Theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), tổng sản lượng sữa bột toàn cầu trong năm nay sẽ tăng 1,5% so với năm 2023, đạt khoảng 9,34 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu sữa bột trên toàn cầu dự kiến sẽ giảm 1,1%, còn 2,49 triệu tấn.
Với việc nguồn cung sữa bột trên toàn cầu trong năm nay dự kiến sẽ thặng dự và việc Trung Quốc giảm nhập khẩu sữa bột nguyên kem do nguồn cung nội địa dồi dào, nhiều tổ chức tài chính nhận định giá sữa bột nguyên liệu sẽ neo tiếp tục neo ở mức thấp trong cả năm nay.
Điều này giúp biên lợi nhuận gộp của các hãng sản xuất sữa tiếp tục cải thiện trong năm 2024.
Giữ đà tăng trưởng nhờ cắt giảm chi phí
Trong bối cảnh đó, nhìn chung, doanh thu của các doanh nghiệp ngành sữa trong nửa đầu năm 2024 đều ghi nhận tăng trưởng. Tuy vậy nhưng lợi nhuận tại các công ty lại ghi nhận hai thái cực với bên tăng - bên giảm.
Tại Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk; HoSE: VNM), quý II/2024, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 16.655 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Dù giá vốn hàng bán tăng nhưng chậm hơn độ tăng doanh thu nên lợi nhuận gộp trong kỳ ghi nhận đạt 9.588 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ.
Sau khi trừ các chi phí, quý II/2024 Vinamilk báo lãi 2.696 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2023.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, Vinamilk ghi nhận doanh thu đạt 30.790 tỷ đồng, tăng 5%. Trong đó, chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu đến từ việc bán thành phẩm với 38.993 tỷ đồng.
Trước đây, Vinamilk từng được biết đến là doanh nghiệp ngành sữa mạnh tay nhất trong việc dành ra chi phí quảng cáo, khuyến mại. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh doanh khó khăn, những năm gần đây công ty này đã tiết giảm lại khoản chi phí trên.
Song, trong báo cáo tài chính nửa đầu năm 2024, khoản tiền trên đã có xu hướng tăng trở lại. Cụ thể, Vinamilk đã trích lập gần 4.800 tỷ đồng tiền chi phí dịch vụ khuyến mãi, trưng bày giới thiệu sản phẩm và hỗ trợ bán hàng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Cùng xu hướng trên, Công ty Cổ phần Sữa Quốc tế LOF (UPCoM: IDP) ghi nhận doanh thu ghi nhận đạt 1.929 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm.
Dù giá vốn tăng nhưng lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty vẫn tăng 13% lên 790 tỷ đồng. Cùng chiều, doanh thu hoạt động tài chính của Sữa LOF đạt 41 tỷ đồng, tăng 28%.
Ở chiều ngược lại, các khoản chi phí của công ty đều ghi nhận tiết giảm, chỉ trừ chi phí bán hàng. Cụ thể, chi phí bán hàng của Sữa LOF đạt 392 tỷ đồng, tăng 8%.
Sau khi trừ các chi phí, Sữa LOF báo lãi 288 tỷ đồng trong quý II/2024, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Sữa Quốc tế LOF ghi nhận doanh thu đạt 3.514 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Sau thuế, công ty báo lãi 511 tỷ đồng, tăng 13%.
Năm 2024, Sữa Quốc tế LOF lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 850 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, doanh nghiệp ngành sữa này đã hoàn thành lần lượt 45% chỉ tiêu doanh thu và 60% mục tiêu lợi nhuận đề ra.
Ngược chiều lợi nhuận
Trái lại trong bức tranh chung của ngành sữa vẫn ghi nhận tín hiệu sụt giảm từ Mộc Châu Milk và Hanoimilk, bất chấp doanh thu tăng trưởng.
Cụ thể, quý II/2024, Công ty Cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk; HoSE: MCM) đạt 809 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, dưới sự bào mòn của giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp trong kỳ của công ty ghi nhận gần như đi ngang so với quý II/2023. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính cũng ghi nhận sụt giảm 50% xuống còn 21 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí bán hàng của Mộc Châu Milk đạt 194 tỷ đồng, phát sinh 11% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi ngân hàng giảm và công ty tăng chi phí bán hàng để tăng cường các hoạt động tiếp thị quảng cáo, mở rộng mạng lưới phân phối. Sau khi trừ các chi phí, Mộc Châu Milk báo lãi 56 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ.
Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần của doanh nghiệp "họ" Vinamilk đạt 1.434 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 106 tỷ đồng; giảm lần lượt 6% và 45% so với cùng kỳ năm trước.
Chung tình cảnh, Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk, UPCoM: HNM) dù doanh thu tăng trưởng vẫn "ngậm ngùi" báo lãi đi lùi. Theo đó, doanh thu bán hàng trong quý II/2024 của Hanoimilk đạt 180,8 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2023.
Sau khi trừ giá vốn hàng bán, công ty ghi nhận lợi nhuận gộp đạt 32 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với số đầu năm.
Trong kỳ, do các khoản chi phí đều phát sinh so với đầu năm dẫn đến lợi nhuận của công ty bị bào mòn xuống 9,4 tỷ đồng, giảm 36% so với năm trước.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Hanoimilk đạt 310 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Đáng chú ý, công ty ghi nhận thêm khoản thu nhập khác trị giá 7 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về khoản thu nhập này chưa được thuyết minh.
Năm 2024, Hanoimilk lên kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 800 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 48 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, công ty đã hoàn thành lần lượt 38% kế hoạch doanh thu và 41% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra.