Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - HoSE: PLX) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 với doanh thu thuần đạt 67.020 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng 84%, đạt 64.242 tỷ đồng do đó lãi gộp kỳ này chỉ đạt 2.777 tỷ đồng, thấp hơn kỳ trước 18%. Biên lợi nhuận vì đó cũng bị thu hẹp từ 8,8% về 4,1%.
Về hoạt động tài chính, cả doanh thu và chi phí đều tăng mạnh nhưng kết quả lợi nhuận thu được thì không thay đổi nhiều so với kỳ trước. Trong kỳ, doanh nghiệp còn thu được 234 tỷ đồng lãi từ công ty liên doanh, liên kết, tăng 37%. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp biến động không đáng kế so với quý I/2021. Lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 442 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình về kết quả kinh doanh này, phía Tập đoàn cho biết nhu cầu tiêu thụ xăng dầu quý I/2022 tăng đáng kể nhờ kinh tế phục hồi hậu Covid-19. Cùng với đó, xung đột Nga – Ukraine gây ra đứt gãy chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu.
Do đó, nguồn cung dầu thiếu hụt trên toàn thế giới, đẩy giá dầu lên cao. Giá dầu thế giới có xu hướng biến động mạnh từ 75,88 USD/thùng tại thời điểm đầu quý, lên 102,27 USD/thùng vào thời điểm cuối quý, tương ứng tăng 33%.
Bên cạnh đó, trong quý này, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn bị sự cố phải ngừng sản xuất và cắt giảm sản lượng xuống mức 55% - 80% công suất, không đáp ứng được lượng cam kết theo các hợp đồng (chủ yếu là dài hạn) đã ký với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Do đó, là một doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong khâu phân phối trong nước và để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, Petrolimex đã phải tìm nguồn cung tức thời với mặt bằng giá nhập cao hơn từ các nhà cung cấp khác. Điều này dẫn đến chi phí giá vốn tăng cao, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh gây thâm hụt lãi gộp.
Về tình hình tài chính, tại thời điểm 31/3/2022, Petrolimex có 83.212 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 28% so với hồi đầu năm. Hàng tồn kho chiếm tỉ trọng lớn với 24.253 tỷ đồng và tăng 84% so với đầu năm. Doanh nghiệp cũng tiến hành trích lập 523 tỷ đồng dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
Nợ phải trả chiếm 65,5% cơ cấu nguồn vốn, trong đó phần lớn là phải trả người bán ngắn hạn. Tổng nợ vay thời điểm cuối kỳ hơn 17.562 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng 21% nguồn vốn. Chi phí lãi vay trong kỳ là 155 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu cuối kỳ là 28.676 tỷ đồng, lãi lũy kế là 3.845 tỷ đồng.
Liên quan đến tình hình cung ứng xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương ngày 4/5 đã có báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 4 tháng đầu năm 2022.
Tại báo cáo này, Bộ Công Thương nhấn mạnh về việc xăng dầu trong nước quý I biến động mạnh do chịu tác động từ việc Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn giảm mạnh công suất sản xuất, có thời điểm giảm tới 85% công suất và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết.
Trong khi đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu cũng gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung cấp bị gián đoạn do xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine.
Bộ này đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu. Đồng thời phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Bộ Công Thương dự kiến tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm nay khoảng 20,6 triệu m3, nhu cầu xăng dầu quý II khoảng 5,2 triệu m3.
Nguồn cung xăng dầu dự kiến quý II khoảng 6,7 triệu m3 bao gồm: Nguồn cung từ các nhà máy sản xuất trong nước (Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dự kiến 1,8 triệu m3, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn dự kiến là 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang là 1,5 triệu m3.
"Với nguồn cung như trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3", Bộ Công Thương khẳng định.