Bị áp giải về nhà chứa, cô gái chưa tròn 16 tuổi bị ép phải tiếp khách. Mỗi khi cô từ chối, nhóm bảo kê đánh đập không thương tiếc rồi bán cho chủ chứa khác. Tại đây, bốn lần C. bỏ trốn đều bị bắt lại cả bốn. Bắt về, chúng dùng tuýp sắt, gậy gỗ đánh C. tím bầm mặt mũi và dọa rạch vùng kín. Kinh hoàng hơn, nhiều lần C. bị nhóm thanh niên chơi bời ép tiêm chích thuốc để thác loạn cùng chúng. Phận gái lạc loài xứ người, C. không biết bỏ trốn bằng cách nào mà cũng chẳng biết cầu cứu ai vì trong người không có giấy tờ gì.
Em Sùng Thị C. sau khi được giải cứu khỏi "động quỷ"
Chạy trốn khỏi "địa ngục"
Sùng Thị C. (sinh năm 1995) ở thôn Phéc Bủng 1, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, Lào Cai. Trong một lần giúp mẹ đi chợ bán củi, C. được một người cho đi nhờ xe máy. Sau đó người này rủ em đi qua đò đưa sang biên giới chơi một lúc rồi về. Sau đó chúng bán em cho một nhóm người Trung Quốc rồi bỏ về mặc cho em than khóc, quỳ lạy.
Suốt 8 tháng trời (từ tháng 7/2011 đến tháng 3/2012), em không nhớ hết mình phải chịu bao nhiêu trận đòn. Nhớ lại quãng thời gian ấy, lúc phải làm những công việc nặng nhọc từ sáng đến tối, khi thì bị ép "mua vui" cho những kẻ đồi bại khiến em không khỏi rùng mình. Đau đớn, tủi nhục, nhiều lần C. tìm đến cái chết nhưng không thành. Tỉnh dậy, em nghĩ thương mẹ già ở quê đang ngóng trông nên đành gắng gượng sống mong có cơ hội trở về.
Ngồi bên bếp lửa nấu rượu giúp mẹ, C. vẫn có cảm giác run sợ mỗi khi nhắc đến những ngày tháng trốn chạy bên xứ người. 16 tuổi, cái tuổi ngây thơ trong sáng nhất thì em lại phải chịu đủ mọi cực hình từ hành hạ thể xác đến tinh thần. Em bảo: "Ở bên đó còn có rất nhiều cô gái Việt Nam như em. Nhưng chúng em không được nói chuyện, trao đổi với nhau bởi luôn luôn có nhóm người đàn ông to cao, mặt dữ tợn kèm sát. Nếu có ý định bỏ trốn hoặc bỏ trốn bị bắt về thì ngay lập tức sẽ nhận những trận đòn thừa sống thiếu chết của nhóm bảo kê".
Gạt giọt nước mắt mặn đắng lăn dài trên gò má, C. kể, trong suốt 8 tháng từ khi bị lừa bán sang Trung Quốc, em đã 4 lần tìm cách chạy trốn khỏi "địa ngục" xứ người và lần nào cũng thêm một vết sẹo trên cơ thể. Lần thứ nhất, C. trèo tường bỏ trốn ngay trong lúc đám buôn bán người đang "giao dịch" giá cả. Nhân lúc sơ hở, C. lẻn ra ngoài và bỏ trốn. Chính người đem cô cho nhà chứa ở Trung Quốc đã bắt cô lại, đánh đập dã man để cho "nhớ đời".
Lần thứ hai, nhân lúc khách say ngủ, C. lọ mọ tìm đường xuống cầu thang để trốn ra ngoài. Tuy nhiên, do không biết đường nên không lâu sau cô bị nhóm người xấu tìm thấy và bắt về. Lần thứ ba, C. bị điều đi phục vụ ở nhà riêng. Trong lúc nấu ăn đêm cho gã này, C. đã trèo tường ra cửa sau để bỏ trốn. Ngay sau khi ra được đường, C. vừa bỏ chạy vừa vẫy xin đi nhờ xe nhưng không được ai giúp đỡ. Gần sáng, C. lạc vào rừng. Vừa đói, vừa mệt, C. ngất lịm đi, khi tỉnh dậy đã thấy mình bị trói tay. Người bắt em không ai khác chính là một tú bà chuyên buôn bán gái mại dâm.
Bị áp giải về nhà chứa, C. lại tiếp tục bị đánh đập tàn nhẫn, rồi bị bán cho chủ chứa khác. Đến bây giờ, những vết sẹo vẫn còn hằn trên cơ thể C.. Tại nhà chứa thứ hai, C. thường xuyên bị đánh đập và bị bỏ đói. Chưa dừng lại ở đó, chủ mới lại bán C. sang nhà chứa khác xa hơn, sâu trong nội địa hơn. 3 tuần 3 địa điểm, lại bị đói, C. phải nhập viện cấp cứu. Ngay sau khi ra viện, bọn chúng tiếp tục đánh đập, dọa dẫm sau đó ngon ngọt dụ dỗ cô nếu đồng ý tiếp khách trong 1 tháng thì sẽ cho về hoặc sẽ cho gọi điện về gia đình. Không còn con đường nào khác, C. đành nhắm mắt đưa chân...
Mặc dù rất sợ hãi, nhưng sau C. và các cô gái trong nhà chứa vẫn tìm cách bỏ trốn. Khoảng thời gian giáp tết năm 2012, trong một lần đi tiếp khách, trên đường đi, C. lao ra khỏi đường và kêu cứu người đi đường. Nhưng chưa hết đau đớn vì vết xước trên người thì nhóm bảo kê nhanh chóng đuổi bắt C. và đưa em về giam lỏng.
Đến tối, chúng ép cô gái cùng sử dụng ma túy "đá" để thác loạn. C. khóc thét từ chối liền bị chúng bắt sang một phòng khác. Tại đây, chúng đưa ra điều kiện nếu không phục vụ chúng sẽ tiêm chích vào người. Quá hoảng sợ, C. phải liều mình đồng ý. Rất may khi nhóm người này chưa kịp thực hiện hành vi đồi bại thì nhân lúc đi vệ sinh, C. đã tìm được một góc kín ở vườn để trốn.
Đêm khuya, C. trèo tường bỏ chạy vào một ngách kín ven đường. Rạng sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ló, C. vội vàng tìm hỏi đường về Việt Nam. Do không biết tiếng Trung Quốc, C. chỉ biết dùng cử chỉ và những giọt nước mắt hoảng sợ để kêu cứu. Một số người đoán cô gái này là người Việt Nam bị lừa bán nên đã thương tình, chỉ đường cho cô chạy theo hướng về biên giới Lạng Sơn. C. được các cán bộ ở Cục Hải quan Vân Nam (Trung Quốc) cứu thoát, đưa về trụ sở. Và ngày hôm sau em đã được an toàn trở về nhà qua cửa khẩu Lào Cai và được đưa về địa phương trong sự vui mừng đẫm nước mắt của người thân và xóm làng.
Nước mắt hai mẹ con bỏ theo trai lạ
Những ngày vất vả cùng chính quyền xã lần theo những con suối, ngọn núi sát biên giới để tìm vợ con khiến anh Ma Seo Dế thôn Bủng 1, xã Bản Phố không sao quên được. Ngồi bên vợ mình là chị Li Thị L. (28 tuổi) mà anh vẫn còn run sợ khi nghĩ đến cảnh vợ mình bị đọa đày nơi đất khách.
Chị L., người vừa trốn thoát từ Trung Quốc về ngậm ngùi kể lại: Một ngày cuối tháng 5/2009, chị địu con trai thứ hai là Ma Seo Phừ, 2 tuổi, đi chợ phiên Bắc Hà thì gặp ông Giàng Seo Lao đến bắt chuyện. Ông ta kể nhiều về một nơi có cuộc sống sung sướng lắm chứ không như ở Bản Phố. Ông rủ chị đi đến nơi sung sướng ấy thăm quan. Nghĩ tới cảnh chồng suốt ngày say rượu, chị L. đồng ý đi theo Giàng Seo Lao.
Từ khu vực biên giới thuộc xã Bản Phiệt (huyện Bảo Thắng), chị phải đi bộ hơn hai ngày mới tới nơi. Tại đây, L. mới vỡ lẽ cái nơi "sung sướng" ấy lại là một vùng nông thôn nghèo, nghèo hơn Bản Phố nhiều. Gia đình người đàn ông chị ở cùng cũng rất nghèo. Hàng ngày chị phải làm việc trên nương từ sáng sớm đến tối mịt, lại phải chăm sóc gia đình họ. Nhưng khổ nhất là bất đồng ngôn ngữ và những trận đòn roi. Với chị, đó là những ngày sống trong địa ngục trần gian. Đêm khuya, khi ôm đứa con nhỏ vào lòng chị lại nhớ nhà, nhớ bản, nhớ hai đứa con và người chồng đáng thương.
Một buổi sáng, tranh thủ lúc người đàn ông đi chợ, L. địu con nhằm hướng Việt Nam mà chạy, không dám đi đường cái mà tìm đường mòn để tránh bị đuổi theo. Gần một tuần vượt đường rừng, hai mẹ con chị chỉ biết xin người đi đường được gì thì ăn nấy, gặp suối, mương thì múc nước uống. Ngay sau khi đến sát biên giới Trung Quốc - Việt Nam, chị L. nhờ người gọi điện về cho người thân ở nhà. Chiều tối hôm ấy, mẹ con L. được chồng và đại diện công an xã Bản Phố đến xác nhận và đưa về. Chuỗi ngày bị hành hạ và sống trong lo âu, tủi hổ của chị khép lại.
Không đơn thuần là… bị lừa Theo tìm hiểu của PV, rất nhiều phụ nữ ở Bản Phố bỏ nhà đi sang biên giới do bị chồng bạo hành. Thêm nữa, người đàn ông H'Mông thường hay uống rượu và ít quan tâm đến vợ con nên nhiều phụ nữ dễ mắc lừa lời đường mật về cuộc sống mới của nhóm buôn người. Số phụ nữ khác do tin lời rủ rê của bạn bè hoặc chính những người thân cận nên bị lừa bán sang Trung Quốc và biến thành kiếp nô lệ. |
Cao Tuân
Kỳ cuối: Tiếng thở dài miền biên viễn