Sau khi tích cực lan truyền cảnh cúi đầu chào khách của ông chủ người Nhật, dân mạng lại thi nhau chia sẻ bức ảnh chụp 2 người phụ nữ mặc váy đứng trên bè gỗ, trong đó có bà Nguyễn Thị Tâm - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND phường Đông Thọ (TP.Thanh Hoá) với thái độ hoàn toàn đối lập.
Trong bối cảnh mưa lũ dồn dập, khi nhân dân cả nước đang thấp thỏm hướng về các vùng bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề, không quá khó hiểu khi đám đông tỏ ra bức xúc trước cảnh “cưỡi bè xem lũ” kể trên.
Cũng buồn lòng vì bức ảnh đó, nhưng tôi vẫn bình tĩnh chờ đợi thông tin từ các bên để biết vị nữ Chủ tịch phường có thực sự mang tư tưởng “dân chi phụ mẫu”, bắt dân phải căng tay kéo bè đoạn đường ngập nước. Cuối cùng, tôi cũng thở phào nhẹ nhõm.
Bởi kỳ thực, người đàn ông kéo bè là cán bộ công tác tại ủy ban phường chứ không phải “dân” và ngày hôm đó, đoàn cán bộ phường có kế hoạch đi làm công việc khác nhưng bất ngờ gặp cảnh ngập lụt nên bà Tâm đã dừng xe, trực tiếp đi thị sát tình hình. Tôi tìm hiểu trên một số tờ báo và được biết “công việc khác” cụ thể là tặng hoa, chúc mừng doanh nghiệp nhân ngày doanh nhân Việt Nam.
Ở phần trả lời phỏng vấn của bà Tâm, tôi phát hiện ra nhiều chi tiết (nếu là sự thật) có thể khiến những người đang "ném đá" bà phải hổ thẹn về việc làm của mình.
Chẳng hạn như việc bà Tâm xuống lội bộ sau khi đi thử và thấy bè chỉ chở được một người cho thấy bà rất an tâm đến chất lượng bè – phương tiện chủ yếu chở nhân dân, tiếp tế trong tình trạng ngập lụt. Việc bà phải thay tới 3 bộ quần áo chứng tỏ bà đã “lăn xả với dân” trong khoảng thời gian liên tục, kéo dài.
Chỉ mới tưởng tượng thoáng qua cảnh bà Tâm lội qua dòng nước lạnh giá, ướt sũng người vẫn quay trở về ủy ban triệu tập cuộc họp khẩn rồi ăn tạm chiếc bánh mỳ để tiếp tục “đi chống ngập úng, thăm dân”, hai cánh tay tôi đã nổi đầy gai ốc. Hình ảnh người cán bộ hết lòng đồng cam cộng khổ, sống chết vì dân hiển hiện ngay trước mắt, đâu phải tìm kiếm xa xôi!
Đáng tiếc, tất cả những cảnh tượng khiến người dân cảm động và tin yêu ấy lại không được ai chụp lại và đăng lên Facebook nên dân mạng lúc này, vẫn không ngừng chia sẻ cảnh bà cầm ô, chống gậy đứng bình thản trên bè.
Chẳng hiểu sao, sự việc này làm tôi nhớ lại cảnh nữ phóng viên truyền hình quỳ xuống đường cho nước ngập đến ngang ngực khi đưa tin về tình hình mưa lũ của một bộ phim Hàn. Đều làm nhiệm vụ dưới mưa, đều được “ghi hình” trong giây lát nhưng nếu như nhân vật trong phim nhận được sự yêu mến của công chúng (dù người này “làm màu”) thì bà Tâm lại bị “ném đá” dữ dội.
Tuy biết bà Tâm không quan tâm đến dư luận nhưng tôi vẫn muốn gửi đến bà, cũng như các cán bộ khác một lời khuyên: Bố trí người chụp hình “làm chứng” mỗi lần đi thị sát hoặc dễ hơn, là thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, đặt dân lên hàng đầu khi sắp xếp công việc và lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh!
Trương Chi
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả