Có những dự án chủ đầu tư sai ngay từ "đề bài"
Hiện nay, việc vướng mắc pháp lý là câu chuyện luôn được giới đầu tư bất động sản cũng như doanh nghiệp quan tâm.
Tại địa bàn khu vực phía Nam nói chung và trên địa bàn Tp.HCM nói riêng, câu chuyện "giải cứu" các dự án bất động sản luôn là chủ đề nóng mỗi khi lãnh đạo Tp.HCM làm việc hay đối thoại với các doanh nghiệp liên quan đến ngành nghề này.
Trong thời gian qua, lãnh đạo UBND Tp.HCM và cơ quan ban ngành luôn nỗ lực tìm ra hướng đi mới hỗ trợ doanh nghiệp "gỡ vướng" pháp lý cho các dự án. Dù được địa phương tìm cách gỡ vướng, nhưng phải nói mọi quy chuẩn luôn phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Việc dự án vướng vào các thủ tục pháp lý đã không ít lần được doanh nghiệp và cơ quan ban ngành đưa ra họp bàn. Nhưng chỉ vài dự án đủ tiêu chuẩn, đáp ứng được cơ bản của quy định pháp luật và được cơ quan chức năng gỡ vướng.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group nhận định: "Thị trường hiện nay về câu chuyện giải quyết điểm nghẽn, tắc pháp lý đều nằm ở dự án cũ, vấn đề pháp lý cũ".
"Hiện nay có hàng loạt dự án trên địa bàn Tp.HCM vướng mắc, hàng trăm tờ trình kiến nghị được doanh nghiệp, cơ quan chức năng trình nhằm được nhà nước hỗ trợ. Đã có nhiều dự án được "giải cứu" và đây là dự án nằm trong tầm giải quyết của địa phương và nó đúng luật. Còn những dự án hiện chưa được cứu, chưa tìm ra được chính sách hỗ trợ, hướng đi vì dự án này vướng những quy định khó gỡ", ông Phúc chia sẻ.
Theo CEO Phú Đông Group, hiện nay tại Tp.HCM có nhiều doanh nghiệp không thể thực hiện triển khai dự án vì vướng vào đất công. Theo quy định, đất công buộc phải đấu giá, không thể nào doanh nghiệp làm đất công nhưng lại theo quy trình kiểu doanh nghiệp tạm nộp tiền sử dụng đất rồi làm dự án được.
"Hiện nay cơ bản có thể chia ra 2 loại, một là đúng thủ tục pháp lý nhưng tốc độ giải quyết của địa phương không cao. Bây giờ, tổ công tác Chính phủ, địa phương phải thúc đẩy chuyện đó, nếu chính quyền đẩy nhanh công tác quy hoạch, quy trình thì rất thuận lợi cho doanh nghiệp và đó là điểm sáng.
Còn hai là không thể "chạy" được vì ngay từ đầu, chủ đầu tư đã đặt sai "đề bài" làm chưa đúng thủ tục pháp lý, nguồn gốc đất không rõ ràng, muốn làm được thì hầu như là không thể vì phải tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, việc gỡ vướng phải chờ đợi từ phía cơ quan chức năng", ông Phúc thông tin.
Cần xem câu chuyện của doanh nghiệp là chuyện của mình
Chia sẻ về hiện trạng thị trường thực tế, ông Ngô Quang Phúc cho rằng, những dự án cũ hiện còn nhiều vướng mắc, tuy nhiên ở thị trường hiện nay các doanh nghiệp sẽ có bài học kinh nghiệm cho chính mình.
"Doanh nghiệp bất động sản luôn có chiến lược và tầm nhìn dài hạn trong phát triển doanh nghiệp, cũng như các dự án của mình. Hiện nay, giải quyết vấn đề pháp lý là điều khó trong quá trình làm dự án, tuy nhiên, đây cũng là cơ hội giúp doanh nghiệp chuẩn chỉnh hơn.
Trong quá trình làm pháp lý, cần thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật, mặc dù thời gian làm pháp lý dự án rất lâu rườm rà nhưng đó đã quy định bắt buộc, làm chuẩn chỉnh nhất có thể để tránh phiền toái kéo dài thời gian làm dự án ảnh hưởng đến chính doanh nghiệp và cá nhân mua dự án", ông Phúc cho hay.
Cũng theo ông Phúc, ngoài nguyên nhân từ phía doanh nghiệp thì yếu tố địa phương cũng góp phần vào câu chuyện pháp lý của một dự án bất động sản.
Ông Phúc lý giải: "Ví dụ, tính quyết liệt giải quyết vấn đề của địa phương chưa cao. Chẳng hạn hiện nay ở Đồng Nai có một số nơi đang chồng chéo quy hoạch, nếu điều chỉnh 1/500 thì buộc phải điều chỉnh 1/2000 ở địa phương. Điều này sẽ kéo dài thêm rất nhiều thời gian cho thủ tục pháp lý vì nếu điều chỉnh thì phải làm lại toàn bộ. Tuy nhiên, nếu địa phương quyết liệt thực hiện, xem câu chuyện doanh nghiệp là câu chuyện của mình thì sẽ đầu tư thời gian giải quyết quy hoạch chung.
Vì vậy, Tổ công tác Chính phủ chính là động thái làm cho vấn đề tích cực hơn, những khúc mắc, tiến độ giải quyết vấn đề tồn đọng ở địa phương nó nhanh hơn, lúc đó, dự án doanh nghiệp được giải cứu".
Luật sư Lê Thị Bích Hằng, Đoàn Luật sư Tp.HCM cũng cho rằng, pháp lý là yếu tố then chốt của thị trường bất động sản vì liên quan đến rất nhiều luật khác nhau, từ Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu, Luật PCCC,...
Hiện nay Luật Đất đai đã được thông qua, nhiều chính sách đổi mới trong phát triển nhà ở, xây dựng dự án càng được thắt chặt. Những "lỗ hổng" đang được lấp và thay vào đó là quy trình xử lý, quy trình làm dự án bài bản minh bạch hơn.
Luật sư Hằng kỳ vọng trong thời gian tới đây, những cơ chế riêng biệt sẽ được cơ quan chức năng áp dụng để làm pháp lý từng dự án vừa hỗ trợ doanh nghiệp, minh bạch thị trường và bảo vệ chính người mua và nhà đầu tư.
Đón đọc >>> Lối thoát cho dự án BĐS vướng pháp lý - Bài 3: Gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực