Ngày 6/3, phiên xét xử 9 bị cáo trong vụ vỡ đường ống nước Sông Đà bị truy tố về tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, tiếp tục với phần xét hỏi. Theo đó, các nguyên thành viên HĐQT Vinaconex đều khẳng định dự án đúng quy trình.
Theo tài liệu truy tố: Dự án cấp nước Sông Đà - Hà Nội là dự án do Tổng công ty Vinaconex tự đầu tư, sử dụng vốn của doanh nghiệp và tự thực hiện phần lớn các hạng mục. Truớc khi HĐQT Vinaconcex lựa chọn công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex lả nhà thầu cung cấp ống composite cốt sợi thủy tinh và phụ kiện cho dự án thì Tổng công ty Vinaconex có Công văn số 04095 VC/ĐT ngày 27/10/2003 báo cáo đề nghị Thủ tuớng Chính phủ và bộ Kế hoạch & Đẩu tư cho phép thực hiện dự án theo hình thức: Chủ đầu tư tự thực hiện dự án đối với tất cả công việc, gói thầu mà Tổng công ty có đủ năng lực.
Sau khi nhận được văn bản của Tổng công ty Vinaconex, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 5511/VPCP-CN ngày 10/11/2003 đề nghị bộ Kế hoạch và Đầu tư cho ý kiến. Ngày 28/11/2003, bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 7290 BKH- KSHT&ĐT xác định: Theo quy định tại Nghị định số 66/2003/NĐ-CP ngày 12/6/2003 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đấu thầu, thì HĐQT Vinaconex có thẩm quyền quyết định tự thực hiện dự án đối với tất cá các công việc, gói thầu mà Tổng công ty cỏ đủ năng lực.
Do đó, việc HĐQT Vinaconex chỉ định công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex là nhà thầu cung cấp ống composite côt sợi thủy tinh và phụ kiện cho dự án là đúng thẩm quyền, phù hợp với tổ chức hoạt động của doanh nghiệp, phù hợp với hình thức đầu tư dự án.
Như vậy, tài liệu điều tra đến nay chưa có căn cứ để xác định hành vi đề xuất, quyết định thay đổi vật liệu ống từ ống gang dẻo sang ống composite cốt sợi thủy tinh và giao cho công ty CP ống sợi thủy tinh Vinaconex sản xuất, cung cấp ống cho dự án của các ông Phí Thái Bình (cựu Chủ tịch HĐQT Vinaconex, cựu Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội), ông Vũ Đình Chầm (thành viên HĐQT Vinaconex, đơn vị chủ đầu tư dự án đường ống nước Sông Đà), ông Nguyễn Văn Tuân, Hoàng Hợp Thương, Tô Ngọc Thành, Lại Văn Bích, Nguyễn Đức Lưu là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến vỡ đường ống truyền tải nước sạch của Dự án; hành vi của những người này không đồng phạm với các bị can đã khởi tố, nên không đủ yếu tố cấu thành tội Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo đó, ngày 14/12/2017, VKSND Tối Cao quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can đối với những người trên, trong đó có ông Phí Thái Bình.
Do ông Phí Thái Bình có đơn xin vắng mặt gửi đến TAND TP.Hà Nội kèm theo hồ sơ bệnh án tại bệnh viện Quân y 103 với chẩn đoán quáng gà, hội chứng não do tăng huyết áp nên tại tòa, chủ tọa phiên tòa đã công bố lời khai của ông Phí Thái Bình như sau: Theo lời khai của ông Bình, dự án cấp nước sông Đà xuất phát từ tâm huyết khắc phục tình trạng thiếu nước của nhân dân Thủ đô. Dự án tiên phong đi đầu phong trào xã hội hóa, giải quyết nước sạch, đồng thời sử dụng công nghệ mới áp dụng vào dự án.
Ông Phí Thái Bình khai việc chuyển đổi từ vật liệu gang dẻo sang ống composite đã được bộ Xây dựng đánh giá là đảm bảo yêu cầu và đúng với các quy định liên quan.
Dự án này được cho phép thực hiện với 2 giai đoạn đầu tư, tổng kinh phí là 1.450 tỷ đồng, gồm các nguồn vốn vay của ngân hàng, vốn tự có và vốn khác, không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Đánh giá về hiệu quả, ông Bình cho hay, giai đoạn 1 của dự án đã cung cấp hơn 500 triệu m3 nước (tương đương 30%) cho người dân Thủ đô, góp phần khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nâng cao vệ sinh, sức khỏe cộng đồng.
Vỡ đường ống nước Sông Đà do nhiều nguyên nhân khách quan, không phải do việc phê duyệt dự án, không thuộc trách nhiệm của HĐQT Vinaconex.