Nhà báo Bernhard Schwarz của tờ Sputnik nhận định, dòng chảy của những người di cư đến châu Âu từ châu Phi có khả năng sẽ bùng nổ theo một cách không thể lường trước trong vài năm tới.
Trong nhiều thập kỷ qua, Libya vẫn được coi như một “bức tường lửa” giúp ngăn chặn làn sóng người tị nạn hướng đến châu Âu. Nhưng hiện tại, khi Libya nằm trong đống đổ nát, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ thấy rằng những tuyên bố của nhà độc tài Muammar Gaddafi năm xưa dường như đã nói đúng về họ, Schwarz nhấn mạnh.
“Lời tiên tri” của cựu lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đang dần trở thành hiện thực với minh chứng tiêu biểu nhất là vụ việc những người châu Phi nghèo khổ nổ ra làn sóng bạo lực ở biên giới Tây Ban Nha - Morocco hôm 26/7. Đây được coi là sự kiện sẽ gửi đến tín hiệu mạnh mẽ tới Berlin.
"Do sự tuyệt vọng và đói khát, họ sẵn sàng mạo hiểm cuộc sống của chính mình và tính mạng của các lính gác biên giới để đến châu Âu. Họ sẽ không thể nhận được những gì mình muốn. Nhưng hơn cả là sự hung bạo của họ khi chống lại cảnh sát đã thực sự là một cú sốc và gióng lên hồi chuông báo động. Cho đến hiện tại, EU đã không phản ứng gì với vụ việc, nhưng nếu không xây dựng kế hoạch hành động cụ thể trong thời gian sớm nhất, nguy cơ bạo lực và tình trạng hỗn loạn sẽ lan tràn khắp châu Âu”, nhà báo Đức cảnh tỉnh.
Vào ngày 26/7, 800 người di cư từ châu Phi đã xông vào một hàng rào cao 7m trong một nỗ lực vượt qua biên giới giữa Morocco để vào vùng lãnh thổ Ceuta của Tây Ban Nha.
Những người di cư đã ném đá, gậy, bom xăng, chất thải vào lực lượng thực thi pháp luật tại đây. Cuộc tấn công đã khiến 132 người di cư và 15 cảnh sát bị thương.
Trước đó, tổ chức Tị nạn Quốc tế cho biết, từ đầu năm nay đã có 3.125 công dân châu Phi vượt qua biên giới Tây Ban Nha để tới Melilla và Ceuta, thâm nhập vào EU.
Cảnh báo của Gaddafi cho NATO
"Hãy lắng nghe, hỡi những con người thuộc về NATO", Gaddafi nói vào đêm trước cuộc tấn công của NATO vào Libya năm 2011. "Bạn đang ném bom một bức tường ngăn cách người di cư, khủng bố al-Qaeda từ châu Phi đến châu Âu. Bức tường này là Libya. Bạn đang phá hủy nó".
Lời cảnh báo của Gaddafi đã thành sự thật khi Libya hiện tại là một quốc gia loạn lạc do những thực thể cai trị sau này không thể thiết lập được luật lệ và trật tự trong nước.
Phiến quân Libya tiếp tục nắm giữ vũ khí mà họ được cung cấp bởi Pháp và Mỹ. Trong khi kho vũ khí của Gaddafi trước kia đã bị cướp phá và Libya đã trở thành một trong những thị trường vũ khí “chợ đen” lớn nhất.
"Một kịch bản tương tự có thể sẽ xảy ra sau sự can thiệp của Mỹ ở Iraq, Afghanistan, và có lẽ sẽ là ở Syria nếu như Nga không bước vào can thiệp kể từ năm 2015", Schwarz chỉ ra, nhấn mạnh rằng hầu hết các đơn xin tị nạn đến Đức đều đến từ các nước nói trên.
Ông nhận xét rằng cách tiếp cận của Thủ tướng Đức Angela Merkel đối với vấn đề tị nạn khác nhiều so với các nhà lãnh đạo Đức trong quá khứ.
Thủ tướng của Cộng hòa Liên bang Đức Willy Brandt (1969-1974) và Thủ tướng Helmut Schmidt (1974-1982) đều phản đối trước quan điểm cho rằng vấn đề di cư sẽ không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho xã hội Đức.
Hiện nay, có khoảng 10,6 triệu người nước ngoài đang sinh sống ở Đức, trong khi làn sóng tị nạn tiếp tục gia tăng.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư, Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer đã trình bày một kế hoạch dự kiến thành lập các trung tâm đặc biệt và thực hiện các biện pháp cần thiết để kìm hãm làn sóng người tị nạn.
Vào đầu tháng 7, ông Seehofer và Thủ tướng Merkel đã đồng ý tăng tốc các biện pháp nói trên. Trong khi đó, cảnh sát bắt đầu tuần tra biên giới Đức-Áo vào ngày 18/7 để ngăn chặn tình trạng xâm nhập bất hợp pháp.
Bình luận về kế hoạch của Seehofer trong việc đưa người di cư đến nơi mà họ được đăng ký tị nạn, nhà báo Schwarz đã đề cập đến vụ việc gần đây trên biên giới Tây Ban Nha-Morocco.
"Sau những sóng gió ở Ceuta, câu hỏi đặt ra là làm thế nào những trung tâm này có thể hoạt động một cách hiệu quả và sẽ được bảo vệ. Dân số của châu Phi đang phát triển nhanh chóng, đến năm 2050 sẽ tăng gấp đôi lên 2,5 tỷ người. Làn sóng người tị nạn có khả năng sẽ ngày càng gia tăng, bắt nguồn từ sự nghèo đói, điều kiện kinh tế thấp, tham nhũng v.v... Rất có khả năng người tị nạn sẽ không chịu dừng lại chỉ vì đơn xin gia nhập của họ bị từ chối và sẽ cố gắng bằng mọi giá vào châu Âu”, nhà báo Schwarz nêu quan điểm.
Ông chỉ ra rằng hơn 75% người tị nạn đang tìm cách đến châu Âu bằng đường biển thông qua các cảng của Libya, phần lớn trong số đó là những cư dân của Niger, Eritrea, Somalia và Chad.
Theo Schwarz, Syria có thể là một ví dụ tiêu biểu về cách giải quyết vấn đề di cư. Với sự giúp đỡ của Nga, chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad đang dần khôi phục trật tự trong nước và tạo điều kiện cho sự trở lại của những người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ, Liban và Jordan.
Điều này đồng nghĩa với việc Syria sẽ không lặp lại số phận của Libya và sẽ làm giảm bớt dòng chảy của những người Syria đang xin tị nạn ở châu Âu.