Nguyên nhân khiến trẻ “đã biếng ăn nay càng biếng ăn hơn” sau Tết
Biếng ăn ở trẻ em là một tình trạng khá phổ biến, đặc biệt là ở trẻ từ 1-3 tuổi. Biếng ăn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Lý giải về việc trẻ càng trở nên biếng ăn hơn sau Tết, bác sĩ chuyên khoa 1 Hoàng Hồ Thống Nhất chỉ ra những nguyên nhân sau trên VnExpress:
- Những xáo trộn trong ngày Tết: Thời gian biểu thay đổi, thực đơn của trẻ cũng khác. Việc bé thức khuya, dậy sớm, lại hay ăn vặt với nhiều bánh kẹo, nước ngọt làm cho bụng luôn no ngang, không muốn ăn, dần dần dẫn đến tình trạng biếng ăn thật sự.
Với những bé còn bú mẹ, đây cũng là thời điểm người mẹ bận rộn việc mua sắm, dọn dẹp, thăm viếng nên có thể cho bé bú theo thói quen, không theo giờ giấc, bú ngay trước bữa ăn. Đặc biệt sau khi trẻ được một tuổi, sữa mẹ thường ít, vừa không cung cấp đủ năng lượng vừa làm trẻ chỉ no hơi, đến bữa ăn chính không muốn ăn, dần dần các em dễ bị biếng ăn, suy dinh dưỡng.
- Bệnh lý: Thức ăn ngày Tết nếu không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dẫn đến bệnh về đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy, nôn ói... Đồng thời, khí hậu mùa đông xuân ẩm thấp dễ bùng phát các bệnh hô hấp. Đặc biệt, đối với các bé sau một tuổi, sức đề kháng từ sữa mẹ giảm, hệ miễn dịch đang phát triển làm bé dễ bị bệnh, biếng ăn, biếng chơi.
- Một số gia đình đi chơi nhiều, đi xa, làm trẻ mệt mỏi, ăn uống không ngon miệng.
Làm gì để trẻ hết biếng ăn sau Tết?
Để xử lý tình trạng này, cha mẹ phải hết sức kiên trì để lặp lại nhịp sinh hoạt thường ngày cho hệ tiêu hóa của bé, báo Dân trí đưa tin. Cụ thể, bạn cần nhớ kỹ những điều sau:
- Bắt đầu lập lại giờ giấc ăn uống như cũ cho trẻ, ăn đúng bữa với lượng ít hơn ngày thường.
- Tuyệt đối không ép vì điều này càng khiến trẻ sợ ăn.
- Chế biến các món ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp.
- Không nên cho bé ăn vặt giữa các bữa, giúp bé không bị ngang dạ, có cảm giác thèm ăn, từ đó kích thích tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
Ngoài ra, có thể sử dụng men tiêu hóa, kèm theo chỉ dẫn của bác sĩ.
"Hãy kiên nhẫn với chế độ ăn này và đúng giờ các bữa ăn, hệ tiêu hóa của trẻ sẽ dần trở lại làm việc như nhịp cũ và tình trạng rối loạn tiêu hóa cũng sẽ hết. Cho uống oresol nếu trẻ đi ngoài nhiều. Trẻ nhỏ có thể ăn cháo với các loại thịt thăn, thịt bò, thịt gà", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho hay trên Dân trí.
Như vậy, nhân tố quan trọng đảm bảo sức khỏe của trẻ chính là nếp sinh hoạt ổn định, bữa ăn và giấc ngủ không bị thay đổi. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cần lưu ý không cho trẻ ăn các thực phẩm dễ bị ôi thiu, nghi ngờ ôi thiu, thức ăn chế biến từ bữa trước,... đề phòng tiêu chảy.
N.H (tổng hợp)