trước đó (gồm 4 người trú tại huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh; 1 nữ trú tại huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk) và 1 nạn nhân nam trú tại thành phố Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên vừa được giải cứu.
Các nạn nhân này bị các đối tượng dụ dỗ đưa sang Lào làm việc, sau đó bị khống chế, đe dọa, ngược đãi, đánh đập, ép buộc gọi điện về cho gia đình gửi tiền chuộc với tổng số tiền lên đến 2,5 tỷ đồng.
Anh Phạm Văn T. (27 tuổi), trú tại xã Thượng lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) là một trong số nạn nhân vừa được giải cứu kể lại, lúc ở quê không có việc làm, có đối tượng trên mạng bảo sang Lào làm việc với thu nhập cao. Chỉ cần ở trong nhà làm chăm sóc khách hàng, có lương gần 20 triệu đồng/tháng.
Những công việc hàng ngày của người lao động thực ra là gọi điện để lừa đảo qua mạng. Nếu hàng ngày, hàng tháng không làm đủ chỉ tiêu theo các đối tượng lừa đảo thì các đối tượng lao động bị đánh đập hoặc bị bán lại cho các công ty khác nhau.
Anh Nguyễn Xuân G. (25 tuổi), trú tại xã Phú Lộc, huyện Can Lộc bàng hoàng kể lại: “Lúc em sang bên đó, họ giam vào một ngôi nhà, không được ra ngoài. Họ ép làm việc, nếu không đảm bảo doanh thu sẽ bị đánh đập. Em bị bán đi, bán lại cho tận 3 công ty. Sau đó họ ép người nhà gửi “tiền chuộc” sang Lào. Rất may sau đó em đã được lực lượng chức năng kịp thời giải cứu”.
Các chiêu trò của nhóm đối tượng là việc nhẹ, lương cao, không cần phải bằng cấp hợp pháp. Do nhẹ dạ nên không ít người vẫn sập bẫy. Theo cơ quan chưc năng, thời gian qua không chỉ riêng ở Hà Tĩnh mà trong cả nước tình trạng lừa người lao động trái phép ra nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều người vẫn mạo hiểm, bất chấp để tham gia vào các đường giây đưa người đi lao động trái phép dẫn đến sập bẫy của các tổ chức buôn người qua biên giới.
Trao đổi với PV, Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng chống mua bán người, Cục phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ tư lệnh BĐBP cho biết: “Người lao động sau khi bị lừa qua nước ngoài, được đưa đến các cơ sở game online, cơ sở sòng bạc trực tuyến, ép người lao động phải hoạt động lừa đảo trên mạng xã hội. Khi các đối tượng yêu cầu gia đình gửi tiền chuộc sang, thì chúng cũng không thả người. Vì vậy chúng ta phải hết sức cảnh giác”.
Trước đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh nhận được tin báo của gia đình các nạn nhân về việc con em của họ có dấu hiệu bị lừa đưa đi lao động tại Lào, sau đó bị khống chế, đe dọa, ngược đãi, đánh đập, ép buộc gọi điện về cho gia đình gửi tiền chuộc.
Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng cử lực lượng xác minh, làm rõ, đồng thời báo cáo Bộ Tư lệnh BĐBP xin ý kiến chỉ đạo.
Bộ Tư lệnh BĐBP Việt Nam đã có văn bản gửi Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát (thuộc Bộ An ninh Lào) đề nghị phối hợp giải cứu các nạn nhân; chỉ đạo BĐBP Hà Tĩnh và BĐBP các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Lào tăng cường lực lượng, phối hợp với các lực lượng chức năng của nước bạn Lào tiến hành giải cứu các nạn nhân.
Thiện Quyền