Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB - HoSE: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với thu nhập lãi thuần đạt 9.062 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, điểm sáng là các nguồn thu ngoài lãi của ngân hàng vẫn ghi nhận kết quả khả quan khi lãi thuần từ hoạt động tăng 37% lên 945 tỷ đồng. Lãi thuần từ hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 461 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và góp vốn, đầu tư dài hạn của, MB cũng đem về khoản lãi thuần gần 965 tỷ đồng, tăng 61% so với khoản lãi 37 tỷ đồng trong cùng kỳ năm trước.
Duy chỉ có lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng giảm 22% so với năm trước xuống còn 364 tỷ đồng.
Trong kỳ, ngân hàng cũng đã tiết giảm chi phí hoạt động xuống 3.514 tỷ đồng, giảm 2% so với mức chi phí gần 3.568 tỷ đồng năm 2023.
Dù vậy, chi phí dự phòng rủi ro của nhà băng lại tăng lên đáng kể. Cụ thể, trong quý I/2024, MB đã dành ra 2.707 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 46,4% so với cùng kỳ. Kết quả, MB báo lãi trước thuế 5.795 tỷ đồng, lãi sau thuế 4.624 tỷ đồng, đồng loạt giảm 11% so với quý I/2023.
Vừa qua, Đại hội đồng cổ đông thường niên MB năm 2024 đã thông qua mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng trưởng từ 6 – 8%. Với mức đạt được trong năm 2023 là 26.306 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong năm 2024 dự kiến đạt từ 27.884 tỷ đồng đến 28.411 tỷ đồng.
Tại đại hội, đưa ra lí do đặt mục tiêu như vậy, ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch HĐQT MB cho biết, năm 2023 NIM toàn ngành giảm. Sang năm 2024, dự phòng NIM giảm và tăng trưởng tín dụng thấp. Thông thường quý I hàng năm, tăng trưởng tín dụng sẽ đạt từ 4-5%, tuy nhiên năm nay lại không tăng, đến thời điểm hiện tại chỉ tăng khoảng 0,23%.
Tỉ lệ nợ xấu toàn ngành năm 2023 ước tăng gấp đôi, kéo theo áp lực dự phòng nợ xấu tăng lên. Vì vậy ban lãnh đạo đề ra phương án an toàn, thận trọng trong đặt mục tiêu.
Tại thời điểm ngày 31/3/2024, tổng tài sản của MB ghi nhận ở mức 900.647 tỷ đồng, giảm 5% so với hồi đầu kỳ. Trong đó, vàng gửi và cho vay tổ chức tín dụng khác đạt 77.809 tỷ đồng, tăng 68% so với năm trước. Cho vay khách hàng đạt 615.316 tỷ đồng, nhích nhẹ 1% so với quý I/2024.
Ở chiều ngược lại, số dư tiền gửi khách hàng của MB đạt 558.826 tỷ đồng, đã giảm nhẹ 2%, so với quý I năm trước. Đáng nói, tiền gửi tại Ngân hàng nhà nước của MB ghi nhận sự lao dốc từ gần 66.322 tỷ đồng xuống còn còn gần 11.916 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ vay, tại thời điểm cuối tháng 3/2024, tổng nợ xấu của MB là khoảng 15.294 tỷ đồng, tăng 56% so với mức nợ xấu 9.805 tỷ đồng năm 2023. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu/dư nợ vay theo tăng từ 1,6% lên 2,49%.
ĐHĐCĐ thường niên của MB cũng thông qua việc sử dụng 10.613 tỷ đồng để chia cổ tức cho cổ đông, với tổng tỉ lệ 20%.Trong đó, MB sẽ dành 2.653 tỷ đồng để chia cổ tức tiền mặt với tỉ lệ 5%. Đồng thời dành 7.959 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỉ lệ 15%, giúp vốn điều lệ tăng thêm tương ứng.
Bên cạnh đó, đại hội cũng thông qua việc tăng vốn điều lệ thêm hơn 8.579 tỷ đồng. Theo đó, ngoài việc tăng vốn thêm 7.959 tỷ đồng bằng phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, MB tiếp tục kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 62 triệu cổ phiếu, tương đương mức tăng vốn điều lệ là 620 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện là từ năm 2024 đến quý II/2025. Trước đó, ngân hàng đã hoàn tất phát hành riêng lẻ 73 triệu cổ phiếu cho hai cổ đông là SCIC và Viettel. Sau khi hoàn thành 2 kế hoạch tăng vốn trên, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ tăng lên 61.643 tỷ đồng.