Doanh số laptop, PC sụt giảm 5 năm liên tiếp
Số liệu từ hãng nghiên cứu thị trường IDC cho thấy trong năm 2016, lượng máy tính bao gồm cả desktop và laptop chỉ bán được 270 triệu máy, và tiếp tục sụt giảm so với năm 2015 (276 triệu máy). Đây là năm thứ 5 liên tiếp doanh số bán hàng của máy tính sụt giảm theo thống kê từ PCWorld.
Thị trường trong nước cũng không đi ngược lại xu thế. Theo báo cáo của GFK, doanh số laptop và desktop tại Việt Nam nửa đầu 2017 chỉ đạt 352.000 chiếc, giảm 16,7% so với cùng kì 2016. Số lượng laptop bán ra giảm 15,7% và desktop là 19,1%.
Các chuyên gia nhận định khả năng thị trường máy tính tăng trưởng trở lại là cực kì khó khăn, và việc đạt số lượng kỉ lục 365 triệu máy bán ra vào năm 2011 gần như không thể. Lí do là bởi nhu cầu mua sắm của người dùng đang thay đổi, họ dần chuyển sang các thiết bị di động như tablet hay smartphone và giảm ưu tiên với việc mua mới laptop.
Trong bối cảnh đó, có thể thấy rõ nỗ lực của các nhà sản xuất laptop trong năm 2017 thông qua việc cải tiến mạnh mẽ, tạo ra các sản phẩm laptop đẹp hơn, mỏng nhẹ hơn và mạnh mẽ hơn. Mỗi hãng đều cố gắng đem những yếu tố đặc trưng của mình vào mọi sản phẩm từ cao cấp đến tầm trung hay giá rẻ để tạo điểm nhấn.
Lối thoát nào cho máy tính cá nhân?
Xu hướng viền màn hình mỏng chúng ta có thể thấy rất rõ trên các thế hệ laptop ra đời trong năm nay. Dell đã đi theo thiết kế này từ vài năm trước với XPS 13, và nay tiếp nối với phiên bản xoay lật 2 trong 1. Asus làm mới dòng ZenBook với ZenBook 3 Deluxe và ra mắt AsusPRO B9440 dành cho doanh nghiệp. Lenovo làm mới nguyên dòng ThinkPad X còn HP thì tung ra Spectre x360 mới 15", tất cả các máy nói trên đều có viền siêu mỏng.
Việc xu hướng viền mỏng lên ngôi giúp cho laptop trở nên quyến rũ, đẹp mắt hơn và thu gọn kích thước sản phẩm xuống đáng kể. Giờ đây laptop 14" viền mỏng chỉ nhỏ bằng máy 13" cũ, còn máy 13" viền mỏng thì bằng như 12". Kích thước nhỏ sẽ làm giảm sự vướng víu khi mang theo và tăng tính tích cực cho trải nghiệm người dùng.
Ngoài ra, các nhà sản xuất laptop đã biết cách tạo nên điểm nhấn khác biệt cho sản phẩm thông qua các thiết kế độc đáo. Chẳng hạn như AsusPRO B9440 với phần gờ dưới được làm nhô ra để nâng cao đế máy khi mở màn hình, tăng khả năng tản nhiệt và đỡ mỏi tay.
Hay như Dell XPS 13 vốn đã rất mỏng nhẹ và quyến rũ nay được trang bị khả năng xoay lật 360 độ để dùng trong nhiều tư thế khác nhau, đi kèm với cây bút đa năng. Mới đây, LG Gram ra mắt với điểm nhấn “laptop nhẹ nhất thế giới” – khi phiên bản 13 inch có trọng lượng 940 gram còn bản 15,6 inch cũng chỉ là 1,09kg.
Những thay đổi về thiết kế khiến laptop không chỉ đơn giản là một chiếc máy tính nữa, mà trở thành một vật trang sức giúp thể hiện cá tính của bản thân người dùng. Đây là một yếu tố quan trọng trong việc thuyết phục người dùng mua máy mới, bởi laptop bao lâu nay vẫn chỉ được coi là công cụ làm việc đơn thuần.
Trong bối cảnh thị trường PC đang bị bão hòa một cách nặng nề, một phần nguyên nhân là do người dùng quá khó phân biệt và chọn mua được một sản phẩm như ý cả về hiệu năng và thẩm mỹ.
Bên cạnh đó, sự bùng nổ của các laptop chạy vi xử lý thế hệ mới Kaby Lake của Intel được lí giải ở hiệu năng và khả năng tiết kiệm năng lượng của con chip này. Kaby Lake không chỉ mạnh hơn rất nhiều so với thế hệ Skylake trước, mà quan trọng là nó còn có thể cải thiện khả năng xử lý đồ họa cũng tiết kiệm pin cho máy.
Với xu hướng thiết kế laptopngày càng mỏng nhẹ thì thời lượng pin là chuyện rất đáng quan tâm vì không có nhiều không gian để lắp thêm các viên pin nữa.Tuy nhiên trong năm 2017 việc laptop mỏng nhẹ nhưng pin lên tới 10-12 tiếng là rất phổ biến.
NVIDIA cũng góp phần đáng kể vào việc cải thiện hiệu năng laptop thông qua việc tích hợp GPU GTX 10 Series của mình trên nhiều dòng máy thuộc các phân khúc, mức giá khác nhau. Ngay cả chiếc Dell Inspiron 7000 giá chỉ 799 USD cũng đã sở hữu GPU GTX 1050 chơi game tốt khiến giới game thủ bất ngờ. Sức mạnh đồ hoạ của GTX 10 Series khiến các máy tầm trung hiện nay cũng có năng lực đồ hoạ ngang ngửa các laptop chuyên chơi game của vài năm trước.
Tia sáng cuối đường hầm
Cũng theo IDC đã khẳng định, sản lượng PC bán ra đã tăng lần đầu tiên kể từ Quý I 2012. Mức tăng trưởng 0,6% trong năm qua được ghi nhận vào Quý I 2017. Công ty này thừa nhận tuy đây là mức rất không đáng kể, nhưng nó vẫn là một sự tăng trưởng có phần bất ngờ của thị trường
“Nguồn cung hạn chế của các linh kiện quan trọng như NAND hay DRAM khiến cho hàng hóa trở nên khan hiếm hơn dẫn đến việc một số nhà sản xuất đã tăng sản lượng để đảm bảo cung trước khi giá lại tiếp tục tăng. Không những thế, thị trường lại tiếp tục đi theo một xu hướng ổn định hơn từ nửa cuối năm ngoái, đặc biệt khi các dự án thương mại bắt đầu được đưa vào sản xuất và vận chuyển tới bên phân phối.” – IDC giải thích.
IDC cũng nhấn mạnh rằng thị trường máy tính xách tay đang sụt giảm ở Mỹ và khá yếu ớt ở thị trường Châu Á Thái bình dương. Trong khi đó, sản xuất laptop lại giúp ổn định thị trường PC trong khối EMEA, các nước châu Âu, Trung Á và châu Phi. Nói chung thì thị trường PC cũng không hẳn là sôi động như nó đã từng.
Tuy chưa thể ngay lập tức kích thích thị trường PC tăng trưởng trở lại, nhưng những nỗ lực của các nhà sản xuất laptop đã tạo ra một sự tin tưởng nhất định vào chặng đường phía trước. Sự thay đổi này bắt nguồn từ việc các hãng đã bắt đầu đứng về phía người dùng để tạo ra các sản phẩm thật sự thu hút và mang lại giá trị cho khách hàng.
Quan điểm laptop là công cụ làm việc nhiều khả năng sẽ được xoá nhoà và chuyển thành “công cụ thể hiện bản thân” trong tương lai, giống như smartphone đã làm để bước lên đỉnh cao.
Ngọc Quang