Mở đầu bài phát biểu, Thủ tướng Việt Nam đã thẳng thắn nêu lên một câu hỏi nhức nhối: “Nhân loại khao khát hòa bình, nhưng vì sao vẫn còn xung đột, chiến tranh?”. Thủ tướng Việt Nam dẫn chứng bằng những sự kiện nóng: “Vẫn còn đó bạo lực ở Trung Đông, Bắc Phi, gần đây nhất là Syria...; vẫn còn đó mối quan ngại sâu sắc về những diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên; Biển Hoa Đông, Biển Đông chưa lặng sóng bởi những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ…”.
Chọn chủ đề thế giới không có chiến tranh là trọng tâm của bài phát biểu, Thủ tướng Việt Nam đã chạm tới mục tiêu tồn tại căn bản của LHQ. Hiến chương LHQ năm 1945 ghi rõ: "Chúng tôi, những dân tộc của Liên Hợp Quốc, quyết tâm cứu những thế hệ mai sau khỏi thảm họa chiến tranh...". Gần 70 năm thành lập, mục tiêu hòa bình vẫn ở ngoài tầm với, ngòi nổ cho xung đột hiện hữu ở khắp nơi. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam chỉ rõ, “một hành động thiếu trách nhiệm có thể dẫn tới xung đột, thậm chí dẫn tới chiến tranh”. Ai sẽ là người ngăn chặn điều đó?
Thủ tướng Việt Nam cho rằng, “những hành động trái với Hiến chương LHQ, trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt chính trị cường quyền… phải được đấu tranh loại bỏ”; “lòng tin chiến lược phải không ngừng được vun đắp bằng thái độ chân thành và những hành động thiết thực”. Và quan trọng là, “các nước lớn hãy là những tấm gương kiến tạo hòa bình”. Nói cách khác, các nước lớn nếu không giúp ngăn chặn xung đột thì xin đừng châm ngòi cho bất cứ cuộc chiến nào.
Rất dễ nhận thấy quan điểm nhất quán trước sau như một từ Thông điệp Việt Nam tại Shangri-La đến phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc lần này của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam: Lương tri nhân loại cần phải lên tiếng mạnh mẽ vì mục tiêu hòa bình của toàn thế giới, hãy tháo gỡ mọi ngòi nổ chiến tranh, mọi kế hoạch chiến tranh và thay vào đó là các kế hoạch chống đói nghèo, từng bước đi tới phồn vinh, thịnh vượng.
Đại diện các tổ chức của Liên Hợp Quốc chúc mừng sau khi Thủ tướng kết thúc bài phát biểu trước Phiên thảo luận cấp cao của Đại Hội đồng LHQ khoá 68 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Câu hỏi đề dẫn cho bài phát biểu của Thủ tướng Việt Nam tại LHQ lần này “Nhân loại khao khát hòa bình nhưng vì sao vẫn còn xung đột, chiến tranh?” có sự liên thống nhất nội tại với nhận định thời sự từ Đối thoại Shangri-La của Thủ tướng Nguyễn Tân Dũng: “Đâu đó đã có những biểu hiện đề cao sức mạnh đơn phương, những đòi hỏi phi lý, những hành động trái với luật pháp quốc tế, mang tính áp đặt và chính trị cưởng quyền”. Nơi giải quyết những vấn đề căn bản như thế, không có gì hợp chuẩn hơn tại các phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Việt Nam chưa phải là một nước lớn, càng chưa phải là một nước giàu nhưng đã chứng minh nỗ lực thực sứ mệnh hòa bình như nhân loại có lương tri khao khát. Đối với Biển Đông, Việt Nam trước sau như một nhất quán chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tuân thủ luật pháp quốc tế, công ước Luật Biển 1982, tuân thủ Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC), các thỏa thuận khu vực.
Không một phút nào 80 triệu người dân Việt Nam quên những phần lãnh thổ thiêng liêng đang bị nhòm ngó, không phút nào họ quên những ngư dân can trường bám biển để giữ vững chủ quyền Biển Đông. Tuy nhiên, “còn một tín hiệu dù nhỏ nhoi của hòa bình chúng ta cũng phải tận sức để tránh chiến tranh”. Đó là lựa chọn tất yếu của một dân tộc đã phải đổ quá nhiều xương máu để giữ vững độc lập, chủ quyền.
“Từ những trải nghiệm thấm đẫm mồ hôi và xương máu”, dân tộc Việt Nam tha thiết mong muốn không dân tộc nào phải gánh chịu sự tàn phá lạnh lùng của chiến tranh. Đất đai trên hành tinh này đã thấm đủ máu chiến sĩ. Thêm một mạng người mất đi nghĩa là thêm nước mắt nhỏ xuống. Dân tộc đã chiến thắng trong hai cuộc chiến không cân sức và sẽ không bao giờ sợ hãi chiến tranh ngỏ lời xin cho hòa bình “mọi cơ hội”. Đừng để hành tinh này thấm đẫm nước mắt.
Có thể còn xa nhân loại mới đi đến một thế giới đại đồng, các quốc gia tôn trọng tuyệt đối độc lập chủ quyền và truyền thống văn hóa của nhau, không áp đặt tiêu chuẩn chính trị, đạo đức lên nhau. Dẫu vậy, ngày 27/9, thông điệp của Thủ tướng Việt Nam, của các dân tộc Việt Nam đã phải gánh nhiều bom đạn chiến tranh đã vang lên trước hơn 100 nguyên thủ quốc gia trên thế giới. Tiếng nói chính nghĩa, chính diện và nhân văn ấy, nhân loại không thể làm ngơ.
Bảo Kim