Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, gioăng mặt máy nằm giữa mặt máy và thân máy, có phần thuộc buồng đốt nên chịu nhiệt độ cao và áp suất rất lớn. Mặt khác, do mặt máy ép lên gioăng lại chịu toàn bộ phản lực của các piston khi nổ, nên mặt máy được lắp vào thân máy bằng các bu lông đặc biệt, có khả năng chịu lực rất lớn.
Tại nhà máy lắp ráp động cơ, người ta thường sử dụng thiết bị đặc biệt để xiết các bu lông mặt máy. Các bu lông này sẽ được xiết đồng thời và cùng một mô men xoắn theo tiêu chuẩn để giúp mặt máy không bị cong vênh. Vì nếu mặt máy bị cong vênh sẽ khiến lực ép lên gioăng không đều dẫn đến khả năng rò rỉ nước làm mát vào buồng đốt gây nóng máy và giảm hiệu suất của máy.
Thực tế có rất nhiều trường hợp chất lượng động cơ bị suy giảm đáng kể sau khi bổ máy do nhân viên kỹ thuật và máy móc ở cơ sở sửa chữa không đảm bảo tuân thủ các yêu cầu về kỹ thuật, trong đó có những tiêu chuẩn khi thay gioăng mặt máy.
Kỹ sư Tạch lấy ví dụ, một trường hợp xe bị rò rỉ gioăng mặt máy. Sau khi tài xế buộc phải cho xe vào gara không quen biết thay gioăng và đi được khoảng 20km thì xe bị chết máy. Khi kiểm tra thì phát hiện có một bu lông mặt máy bị xiết quá lực dẫn đến cháy ren trên thân máy. Lúc này, việc khắc phục sẽ vô cùng tốn kém do phải thay thân máy.
Cũng có rất nhiều trường hợp khi tháo lắp mặt máy không đúng cách làm cong vênh mặt máy gây tốn kém cho khách hàng. Ví dụ một đưa ra là trường hợp một xe bị ngập nước và chết máy nhưng vẫn cố đề mà không được. Trường hợp này khi gọi điện hỏi ý kiến xử lý đã được kỹ sư Tạch khuyên về đại lý của hãng để xử lý, vì chỉ có họ mới có đủ tài liệu tiêu chuẩn kỹ thuật để thực hiện.
Vì vậy, nếu xe cần phải bổ máy thì bạn nhất thiết tìm đến đại lý chính hãng hoặc gara uy tín để bảo vệ động cơ và tránh tốn kém.
Đ.Huệ