Lời nhắn gửi các sĩ tử coi mình là 'tử sĩ'

Lời nhắn gửi các sĩ tử coi mình là 'tử sĩ'

Thứ 4, 14/08/2013 11:52

Trượt đại học. Một cụm từ đem đến sự hẫng hụt khôn tả đi kèm với sự thất vọng tràn trề. Buồn chán mọi sự, xa lánh mọi người, căm ghét bản thân là những "triệu chứng" thường thấy của những sĩ tử coi mình là "tử sĩ".

"Tôi rớt đại học"

Không phải ai cũng có thể hiểu và thông cảm với những người trẻ lần đầu tiên vấp phải thất bại. Chỉ có những người đã từng trượt đại học mới có thể hiểu. Có lẽ chính vì thế mà clip "Tôi... rớt đại học" của một cô gái trượt đại học cách đây 2 năm đã nhận được sự đồng cảm của đông đảo bạn trẻ.

Video clip có độ dài 7 phút với hình minh họa sinh động kể về câu chuyện cuộc sống "đau thương" nhưng tràn đầy ý nghĩa của một bạn sinh viên trượt đại học. Trong clip, cô gái trẻ từng trượt đại học nhớ lại cảm xúc khi đó: "Tôi khóc ướt hết bàn phím, không biết phải làm gì, không biết phải chia sẻ với ai, không biết có nên đối mặt hay không". Rất nhiều bạn đều sẽ có cùng một tâm trạng xấu hổ, lo lắng và sợ hãi khi biết tin mình đã trượt đại học. "Làm sao còn mặt nào để nhìn bố mẹ, họ hàng thì bàn tán, hàng xóm thì dè bỉu...", tất cả những điều đó đều khiến các bạn trẻ lo lắng.

Cô gái trong clip cũng đã từng có thời gian sống trong những tâm trạng hỗn loạn như vậy. Tuy nhiên, cô đã chợt nhận ra, nếu vẫn tiếp tục lo sợ, vẫn tiếp tục u mê thì sẽ còn đánh mất những cơ hội khác, những điều ý nghĩa trong cuộc sống. Vì vậy, cô bạn trẻ đã bộc lộ suy nghĩ "Những vết sẹo sau cú ngã sẽ lại là minh chứng cho một lần trưởng thành. Vậy nên, hãy cứ sụp đổ theo cách của bạn, nhưng rồi đứng dậy thật nhanh, đừng chần chừ và sợ sệt".

Xã hội - Lời nhắn gửi các sĩ tử coi mình là 'tử sĩ'

Ảnh chụp màn hình từ clip "Tôi rớt đại học"

Thông điệp chính của clip rất rõ ràng: "Bạn là người duy nhất quyết định cuộc đời chính mình". Lời nhắn nhủ ở hình cuối là khi đứng lên vượt qua cú sốc "rớt đại học", sẽ có nhiều cánh cửa chờ bạn. Đoạn clip được đưa lên mạng xã hội ngay tại thời điểm tất cả các thí sinh đã biết điểm thi đại học nên đã thu hút được sự chú ý của dân mạng và nhận được nhiều sự đồng cảm, chia sẻ với hơn 100.000 lượt xem.

Nhóm tác giả của clip nhắn nhủ: "Bạn là người duy nhất quyết định cuộc đời bạn. Người ta không sống chỉ vì một tờ giấy báo điểm, cũng không thể gục ngã vĩnh viễn chỉ vì một kỳ thi. Người ta sống cho chính bản thân mình, sống cho ước mơ không dễ vụt tắt và cho tương lai đang rộng mở đón chờ. Rồi khi những thất bại đó khép lại trong quá khứ, ta sẽ thấy mình trưởng thành hơn để sống hết mình cho hiện tại và tương lai sau này. Vậy bạn sẽ chọn: Dừng lại hay bước tiếp?".

Chìa khóa mở cánh cửa thành công

"Cần phải ý thức học cho mình, không phải học để thi"

GS. Nguyễn Lân Dũng khẳng định, thời của ông tuy học trong điều kiện khó khăn, gian khổ nhưng tất cả đều cố gắng để tự giác học tập. Mọi người đều xác định là học cho mình chứ không phải học để thi. Ông chia sẻ: " Ngay từ đầu các khóa học tôi đã phải nói với sinh viên: "Tôi sẵn sàng giải đáp mọi câu hỏi của các em, trừ một câu hỏi tôi sẽ không trả lời. Đó là câu hỏi: Thầy hạn chế thi những phần nào?". Tôi luôn nhắc sinh viên phải học cho mình chứ không phải học để thi!".

Áp lực đến từ gia đình là một lý do lớn khiến cho những bạn trẻ trượt đại học rơi vào trạng thái thất vọng, chán đời. Chậm một năm không có nghĩa là chấm dứt. Cánh cửa đại học vẫn rộng mở với những bạn trẻ có lực học và có quyết tâm. Khổ một nỗi, trong số những thí sinh "chen chân" vào đại học có rất nhiều người thi vì áp lực của bố mẹ, trong khi bản thân không có khả năng.

Phân tích về vấn đề này, chuyên viên tâm lý Ngô Toàn nói: "Từ thực tế cuộc sống, mọi người đều cảm nhận được một điều là không có ai thực sự thành công hay hạnh phúc chân chính cho đến khi người đó đạt được một mức độ nhất định của sự tự chấp nhận bản thân. Có lẽ những người khốn khổ nhất và bị hành hạ nhất trên thế giới là những kẻ không ngừng phấn đấu để chứng minh với bản thân họ và với người khác rằng, họ là một cái gì đó khác hơn những gì họ cơ bản là. Thành công, đến từ sự tự biểu đạt, thường lảng tránh đối với những người nỗ lực và căng thẳng để được là ai đó; trái lại, nó quay về với người có sự hoà hợp riêng khi người đó ước ao thư giãn và là chính mình".

Chia sẻ với quan điểm đó, Huyền Chip, một 9X chưa từng bước chân vào giảng đường đại học nhưng đã đi đến hàng chục quốc gia trên thế giới nói: "Nếu tôi có đi học đại học thì đó cũng là để lấy kiến thức, chứ không phải để lấy cái bằng. Đâu phải cứ lên giảng đường mới là học? Tôi bình thường vẫn đọc sách, vẫn tham gia các cuộc tranh luận, vẫn học hỏi mà. Tôi quan niệm năng lực và bằng cấp là hai thứ hoàn toàn khác nhau. Những nơi mà quá cứng nhắc về chuyện bằng cấp rất có thể không phải là nơi phù hợp với tôi".

Đồng cảm với người trẻ, NSND Thanh Hoa phân tích: "Các bạn trẻ hiện nay bị động trong việc lựa chọn, các bạn có quá nhiều lựa chọn và loay hoay không biết chọn thế nào cho đúng. Điều này có nguồn gốc từ gia đình, khó có thể trách các bạn trẻ, các bạn phải đón nhận "ồ ạt" quá nhiều thứ cùng một lúc nên rất dễ có sai sót. Nhưng tôi nghĩ, các bạn ấy đủ thông minh để nhận ra và trở về đúng hướng nếu có đi sai".

Nhìn ở khía cạnh khác, GS.Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT cho rằng, điều quan trọng trong giáo dục không phải là "nhào nặn" các bạn trẻ thành "nhân tài" mà là đem đến cho họ phương pháp giáo dục tốt nhất. "Đó là khi trẻ không phải học căng thẳng mà được phát triển một cách toàn diện", GS.Quân nói.

Xin mượn lời của nhóm tác giả clip "Tôi rớt đại học" nhắn nhủ đến các thí sinh trượt đại học để kết thúc bài viết: "Vậy bạn sẽ chọn: Dừng lại hay bước tiếp?". 

Thanh Xuân

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.