Học những bài học đầu tiên từ trong tù
Trời trưa nắng gắt, những người tù nép mình trong song sắt dõi mắt ra ngoài nhìn mông lung. Có lẽ họ đang nhớ người thân, nhớ quãng đời tự do mà họ đã tự tay đánh mất. Văng vẳng đâu đây là tiếng cười phát ra từ khu giam giữ phạm nhân nữ ở phân trại 1, trại giam Z30D (huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Dương)? Cũng màu xanh của hoa cải, cũng song sắt, cũng áo tù như những phân trại khác, nhưng nơi đây đặc biệt hơn hẳn bởi có tiếng cười trong trẻo của những đứa trẻ. Chúng hồn nhiên xem nhà tù là mái ấm gia đình của mình.
Lớp học của các trẻ theo mẹ vào tù.
Ấn tượng đầu tiên khi tôi đến lớp học dành cho con em của tù nhân nữ là căn phòng được trang trí với những gam màu xanh, hồng, đỏ rất đẹp mắt, vui nhộn. Nhiều hình ảnh xinh xắn được vẽ trên tường gắn liền với những câu chuyện cổ tích. Từng hộc tủ được ghi tên các bé rất ngăn nắp chẳng khác gì so với một lớp học mầm non bên ngoài. 4 cô bảo mẫu mặc áo "juventus" vừa chơi đùa với các bé lớn, vừa lắc lư nhịp võng để ru các em nhỏ chìm vào giấc ngủ say. Thấy cán bộ và khách lạ đến thăm, những đứa trẻ lớn vòng tay chào hỏi rất lễ phép. Chúng rất vui vì có khách đến thăm "nhà".
Trung tá Đoàn Văn Phú, cán bộ phân trại 1 cho biết: "Chính sách nhân đạo của Nhà nước đã cho phép các nữ phạm nhân có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, không người nuôi dưỡng được mang con vào trại. Vì thế, trại đã bố trí khu riêng biệt cho các phạm nhân nữ có con nhỏ theo mẹ vào trại. Phòng được trang bị đầy đủ tiện nghi sinh hoạt để đảm bảo yêu cầu sạch, đẹp, thoáng mát...".
Có những lý do khác nhau để con bắt buộc phải theo mẹ, nhưng lý do nhiều nhất là do hoàn cảnh neo đơn của những bà mẹ tù. Theo quy định, trại giam chỉ được phép "cưu mang" những đứa trẻ này đến khi 3 tuổi. Qua khỏi tuổi này, các bà mẹ vẫn còn thụ án phải tìm cách vận động gửi con về cho thân nhân nuôi dưỡng. Còn những đứa trẻ không có thân nhân thì bắt buộc phải gửi trẻ vào các trung tâm bảo trợ xã hội.
Theo tâm sự thật lòng của các cán bộ trong trại giam Z30D thì, họ đều không muốn thấy cảnh "con theo mẹ vào tù". Những đứa trẻ như "tờ giấy trắng" đang bắt đầu học hỏi, tiếp thu mọi thứ xung quanh. Nhưng trong môi trường "tù tội" này, chúng có thể bị nhiễm những thói xấu của một số phạm nhân chưa có ý thức tốt. Vì thế, những người có trách nhiệm ở trại giam luôn làm công tác tư tưởng, vận động những bà mẹ tù nên tìm cách gửi con về với gia đình.
Hiện tại, ở trại giam có 14 trẻ đang được nuôi dưỡng rất chu đáo. Trong đó có 8 cháu trai và 6 cháu gái. Ngoài ra, có một số bà mẹ tù đang chuẩn bị đến ngày sinh. Nhìn vào bản án của những bà mẹ có con vào tù, người nhẹ nhất cũng 1 năm, còn lại là từ 15 năm trở lên, thậm chí có trường hợp án chung thân. Ngần ấy năm tù tội của những người mẹ cũng là ngần ấy năm long đong, lận đận của các mảnh đời thơ dại.
Niềm an ủi cho những mảnh đời lầm lỡ
Nhìn bé Nguyễn Quốc K mới 2 tháng 2 ngày tuổi đang ngủ say trong tay mẹ, lòng tôi nhói đau. Mẹ bé K, chị Nguyễn Thúy Hằng, sinh 1973, quê ở Gò Công Tây, Tiền Giang, bị bắt về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bị kết án 9 tháng tù giam và vào trại giam từ ngày 12/05/2012. Ngày bị bắt, chị Thúy Hằng đã mang thai bé Quốc K hơn 5 tháng. Và bé Quốc K cũng là kết quả từ cuộc tình sai lầm của mẹ mình.
Ngày trước, Nguyễn Thúy Hằng cũng có một gia đình hạnh phúc với chồng và 2 đứa con gái. Vì chồng là con trai một nên 2 vợ chồng Thúy Hằng phải lo phụng dưỡng mẹ. Cuộc sống nghèo khó, phải ở trọ và làm đủ nghề mưu sinh nhưng tiếng cười của hai con gái nhỏ cũng làm cuộc sống của gia đình Thúy Hằng dịu lại giữ Sài Gòn náo nhiệt. Nhưng từ ngày chồng bị tai nạn giao thông, gia đình Thúy Hằng bỗng rơi vào nghịch cảnh. Một mình Thúy Hằng phải vất vả mưu sinh lo cho gia đình bơ vơ giữa đất Sài Gòn. Không để con dâu phải cực khổ nhiều, bà mẹ chồng gần 50 tuổi cũng hàng ngày đi bán vé số phụ lo cho 2 đứa cháu nội.
Không nghề nghiệp, cuộc sống ngày càng khó khăn, Thúy Hằng đành để lại 2 đứa con nhỏ cho bà nội chúng nuôi, rồi khăn gói lên Bình Thuận kiếm chỗ làm thuê. Ai thuê gì, Thúy Hằng đều làm, miễn sao có tiền. Thúy Hằng phụ bán hàng ở một quán phở ở thị xã La Gi, huyện Hàm Tân, Bình Thuận. Xa gia đình, lại ở xứ lạ nên Thúy Hằng rất mong được sự bao bọc, che chở của một người đàn ông. Chính vì vậy, khi được một tài xế xe tải đường dài ngỏ lời yêu thương, bà mẹ 2 con đã gật đầu đồng ý làm vợ hờ dù biết người tình đã có vợ con.
Các cháu luôn được cán bộ trại giam quan tâm, yêu thương.
Có người tình, cuộc sống của Thúy Hằng cũng không thay đổi gì, vẫn thiếu trước hụt sau. Đồng lương từ tiền phụ bán phở không thấm vào đâu, mà người tình thì luôn thoắt ẩn thoắt hiện với những chuyến xe vội vã. Từ khi biết Thúy Hằng có thai, người tình đã "cao chạy xa bay" để chối bỏ trách nhiệm. Và trong lúc túng thiếu, cùng quẫn, Hằng đã nảy sinh ý định lừa đảo tài sản của người khác.
Tội nghiệp mẹ chồng của Thúy Hằng, dù biết con dâu lầm lỡ bị tù tội, nhưng bà vẫn không oán trách. Hàng ngày, bà vẫn cặm cụi đi bán vé số để lấy tiền nuôi 2 đứa con gái được học hành đến nơi đến chốn. Đứa con gái lớn của Thúy Hằng đã 10 tuổi, còn con gái nhỏ được 7 tuổi. Hiện, 3 bà cháu đùm bọc nhau ở căn nhà trọ nghèo ở khu vực quận 8 (TP. HCM). Hoàn cảnh của Hằng càng đáng thương hơn khi người cha già đã gần 70 tuổi của cô hiện đang bị tai biến mạch máu não nằm một chỗ ở dưới quê nhà Tiền Giang.
Thúy Hằng ngậm ngùi: "Tôi biết mình là người mẹ tội lỗi, chưa lo được cho 2 đứa con gái, mà giờ lại tiếp tục làm khổ thêm thằng con trai nhỏ này. Tết này được mãn hạn tù, tôi sẽ về lại quê Tiền Giang làm lại cuộc đời. Nhà còn 3 công ruộng, tôi sẽ lo giữ đất hương hỏa cho ông bà. Khi nào cuộc sống ổn định, tôi sẽ rước 2 đứa con gái lớn về, lo cho chúng ăn học nên người".
Tiếng ru ngọt lịm của cô bảo mẫu "juventus" Nguyễn Thị Huệ, sinh 1976, quê ở Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận khiến bé Nguyễn Hoàng Trúc V, con của phạm nhân Nguyễn Thị Kim chìm vào giấc ngủ say. Miệng hát ru nhưng ánh mắt của Huệ nhìn buồn xa xăm. Nhìn cách Huệ chăm sóc nâng niu con bạn tù như thể gởi gắm tình yêu thương vào đứa con bơ vơ của mình nơi quê nhà.
Chồng chết năm 2008, Huệ một mình tần tảo buôn bán rau cải ngoài chợ để nuôi con nhỏ. Cuộc sống khó khăn, khiến Huệ nảy sinh lòng tham trộm cắp tài sản người khác và bị bắt, bị kết án 15 tháng tù giam. Huệ vật vã vì lỗi lầm của mình khiến cho con đã mồ côi cha, nay lại vắng sự chăm sóc của mẹ. Huệ ở tù, con phải ở với bà nội để đi học. Vì cải tạo tốt, nên Huệ được giảm 3 tháng tù, và được cho làm bảo mẫu.
Huệ nói: "Ở đây, nhờ gần gũi các bé nên những người bảo mẫu như chúng tôi cảm thấy ấm áp hơn. Mỗi khi nhớ con, tôi lại dồn hết sự yêu thương của mình cho các bé. Tháng 12 này, tôi thụ hết án, tôi được về với con. Có lẽ, tôi sẽ nhớ các cháu lắm, và thầm mong các cháu được sớm về với gia đình và được sống trong môi trường tốt nhất".
Lời tâm sự của thiếu úy Mai Thị Cảnh, cán bộ giáo dục phân trại 1 khiến lòng tôi thêm day dứt: "Cũng là phận nữ với nhau nên tôi rất hiểu và thông cảm cho những bà mẹ có con vào tù. Tất cả những bà mẹ đem con vào đây đều lường trước được những khó khăn mà họ phải đương đầu nhưng vì quá thương con, phần vì quê nhà không ai chăm sóc nên họ đành bấm bụng để con "vào tù". Nếu những người mẹ có ý thức và bản lĩnh, thì sau khi mãn hạn tù, họ sẽ sống tốt hơn để làm lại cuộc đời, giúp con họ có tương lai tươi sáng hơn".
Hồ Xuân Dung