Nếu kẻ nào có ý định xấu hoặc cả gan gây tổn hại đến "thần rừng" thì lập tức, những điều tệ hại nhất sẽ xảy ra?! Đó là câu chuyện lưu truyền dễ gặp tại hầu khắp các khu rừng với tên gọi chung là "rừng Cấm" trên địa bàn tỉnh Lào Cai mà chúng tôi có dịp "mục sở thị".
Một điểm chung khác tại các khu rừng này mà chúng tôi có dịp tiếp cận, đó là hầu như không ai còn nhớ đến chuyện bắt đầu từ bao giờ. Thế nhưng, từ ngàn đời nay, người dân đều định hình trong tâm tưởng suy nghĩ không bao giờ được làm trái lời nguyền, bởi "rừng Cấm" rất linh thiêng.
Những bí ẩn về “quyền năng” của “khu rừng chết”
Chúng tôi tìm đến Bát Xát - một huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Lào Cai vào một ngày trung tuần tháng 5, khi cái nắng cuối chiều chỉ còn le lói sau những vườn mận, đào đang vào mùa hái quả. Mây lững thững dạo chơi trên sườn núi, xung quanh được bao phủ bởi một lớp mây bồng bềnh, mờ mờ ảo ảo. Bát Xát vốn là quê hương của vị rượu San Lùng (nhiều nơi gọi là Sán Lùng - PV) nổi tiếng từng làm nức lòng các đệ tử lưu linh. Trận mưa lớn xảy ra trước đó ít ngày khiến con đường vào thôn Xèo (xã Bản Xèo) trở nên gập ghềnh, trắc trở hơn bao giờ hết.
Vẫn những ngôi nhà vách nứa cheo leo lưng chừng đồi, vẫn những bản làng nhấp nhô xen giữa những lùm cây rậm rạp đã phác họa lên bức tranh miền sơn cước đậm chất huyền bí. Màn đêm dần giăng xuống, thi thoảng thấy ánh đèn le lói phía xa, chúng tôi như bắt gặp tại đây dáng dấp của một thế giới với những con người khác. Đó là địa bàn sinh sống của nhiều dân tộc thiểu số như Mông, Dao, Dáy, Hà Nhì...
Theo lời kể của người dân nơi đây, chúng tôi tìm đến khu rừng Cấm đầu tiên nằm trên địa bàn xã Bản Xèo. Khác xa với tưởng tượng ban đầu, nói là rừng, nhưng đây chỉ là một khoảng đất rộng chừng 0,5 ha và cách biệt với quần thể rừng núi xung quanh bởi một con suối và các cánh đồng vùng ven chân núi. Đang loay hoay tìm cách vào rừng, bỗng đâu một tiếng người vọng lại, thoảng nghe như tiếng sấm: "Đừng coi thường rừng nhỏ, đã vào là không dễ trở ra đâu". Giật mình quay lại, một cụ già dáng quắc thước chừng ngoài 70 đã đứng sau lưng tôi tự lúc nào. Hỏi ra mới hay, ông tên là Hoàng Văn Kin, người dân tộc Dáy sống tại thôn Xèo.
Rừng nằm giữa suối nước chảy, kế bên là những dãy nhà người dân tộc Dáy (Ảnh internet).
Sinh ra và lớn lên gần kề rừng Cấm, nên ông Kin biết về rừng Cấm như một người thân trong gia đình hiểu tính cách của nhau.
Một khu rừng Cấm khác, nơi lưu truyền những câu chuyện về linh hồn ám vào từng gốc cây trong rừng lại được thổi bùng lên tại mảnh đất vùng cao đặc biệt khó khăn thôn Lao Chải, xã Y Tý (huyện Bát Xát). Gọi là rừng Cấm, nhưng khu rừng lại có cái tên khác khá kêu "Gà Ma Do". Với người Hà Nhì, dân tộc chủ yếu sống tại xã, thì khu rừng đã đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân, từ đứa trẻ mới sinh đến khi trở về cõi chết, tất cả đều được gột rửa bằng những hình ảnh về "thần rừng" - nơi thờ thần bản mệnh của làng.
Nằm cách khá xa khu vực trung tâm, khu rừng Cấm nằm vắt ngang một bên là xã Bản Cầm, huyện Bảo Thắng và một phần thuộc các xã Bản Lầu, Bản Xen (huyện Mường Khương). Khi được hỏi, các cụ cao niên ở Bản Xen đều công nhận, rừng Cấm là khu rừng "chết". Từ xa xưa, người Pu Péo, người Nùng Dín (hai dân tộc chính sinh sống tại đây) đã coi khu rừng như là nơi ở của các vị thần với những quyền năng vô hạn.
Cho đến giờ, nhiều người dân của hai huyện Bảo Thắng và Mường Khương vẫn còn nhớ rất rõ những câu chuyện đồn đoán "chết người" về khu rừng Cấm này. Theo họ, đây chính là nơi trú ngụ của các vị thần nên nhất cử nhất động của người dân khi ra, vào rừng phải có sự làm chứng của người có tiếng nói trong làng, hoặc phải có lễ vật cúng thần, bằng không là sẽ bị quở phạt, hình thức nặng nhất là cái chết.
Thực hư những lời nguyền sát thân?
Những lời nguyền về khu rừng Cấm xuất phát từ những chuyện người dân chẳng biết lí giải ra sao. Chúng tôi đã được nghe các bậc cao niên trong làng kể tường tận về những trường hợp làm trái lời thề, xâm hại đến thần rừng.
Theo ông Kin, cũng nhờ được nhắc nhở và thực hiện nghiêm nên một thời gian dài chưa có hậu quả đáng tiếc nào xảy ra, tuy nhiên, vài người trong làng cũng từng phải phen hú vía, vì nhỡ phạm quy ước. Điển hình như năm 2009, dù đang trong thời gian cấm rừng, nhưng chị Lý Sèo Phư đã vô tình bước chân vào rừng. Dù khu rừng chỉ rộng 0,5ha và đường ra, vào rất dễ, thế nhưng chị cũng phải mất gần 1 ngày mới thoát ra ngoài. Về nhà, chị bỗng lâm bệnh lạ nhưng chữa không khỏi. Một số cụ già hay chuyện bèn cho mời thầy cúng về làm lễ tế "thần rừng".
Ngay buổi chiều hôm đó, chị Phư thấy khỏe khoắn trở lại và hết bệnh, nhưng trong đầu chị luôn có ảo giác lạ và vất vưởng một tiếng nói rất lạ mà chính chị cũng không thể diễn tả nổi. Người thì cho rằng chị mê sảng, người thì nói "thần rừng" báo mộng... nhưng sau đó, chị luôn thận trọng khi đi vào rừng và đặc biệt tránh ngày cấm.
Với người lạ, nghe có vẻ hoang đường nhưng với người dân nơi đây, họ coi đó là bình thường. Người dân sống gần rừng Cấm thuộc xã Y Tý (huyện Bát Xát), quan niệm câu chuyện huyễn hoặc đã không còn xa lạ, thậm chí nó đã trở thành điều răn đối với bất cứ ai có suy nghĩ và hành động xâm phạm rừng.
Dù đã ở vào tuổi gần thất thập, song ông Chu Thó Xe vẫn minh mẫn và kể cho chúng tôi nghe bằng chất giọng lơ lớ của người không thạo tiếng Kinh. Theo ông Xe, những câu chuyện người vào rừng mất tích, hoặc khi phát hiện thì chỉ còn lại bộ xác khô đã không còn lạ lẫm với người trong bản. Nhưng hãi hùng nhất và thương tâm nhất, theo ông Xe, đó là chuyện xảy ra vào năm 2007 với người thanh niên nghèo nhất làng tên Tráng A Do.
Vừa nuôi gia đình, mẹ già cùng 5 đứa con nhỏ, anh không đành lòng nhìn lũ trẻ quay quắt trong giá lạnh của mùa đông bèn tự ý vác dao vào rừng chặt cây về làm củi. Nhưng chỉ sau đó một ngày, người nhà đã báo tin anh chết một cách bí ẩn. Một số thầy cúng lão làng được mời đến và đều phán rằng: Anh đã tự ý xâm phạm đến rừng Cấm và bị thần trị tội?!! Chẳng ai bảo ai, dù thương A Do nhưng mọi người đều giận và tự nhủ phải tránh xa rừng Cấm khi chưa được “thần” cho phép.
Một trường hợp khác liên quan đến lời nguyền rừng Cấm ở Mường Khương, Bảo Thắng. Cụ Mà A Mố (người xã Bản Xen, huyện Mường Khương) cho biết, kể từ nhỏ đến giờ, cụ đã chứng kiến không ít sự ra đi của người dân trong, ngoài xã, mà nguyên nhân được cho là do vi phạm điều cấm của "thần rừng". Theo cụ Mố, trường hợp xảy ra gần đây nhất là anh Nông Văn Trang, người Bản Xen, do tự ý vào rừng lấy củi về nhà được mấy hôm, thì lăn ra ốm lạ thường. Đi khám, bác sĩ cũng không chẩn ra bệnh. Đưa về nhà được vài hôm thì nó chết", cụ Mố kể.
Hơn chục người chết, đó là con số mà cụ Mố đưa ra kể từ khi cụ còn là thanh niên đến bây giờ. "Bởi thế, nên giờ nghĩ đến việc vào rừng, dân làng không ai dám đi. Chỉ khi nào có tế lễ, hoặc cần lắm thì mới làm lễ để vào thôi", cụ Mố cảnh báo. Từ những câu chuyện này, chúng tôi quyết đi tìm câu trả lời...
Tuyệt đối không được có ý nghĩ xấu Cũng giống như những khu rừng Cấm khác, "Gà Ma Do" rất thiêng, bởi thế nên những ai bước chân vào rừng đều phải tự làm thanh sạch cơ thể và tuyệt đối không được dung tục suy nghĩ xấu hay có ý định làm tổn hại vạn vật trong rừng. "Thần rừng thiêng lắm, không có gì qua mắt được người đâu. Nếu có lỡ mà làm tổn hại thần hay chót buông lời không hay, làng sẽ bắt vạ và người đó phải làm lễ tạ thần thứ tội, nếu không thì rất nguy hiểm", ông Chu Thó Xe (Lao Chải, Y Tý) - một cao niên trong làng cho biết. |
Anh Văn - Lộc Nguyễn
Kỳ tới : Phía sau lời nguyền