Ngày 3/3/2020, chuyến bay VN814 từ Siem Reap về thành phố Hồ Chí Minh (REP-SGN) khai thác bởi Vietnam Airlines vận chuyển 73 hành khách, trong đó có 1 hành khách ngồi ghế 33D, chuyển tiếp chuyến bay (transit) đi Nagoya trên chuyến bay VN340, số ghế ngồi 2C giờ cất cánh 01:19 (giờ Việt Nam).
Khi đáp xuống sân bay tại Nhật, hành khách này có biểu hiện sốt. Cơ quan Y tế Nhật tiến hành kiểm tra sức khỏe đối với hành khách này. Kết quả cho thấy hành khách này dương tính với virus SARS-CoV-2.Ngay lập tức 73 hành khách bay cùng chuyến đã được cách ly đồng thời được tiến hành khử trùng máy bay.
Và mới đây nhất, bệnh nhân N. H. N. (26 tuổi, hộ khẩu số 3 Lê Ngô Cát, phường 7 quận 3 TP. Hồ Chí Minh và hiện nay đang tạm trú tại 125 phố Trúc Bạch, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) dương tính với Covid-19 đã đi thăm chị gái tại Anh và cùng chị gái qua Ý, Pháp du lịch rồi trở về Hà Nội 4h30 ngày 02/3/2020 trên chuyến bay VN0054 khiến người dân Thủ đô không khỏi lo lắng.
Liên quan đến việc làm sao để hành khách thường xuyên di chuyển bằng máy bay an toàn trong thời gian dịch, PV báo điện tử Người Đưa Tin đã có trao đổi với BS. Trương Hữu Khanh – Trưởng khoa Nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 1.
Thưa bác sĩ, sự việc nêu trên khiến nhiều người quan tâm lo ngại về nguy cơ lây nhiễm khi bay cùng chuyến, vậy hành khách đi cùng chuyến bay có cần quá lo lắng?
Với trường hợp hành khách người Nhật nhiễm Covid-19, những người đi cùng chuyến bay không nên quá lo lắng, bởi ngay lập tức thì tất cả 73 hành khách đi cùng đã được cách ly, theo dõi tình hình sức khỏe rồi. Nếu có biểu hiện gì thì ngay lập tức sẽ được điều trị. Thế nên, những hành khách đi cùng chuyến bay cũng không nên quá hoang mang.
Chúng ta cần phải hiểu được đặc tính của virus corona và có cách phòng bệnh đúng. Trong không khí virus corona không thể tự lây truyền, mà chỉ khi virus corona được bao bọc bên trong môi trường bằng các hạt dịch cơ thể của người bệnh khi ho, hắt hơi, nói chuyện thì mới lây lan.
Vậy nên, virus corona lây lan không phải qua hít thở bình thường khi đi cùng chuyến bay. Còn đối với trường hợp bay cùng người nhiễm bệnh thì những người ngồi hàng ghế trước và sau có nguy cơ.
Nhiều người lo lắng, thậm chí lo ngại khi đi máy bay, theo bác sĩ việc lo lắng này có bị thái quá không?
Việc lây nhiễm Covid-19 trên máy bay là có thể xảy ra, tuy nhiên hành khách đi máy bay cũng không nên quá lo lắng vì có thể phòng tránh virus bằng những biện pháp thông thường như các cơ quan y tế đã hướng dẫn.
Theo bác sĩ, đối với những hành khách thường xuyên đi máy bay cần làm gì để phòng tránh dịch Covid-19?
Những người có công việc thường xuyên đi máy bay, bạn chỉ cần thực hiện đúng các bước vệ sinh theo quy định của bộ Y tế như: Đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên,... khi đi máy bay thì hãy làm đúng theo hướng dẫn của các tiếp viên hàng không thì sẽ phòng, tránh được nguy cơ lây nhiễm.
Tôi thấy rửa tay đúng cách, phòng bệnh đúng cách sẽ có tác dụng hơn vào việc lọc không khí.
Đã có trường hợp tiếp viên hàng không, họ đi rất nhiều, tiếp xúc với rất nhiều hành khách, thậm chí có hành khách bị nhiễm bệnh. Thế nhưng, họ vẫn an toàn, không bị lây nhiễm vì họ đã hiểu và thực hiện vệ sinh đúng cách nên không bị lây nhiễm. Vậy nên, nếu có nhu cầu đi máy bay nhiều thì cũng đừng quá lo lắng.
Xin cảm ơn bác sĩ!
Huyền Linh