Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (HoSE: SHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt 5.356 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ. Ngân hàng báo lãi trước thuế 735 tỷ đồng, 12%; lợi nhuận sau thuế tương ứng đạt 579 tỷ đồng, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế năm 2023, SHB ghi nhận thu nhập thuần từ hoạt động kinh doanh đạt 20.523 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2022.
Dù vậy, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi trong năm lại ghi nhận sự sụt giảm. Cụ thể, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của SHB là gần 524 tỷ đồng, giảm 41% so với năm trước.
Hoạt động chứng khoán đầu tư đem về cho ngân hàng khoản lãi 74 tỷ đồng, giảm 19,6% so với năm 2022. Lãi từ hoạt động khác cũng cho thấy sự sụt giảm khi chỉ đạt 441 tỷ đồng, trong khi năm trước đó, mảng này đem về cho SHB khoản lãi 687 tỷ đồng.
Duy chỉ có hoạt động kinh doanh ngoại hối ghi nhận sự khởi sắc khi đem về khoản lãi 282 tỷ đồng, tăng 143% so với năm trước. Hoạt động chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận khoản lãi 794 triệu đồng trong khi năm 2022, SHB không thu gì từ hoạt động này.
Trong năm 2023, SHB đã tăng chi phí hoạt động lên mức 5.035 tỷ đồng. Đồng thời tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng 41% lên 7,412 tỷ đồng. Chi phí dự phòng rủi ro tăng so với năm 2022 giúp SHB tiếp tục cải thiện đệm dự phòng rủi ro lên mức 75%.
Dù vậy, việc tăng chi phí hoạt động và chi phí dự phỏng rủi ro đã khiến SHB báo lãi trước thuế đạt 9.245 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,6%; lãi sau thuế tương ứng đạt 7.470 tỷ đồng, giảm 3,4% so với năm trước.
So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế đạt 10.600 tỷ đồng đặt ra cho cả năm 2023, ngân hàng mới hoàn thành 87,2% mục tiêu đề ra.
Tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của SHB đạt 630.000 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường đạt 497.000 tỷ đồng. Vốn tự có theo Basel II đạt 70.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ đạt 36.194 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng của SHB đạt 455.000 tỷ đồng, tăng 17,1% so với cuối năm 2022.
Dư nợ cho vay khách hàng trong năm tăng 13,7% lên 438.464 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 23,7%, đạt 447.503 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của SHB đạt được song hành với việc thực thi các chính sách quản lý rủi ro chặt chẽ. Các chỉ số an toàn, quản trị rủi ro của SHB đều tốt hơn so với quy định của Ngân hàng Nhà nước, tuân thủ theo chuẩn Basel II và Basel III trong quản lý rủi ro thanh khoản.