Giờ Beltracchi đang chuẩn bị phải ngồi tù. Nhưng trong cuộc phỏng vấn hiếm hoi với tờ Der Spiegel, ông đã hé lộ vì sao mình lại làm giả tác phẩm nghệ thuật, cũng như việc ông bị tóm ra sao.
Trong những năm 1980, Wolfgang Beltracchi và bạn ông, Otto S.-K., người vùng Cologne, đã sáng tạo ra một cách để đưa các bức tranh giả ra thị trường. Câu chuyện của họ là Otto có một người ông tên Knops, vốn là một nhà sưu tầm nghệ thuật hoạt động tích cực từ giai đoạn 1920, và đã để lại cho cháu trai một kho sưu tập nghệ thuật khổng lồ khi qua đời.
Từ cơ sở này, Beltracchi phịa ra các câu chuyện liên quan tới những bức tranh giả, vốn nằm trong danh sách tác phẩm của các họa sĩ lớn, nhưng chưa ai được nhìn thấy chúng. Tất cả các bức tranh này đều do chính ông sáng tạo ra, chỉ bắt chước lối vẽ của những nghệ sĩ bậc thầy trên. Kết quả ông đã làm giả một cách hoàn hảo những tác phẩm của Max Ernst, Fernand Léger, Heinrich Campendonk, Andre Derain, Max Pechstein...
Cá nhân Beltracchi thừa nhận ông đã làm giả tranh của khoảng 50 họa sĩ. Der Spiegel nói rằng Beltracchi có thể đã làm giả 55 bức tranh của các danh họa nổi tiếng kể từ những năm 1990. Tòa án Đức hiện mới chỉ xác định được rằng ông làm giả 14 bức tranh, thu về khoảng 21 triệu USD. Tổng thiệt hại do ông gây ra được ước tính rơi vào khoảng 44,8 triệu USD. Vụ Beltracchi được xem là lớn nhất ở Đức thời hậu chiến, về cả quy mô cũng như độ hoàn hảo của tác phẩm bị làm giả, cũng như cách thức các bức tranh được đưa ra thị trường.
Một trong những tay làm tranh giả giỏi nhất của thế kỷ 20 là Han van Meegeren, người Hà Lan. Ông này đã từng vẽ tranh của riêng mình, nhưng do ghét giới phê bình nghệ thuật, nên đã vẽ các bức tranh theo phong cách của Jan Vermeer, người không hề có bất kỳ tranh nào theo motif Thiên Chúa giáo. Nhưng Van Meegeren đã sáng tác các motif đó thay cho Vermeer, dù rằng một số kiểu tóc trên các nhân vật ông vẽ ra giống với những năm 1930 hơn là thế kỷ 17. Song không ai nhận ra sự giả mạo này. Điều tương tự cũng diễn ra với Beltracchi. Ông đã sáng tác rất nhiều motif mà các nghệ sĩ bị làm giả tranh chưa từng vẽ ra.
Beltracchi hiện đang sống những ngày tự do cuối cùng trước khi phải vào tù bóc lịch vì làm giả tranh
"Tài" làm giả tranh thiên bẩm
Sau đây là phần phỏng vấn của phóng viên tờ Spiegel đối với Beltracchi:
* Liệu có lúc nào đó ông nghĩ tới việc gây chú ý, kiểu như: này mọi người, tôi vẽ mấy họa phẩm nổi tiếng này đấy?
- Không. Thực tế trong một bức tranh giả Max Ernst, tôi định thêm vào hình ảnh một chú chuột Mickey, như để đánh dấu. Nhưng những người làm điều đó thường không trụ lại lâu với nghề. Tôi cũng thích sáng tác tranh và bán chúng khá chạy. Nhưng việc vẽ tiếp các bức tranh còn dang dở của những nghệ sĩ khác hay ho hơn nhiều.
* Tại sao ông lại làm giả tranh giỏi tới vậy?
- Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là phải nắm được bản chất của một bức tranh. Anh nhìn ngắm tranh, cảm thụ nội dung bên trong và bắt đầu hiểu về nó mà không cần biết người họa sĩ vẽ ra sao. Tôi đã có thể làm được điều đó từ khi còn bé xíu.
* Có một người đàn ông ở Anh, sau khi bay qua London bằng trực thăng, đã có thể vẽ lại một bức tranh toàn cảnh về thành phố mà không thiếu một chi tiết. Thật đáng kinh ngạc!
- Anh ta bị tự kỷ thôi. Tôi không có khả năng đó.
* Khi nào ông bắt đầu vẽ tranh?
- Năm tôi lên 10 hay 12 tuổi. Cha tôi là một họa sĩ và là chuyên gia bảo tồn. Tôi giúp ông rất nhiều... Điều thú vị là trong cuộc sống bình thường, tôi hay bỏ sót nhiều chi tiết. Nhưng khi bắt đầu vẽ, hoặc ngắm một bức tranh, tôi như biến đổi thành kẻ khác và thấy những thứ mà người ta không nhận ra.
* Tại tòa, ông nói rằng mình từng làm giả một bức tranh của Picasso?
- Khi tôi 14 tuổi, cha tặng cho tôi một tấm bưu thiếp có tranh Picasso. Đó cũng là lần đầu tiên tôi được động tới màu vẽ của cha. Tôi không thích màu vẽ của bức tranh gốc, nghĩ rằng nó buồn quá. Nên tôi đổi màu và khiến bức tranh bớt đơn điệu. Tôi mất cả buổi chiều để vẽ tranh. Sau khi xem, cha tôi đã không vẽ thêm bức nào trong suốt 2 năm sau.
* Ông đã làm giả tổng cộng bao nhiêu bức tranh?
- Tôi không thể nói được, nếu không luật sư của tôi sẽ có thêm việc để làm. Tôi chỉ vẽ khi nào cần tiền, nhưng nó chưa bao giờ là nghề nghiệp thực sự của tôi, dù mấy tay buôn tranh muốn thế. Thị trường nghệ thuật ở Đức thật điên loạn. Anh có thể dễ dàng bán từ 1.000 - 2.000 bức tranh ở đây.
Bức tranh giả Red Picture With Horses đã khiến ông ta lộ tẩy
Sa lưới vì một sơ suất nhỏ
Beltracchi giống như một tay trộm xe đạp, nhưng thích lý giải hành động của mình diễn ra vì nạn nhân không khóa xe. Nhưng thực tế trường hợp của ông cho thấy bức tranh khá chính xác về thị trường nghệ thuật toàn cầu và những người chơi. Nó có liên quan tới nhiều gallery danh tiếng ở Paris, Zurich, London, New York, các nhà buôn bán tranh uy tín như Kunsthaus Lempertz, nhà đấu giá như Christie.
Tranh của Beltracchi "hạ cánh" ở nhiều nơi, nhưng không một ai từng mua tranh của ông tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của tác phẩm. Nguyên nhân cũng vì lợi nhuận. Một người buôn tranh mua một tác phẩm có giá 131.000 USD và biết rõ sẽ thu lời gấp đôi từ nó, sẽ không hỏi quá nhiều về việc liệu bức tranh có phải "đồ xịn" hay không, nhất là khi nó có xuất xứ từ các địa chỉ uy tín. Và một khi tranh giả được trưng bày trong bảo tàng, được một nhà sưu tầm trứ danh mua, nó gần như vĩnh viễn không thể bị phát hiện.
Năm 2006, Beltracchi làm giả một bức tranh của Heinrich Campendonk mang tựa đề Red Picture with Horses. Lúc sinh thời, Campendonk có vẽ bức Red Picture with Horses, nhưng chưa từng ai nhìn thấy tác phẩm này. Năm 2006, tranh giả của Beltracchi được bán với giá 3 triệu USD. Đó là bức tranh được bán với giá cao nhất ở Đức trong năm đó. Nhưng do tranh chưa được thẩm định nên chủ mới đã tiến hành việc này. Kết quả là năm 2008, người ta tìm thấy một số màu trắng titanium có trong giá vẽ, vốn không tồn tại ở thời Campendonk. Việc này khiến cho Beltracchi sa lưới.
Phóng viên tờ Spiegel trao đổi tiếp:
* Có bao giờ ông nghĩ tới chuyện dừng lại?
- Mãi tới về sau này. Tôi đã vẽ một bức của Derain và một bức của Leger, nhưng cảm thấy đây sẽ là những bức tranh cuối mình tạo ra.
* Làm sao titanium lại có thể dây vào vải vẽ của ông được?
- Tôi thường dùng màu trắng kẽm, vốn bình thường dưới thời Campendonk. Thường tôi không pha màu vẽ. Nhưng do thiếu một số chi tiết nên tôi đã lấy màu trắng kẽm từ một ống màu Hà Lan, nhưng không biết nó có chút titanium. Nói một cách khác, mọi chuyện lộ tẩy chỉ vì tôi dùng màu từ một ống màu dán nhãn thiếu thông tin mà thôi.
Minh Đức (lược từ TTVH)