Những ngày gần đây, dư luận tại Thanh Hóa đang xôn xao bàn tán trước việc bà Lê Bích Thắng – Chủ tịch HĐTV công ty TNHH Đầu tư và Du lịch Hải Tiến (công ty Hải Tiến) là một trong 5 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vinh danh “Vì sự phát triển Thanh Hóa”.
Một số người cho rằng, bà Thắng không xứng đáng với danh hiệu này. Nguyên nhân là năm 2017, doanh nghiệp do “nữ tướng” này lãnh đạo đã gây ra sự cố môi trường khi để nước thải sinh hoạt tràn ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.
Khu du lịch Hải Tiến (công ty Hải Tiến đầu tư hạ tầng) chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt, chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ theo quy định.
Trao với PV Người Đưa Tin, bà Lê Bích Thắng cho biết bà đã nắm được thông tin dư luận xôn xao về việc mình được tỉnh vinh danh “Vì sự phát triển Thanh Hóa” trong những ngày vừa qua.
Theo “nữ tướng”, bà và gia đình cũng như doanh nghiệp hoàn toàn không có bất kỳ liên hệ hay quen biết gì với Ban thi đua khen thưởng các cấp. Thông tin nói bà “mua vinh danh” đã khiến bà rất buồn.
“Ban thi đua khen thưởng xuống vận động tôi đề nghị làm hồ sơ. Tôi không cần khen nữa vì bản thân đã nhận nhiều danh hiệu rồi. Nếu các anh thấy tôi xứng đáng thì cho chứ tôi không xin”, bà Thắng nói.
Bà này cho biết thêm, việc bà đóng góp cho quê hương, cho tỉnh Thanh Hóa là cả một quá trình hàng chục năm, chứ không phải ngày một ngày hai hay bằng một hai việc làm. Trước năm 2004, biển Hải Tiến là một bãi ngang hoang sơ, chưa ai biết tới. Sau khi nghỉ hưu, vợ chồng bà đã gom góp hết tiền bạc, với tâm nguyện cuối đời là về quê đầu tư làm ăn, làm đẹp cho quê hương, góp phần thay đổi bộ mặt của biển Hải Tiến và hình ảnh của tỉnh Thanh Hóa.
Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và tăng thu ngân sách cho tỉnh. Sau khi dự án đầu tư của “nữ tướng” này được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận, từ năm 2005 – 2010 là thời gian bà và các thành viên trong công ty lăn lộn, tiếp xúc với người dân để giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư.
Gần như tất cả người dân đều đồng ý nhường đất, nhận đền bù để công ty làm du lịch. Sau khi hoàn thiện phần hạ tầng ban đầu, bà đã kêu gọi 8 doanh nghiệp vào đầu tư du lịch tại biển Hải Tiến.
Trong số 22ha diện tích thực tế đất được Nhà nước giao, bà đã dành 40% quỹ đất để làm đường, trồng cây xanh … Sau đó, hơn một nửa diện tích trên bà đã chuyển nhượng cho 6 doanh nghiệp vào đầu tư, xây khách sạn …
“Người ta chỉ nhìn được sự bề thế, vẻ đẹp của khu du lịch Hải Tiến hôm nay mà chưa biết tôi đã đổ biết bao mồ hôi, công sức và tâm huyết vào đó. Trong kinh doanh, cạnh tranh nên một số người không hài lòng về tôi nên họ mới như vậy”, bà Thắng phân trần.
Theo bà Thắng, năm 2017, xảy ra sự cố môi trường khi nước thải sinh hoạt tràn ra ngoài là sự cố bất khả kháng. Hệ thống nước thải bà đầu tư đáp ứng cho 450 phòng của công ty, nhưng hơn 1.000 phòng của các khách sạn không có hệ thống xử lý, chảy chung vào hệ thống của công ty Hải Tiến, gặp nhiều ngày mưa nên mới tràn ra ngoài. Công ty sau đó đã tìm cách khắc phục sự cố, không để ảnh hưởng nhiều tới môi trường.
Thông tin mới đây nói doanh nghiệp của bà chặn lối xuống biển của dân là không đúng. Bà chỉ cho dựng hàng rào, chặn xe điện vào khu sinh thái chèo kéo khách, gây mất mỹ quan và hình ảnh của khu du lịch.
Ngoài ra, hiện nay, bà Thắng và doanh nghiệp đã và đang nhận phụng dưỡng 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Năm 2010, gia đình bà Thắng đã bỏ ra 2,5 tỷ đồng cùng với huyện Hoằng Hóa thành lập quỹ khuyến học Lê Xuân Lan. Đến nay đã tài trợ được 10.000 suất học bổng cho con em quê hương và hiện quỹ còn có 10 tỷ trong tài khoản. Gia đình bà cũng bỏ tiền tôn tạo di tích lịch sử, đường, giúp đỡ người nghèo hàng chục tỷ đồng.