T hưa ông, thời gian gần đây, tại nhiều đô thị lớn trên cả nước, tình trạng bất động sản "đóng băng" đã làm nở rộ nhiều sân bóng mini, sân gofl, sân tennis, hàng quán… trên đất dự án. Ông có đánh giá gì về hiện trạng trên?
Tình trạng này đã vi phạm Luật Đất đai. Theo quy định, nếu sau 12 tháng được giao đất xây dựng mà các đơn vị không đầu tư dự án thì sẽ bị thu hồi lại giấy phép. Tuy nhiên do khó khăn của thị trường bất động sản, nhiều đơn vị chỉ tiến hành đầu tư ở những hạng mục cơ bản như san lấp mặt bằng, đổ đất nền… Những hạng mục lớn hơn là xây dựng công trình như đúng quy hoạch thì hiện tại họ chưa đủ khả năng. Vì thế, thu hồi lại giấy phép của những đơn vị này cũng khó.
> Đọc thêm: Tràn lan sân bóng, sân tennis ở các đô thị lớn
Ông Vũ Tuấn Định
Chủ dự án đầu tư san lấp mặt bằng song lại chuyển sang kinh doanh hoặc chuyển nhượng cho thuê. Việc làm đó có sai quy định không thưa ông?
Tất nhiên nếu chiếu theo Luật Đất đai thì không đúng. Tuy nhiên, đó cũng là cách để họ tháo gỡ phần nào những khó khăn trước mắt. Chủ dự án nhận đất nhưng chưa có tiền đầu tư nên phải tìm cách để khai thác sao cho hiệu quả nhất. Là đơn vị đầu tư, ai cũng mong mình sẽ thực hiện được dự án đã đầu tư công sức để được cấp phép, không ai muốn dùng đất đó để chuyển sang các hoạt động khác.
Nhà nước đang có quy định cho phép chuyển giao dự án giữa các nhà đầu tư. Tuy nhiên hiện nay do kinh tế suy thoái, việc tìm kiếm một nhà đầu tư mới chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nếu như thị trường tốt thì nhà đầu tư được giao dự án dù không có đủ tiền vẫn tìm mọi cách vay vốn, phối kết hợp với các đơn vị khác để hoàn thành hạng mục của mình.
Nhiều người dân bức xúc khi thấy những mảnh đất mà mình góp tiền cho dự án lại mọc lên sân bóng. Doanh nghiệp bất động sản khó khăn, nhưng người tiêu dùng cũng nóng ruột. Ông nghĩ sao về phản ứng của họ?
Theo tôi, đó cũng là phản ứng tất yếu. Tuy nhiên, xét trong tình cảnh hiện nay, chúng ta cũng nên có sự thông cảm với họ. Khi thực hiện thu hồi đất và thuê đất thì bản thân các doanh nghiệp cũng đang phải thực hiện các chi phí thuế với Nhà nước, đền bù cho dân. Họ cũng đã bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư cho dự án nhưng chưa thể tiếp tục đầu tư mà thôi. Bởi trong thời gian này, họ tiếp tục đầu tư thì sẽ lại càng khốn đốn hơn.
Xin cảm ơn ông!
Lời than từ giới BĐS ở đô thị lớn nhất nước Ông Nguyễn Văn Đực, phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cho biết: "Trong thời điểm hiện nay, tất cả các doanh nghiệp bất động sản đang gặp muôn vàn khó khăn. Có thể sự khó khăn này còn kéo dài thêm vài năm nữa. Trên cả nước, nhiều công ty bất động sản "kêu trời" vì hàng tháng phải trả hàng trăm triệu đồng tiền lãi ngân hàng. Trong khi dự án bỏ không, thay vì việc để cho cỏ mọc họ cho thuê làm sân bóng cũng là hướng kinh doanh chính đáng. Cá nhân tôi không phản đối điều này. Hơn nữa, đã nhiều lần Bộ trưởng bộ Xây dựng nói rằng, thời điểm này, đối với các doanh nghiệp đang đầu tư dở dang, nếu khó khăn tốt nhất nên dừng lại để chuyển sang làm dịch vụ khác. Tuy nhiên, việc kinh doanh này phải được sự cho phép của các cơ quan chức năng. Tôi được biết, đến thời điểm này, có rất nhiều người đang kinh doanh sân chơi mà không có giấy phép, không ít cơ quan Nhà nước đang bỏ ngỏ việc quản lý việc sử dụng đất đúng mục đích. Có lẽ, trong thời gian tới, chúng ta cần siết chặt cũng như có những chế tài thật mạnh để xử lý triệt để hiện tượng này". |
Dương Chân (thực hiện)