'Lời ra tiếng vào' xung quanh việc bỏ thi tốt nghiệp THPT

'Lời ra tiếng vào' xung quanh việc bỏ thi tốt nghiệp THPT

Thứ 7, 03/08/2013 20:58

Ngay sau đề xuất bỏ thi tốt nghiệp THPT của Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, dư luận cũng như các nhà giáo dục đã có một “cuộc tranh luận” chưa hồi kết trên truyền thông.

Bỏ vì chất lượng thấp, gây tốn kém

Đưa ra ý kiến tại Hội nghị về Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục Việt Nam do UBTƯ MTTQVN tổ chức tại Hà Nội ngày 31/7, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã thẳng thắn đề xuất nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề xuất này ngay lập tức nhận được phản hồi tích cực của dư luận.

Xã hội - 'Lời ra tiếng vào' xung quanh việc bỏ thi tốt nghiệp THPT

Theo Phó chủ tịch nước, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm trên toàn quốc năm nào cũng cao, 95-96%. “Chỉ duy nhất một năm khi thực hiện cuộc vận động “hai không” là thắt chặt, có trường đỗ tốt nghiệp 10-20%, thậm chí có lớp không học sinh nào đỗ”. Sau đó kỳ thi vẫn bị bỏ ngỏ. Cũng theo Phó chủ tịch, việc để 2 kỳ thi lớn là tốt nghiệp và đại học gần nhau gây căng thẳng cho thí sinh, tốn kém cho gia đình và nhà trường.

“Thi cử nhẹ nhàng, giảm áp lực cho các em” – PGS.Văn Như Cương

Xã hội - 'Lời ra tiếng vào' xung quanh việc bỏ thi tốt nghiệp THPT (Hình 2).

Mặc dù đồng tình với những đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT mà Phó chủ tịch nước đưa ra nhưng PGS. Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh cho rằng tình hình trước mắt vẫn phải tiến hành kỳ thi tốt nghiệp. Quá trình học tập của học sinh vẫn cần đánh giá. Thay vào kỳ thi nặng hình thức như hiện nay cần tổ chức “thi cử một cách nhẹ nhàng, giảm áp lực cho các em”, thầy Cương cho hay.

Việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp ngay bây giờ sẽ khiến học sinh không chịu học. Nhà nước cần làm giảm áp lực thi cử bằng cách giao kỳ thi này cho các sở, các trường tự tổ chức. Chính việc tổ chức thi đại trà  trên toàn quốc gây áp lực cho học sinh cũng như tốn kém cho xã hội.

“Có học thì phải có thi, không thi làm sao đánh giá được kiến thức của học sinh” - GS. Nguyễn Minh Thuyết

Xã hội - 'Lời ra tiếng vào' xung quanh việc bỏ thi tốt nghiệp THPT (Hình 3).

GS.TS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên đại biểu Quốc hội cho rằng không thể bỏ hẳn đi một kỳ thi quan trọng như vậy, mà cần thay đổi cách thức thi và xa hơn nữa là thay đổi chương trình sách giáo khoa. Theo giáo sư, nếu không tổ chức thi tốt nghiệp thì học sinh sẽ không học những môn không thi đại học nữa. Căn cứ vào học bạ để xét tốt nghiệp thì tiêu cực còn lan tràn nhiều hơn.

Sau một năm thực hiện “hai không”, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm đi rõ rệt. Nhưng kể từ đó đến nay, tỷ lệ này lại luôn giữ ở mức 95% trở lên. Để giải quyết thực trạng này, GS.Thuyết cho rằng cái cần thay đổi là cách thức ra đề thi chứ không phải là bỏ hẳn một kỳ thi. Đề thi thay vì nặng kiến thức thuộc lòng, nên hướng tới đề mở, phát huy khả năng sáng tạo, tổng hợp kiến thức của học sinh. Nên giao quyền tự chủ tổ chức thi cho các tỉnh để hạn chế “bệnh thành tích” trong thi cử.

Bỏ thi tốt nghiệp dựa trên cơ sở xét học bạ - GS.NGND Nguyễn Lân Dũng

Xã hội - 'Lời ra tiếng vào' xung quanh việc bỏ thi tốt nghiệp THPT (Hình 4).

Theo GS.NGND Nguyễn Lân Dũng nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp. Với thực trạng một kỳ thi không phản ánh đúng thực chất đào tạo như hiện nay thì nên bỏ, vừa cắt được gánh nặng áp lực cho học sinh và gia đình, vừa tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm cho xã hội.

Nhưng việc bỏ thi tốt nghiệp vẫn phải dựa trên cơ sở xét học bạ để cấp bằng cho học sinh. Các trường phải thường xuyên có các bài kiểm tra dành cho học sinh qua các học kỳ. Điểm thi đó được ghi vào học ba. Kết thúc 3 năm học, học sinh đủ điều kiện được tốt nghiệp, những học sinh không đủ điều kiện phải học lại.

Theo GS Dũng, có một thực tế nếu không thi tốt nghiệp học sinh sẽ không chịu học, giáo viên dạy sẽ nhanh chán. Do vậy vẫn cần xét học bạ để cấp bằng. Việc xét tuyển này căn cứ vào cả một quá trình các em phấn đấu. Các trường đánh giá học sinh theo tiêu chí trung thực và dựa vào kết quả thực ở học bạ.

Không trung thực, nên bỏ thi tốt nghiệp – GS.Ngô Bảo Châu

Xã hội - 'Lời ra tiếng vào' xung quanh việc bỏ thi tốt nghiệp THPT (Hình 5).

Đồng tình với đề xuất của Phó chủ tịch nước, GS. Ngô Bảo Châu cho rằng có sự trùng lặp giữa 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi ĐH, chỉ cần một cuộc thi là đủ. Khi không đảm bảo sự trung thực của cuộc thi thì tốt nhất không thi nữa.

Việc cấp bằng THPT không nhất thiết phải có một cuộc thi cấp quốc gia như hiện nay. Thực tế, học sinh học hết bậc phổ thông có thể nhận bằng chứng nhận do trường hay địa phương cấp. Nếu việc học hành không tốt, cái bằng đó sẽ không được coi trọng.

Chia sẻ về nền giáo dục ở 2 quốc gia Pháp và Mỹ, GS. Châu cho biết họ không có sự trùng lặp giữa 2 kỳ thi. Pháp tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông cấp quốc gia nhưng học sinh không phải thi mà sẽ được vào học ĐH. Còn ở Mỹ không có kỳ thi tốt nghiệp phổ thông mà vẫn có bằng tốt nghiệp do nhà trường cấp. Chính vì phải chịu trách nhiệm với tấm bằng mình cấp cho học sinh nên các trường sẽ tự cải thiện chất lượng giảng dạy cũng như giá trị tấm bằng mình cấp.

Bỏ thi tốt nghiệp, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống – Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển

Xã hội - 'Lời ra tiếng vào' xung quanh việc bỏ thi tốt nghiệp THPT (Hình 6).

Trước nhiều ý kiến trái chiều về việc nên bỏ hay giữ kỳ thi tốt nghiệp THPT, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết trong hoàn cảnh hiện nay nếu không thi tốt nghiệp THPT chất lượng dạy và học sẽ đi xuống.

Thi tốt nghiệp THPT là một trong những khâu quan trọng nhất của quá trình dạy và học. Nó không chỉ đánh giá quá trình học tập của thí sinh, xác nhận trình độ năng lực của các em mà còn giúp cải tiến phương pháp giảng dạy của giáo viên, là cơ sở để cơ quan quản lý có những chỉ đạo phù hợp cho các năm sau.

Hai kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH-CĐ có nhiều tương đồng nhưng lại được tổ chức gần nhau gây khó khăn, bức xúc trong dư luận. Tuy nhiên, việc duy trì hay không thi tốt nghiệp THPT cần được nghiên cứu, cân nhắc rất kỹ.

Bộ GD-ĐT đã, đang tổ chức nghiên cứu và định hướng đổi mới các kỳ thi. Nhưng trong năm 2014 sẽ vẫn tiếp tục thi tốt nghiệp THPT.

Bảo Linh (Tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.