Tại cuộc họp mới đây giữa Thủ tướng với lãnh đạo các Bộ ngành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Đào Minh Tú cho biết "những ngân hàng thương mại có vốn của Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm khoảng 40% lợi nhuận.
Ví dụ Vietcombank năm ngoái đạt khoảng 22.000 tỷ tiền lãi thì năm nay phải giảm 30-40%, tức đóng góp ít nhất 8.000 tỷ dành cho vấn đề hạ lãi suất".
Là một trong những đơn vị tiên phong giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, vì vậy Vietcombank được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý 1/2020 cũng như cả năm nay.
Xem thêm: Phó Thống đốc NHNN: Lợi nhuận ngân hàng BIDV, Vietcombank, Vietinbank và Agribank phải giảm 40%
Theo báo cáo tài chính mới công bố, xét về mặt lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống ngân hàng Vietcombank trong kỳ đạt 4.183 tỷ đồng, giảm 528 tỷ đồng, tương đương 11,2% so với quý 1/2019.
Lãi ròng tại Vietcombank giảm nhẹ dù thu nhập lãi thuần và các thu nhập tương tự tăng từ 16.094 tỷ đồng lên 18.104 tỷ đồng. Không chỉ hoạt động tín dụng, đa số các mảng khác đều tăng trưởng dương. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng nhẹ từ 1.069 tỷ đồng lên 1.127 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối nâng mức lãi từ 928 tỷ đồng lên 1.108 tỷ đồng.
Cùng với các chỉ số trên, lương nhân viên ngân hàng Vietcombank luôn là một trong những vấn đề rất được quan tâm.
Trong bối cảnh ngành ngân hàng chịu quá nhiều tác động từ dịch Covid-19, nhiều người dự đoán lương nhân viên ngân hàng sẽ bị cắt giảm. Tuy nhiên rất bất ngờ khi lương thưởng tại Vietcombank trong quý 1/2020 vẫn duy trì như năm cũ.
Thông tin trên báo cáo tài chính, tính tới hết ngày 31/3/2020, Vietcombank có 18.794 nhân viên, tăng 386 người so với hồi đầu năm. Trong kỳ tài chính này, Vietcombank chi tới 1.925 tỷ đồng để trả lương và tiền phụ cấp.
Như vậy, trung bình, mỗi người lao động ngân hàng được trả 102 triệu đồng/quý, tương đương 34,1 triệu đồng/tháng. Nhân viên các công ty con của Vietcombank cũng được hưởng chế độ hấp dẫn tương tự.
Nhờ số liệu này, Vietcombank rất có thể vẫn dẫn đầu danh sách các ngân hàng trả lương cao nhất Việt Nam.
Tuy nhiên, có tín hiệu cho thấy nhà băng này đã xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy sự chững lại.
Tại ngày 31/3/2020, tổng tài sản của ngân hàng ở mức 1,14 triệu tỷ đồng, giảm 6,4% so với đầu năm, chủ yếu do ngân hàng giảm mạnh gửi tiền tại các TCTD khác từ 190.000 tỷ xuống còn hơn 124.000 tỷ (tức giảm hơn 50%). Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,7% đạt 754.505 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank chỉ tăng 0,6% lên 934.048 tỷ. Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng sụt giảm khoảng 7% xuống còn 244.256 tỷ đồng. Chỉ tiêu cho vay khách hàng chỉ tăng 20.051 tỷ đồng, tương đương 2,75% lên 748.996 tỷ đồng.
Tính đến hết quý I/2020, tổng nợ xấu tại Vietcombank đạt 10.347 tỷ đồng, chiếm 1,37% tổng dư nợ tín dụng. Các con số này thời điểm đầu năm là 7.678 tỷ đồng, chiếm 1,05%. Như vậy, nợ xấu tăng 2.669 tỷ đồng, tương đương 34,8% so với hồi đầu năm.
Trong cơ cấu nợ xấu, nợ cần chú ý có tốc độ tăng mạnh nhất, tăng 2.498 tỷ đồng, tương ứng 97,5% lên 5.059 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn giảm nhẹ từ 4.530 tỷ đồng xuống 4.451 tỷ đồng. Nợ xấu tăng mạnh có thể do Vietcombank thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Dù vậy, cổ phiếu VCB vẫn đang rất có sức hút khi tăng 9.900 đồng/CP, dừng ở mức 71.900 đồng/CP chốt phiên ngày 20/4. Nhờ đó vốn hóa thị trường Vietcombank có thêm 36.718 tỷ đồng (khoảng 1,56 tỷ USD).
Hiếu Nguyễn