TAND thành phố Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Trần Anh Văn (SN 1974, ở Cầu Dền, Hai Bà Trưng, Hà Nội), nguyên cán bộ kế toán Viện nghiên cứu con người 10 năm tù về tội Tham ô tài sản và Mai Quỳnh Nam (SN 1952, ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu con người 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Phạm tội vì hoàn cảnh khó khăn?
Theo hồ sơ, tháng 12/2008, ông Mai Quỳnh Nam được bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam (nhiệm kỳ 2008 – 2012).
Ngoài chức trách quản lý điều hành mọi hoạt động của Viện, Mai Quỳnh Nam còn là chủ tài khoản có trách nhiệm duyệt chi Ngân sách Nhà nước cấp.
Ngày 05/6/2001, Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia có Quyết định bổ nhiệm Trần Anh Văn vào ngạch kế toán viên – Viện Nghiên cứu Con người.
Đến tháng 11/2007, Trần Anh Văn tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng phòng Phòng Hành chính – Tổng hợp, kiêm kế toán, là người tham mưu, giúp việc cho Viện trưởng về tài chính kế toán.
Theo tài liệu tố tụng, năm 2012, để có tiền chi tiêu cá nhân, nên trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong việc thanh toán tiền Ngân sách Nhà nước cấp cho Viện Nghiên cứu Con người, Trần Anh Văn đã không thực hiện đúng các quy trình, quy định về tài chính, kế toán và thống nhất với Mai Quỳnh Nam về việc như sau:
Để tiện cho việc thanh toán tiền Ngân sách Nhà nước cấp cho Viện từ kho bạc Nhà nước Hai Bà Trưng về chi cho hoạt động chung của đơn vị, cũng như thanh toán tiền cho cán bộ, công nhân viên tham gia thực hiện đề tài cấp Bộ và cấp Viện giao, trên cơ sở các đề tài, các chuyên đề Viện nghiên cứu con người giao cho các cán bộ của Viện. Sau đó, Văn sẽ hợp thức các hợp đồng, thanh lý hợp đồng và các chứng từ thanh toán đề tài không đúng thực tế.
Như vậy, từ tháng 02/2012 đến tháng 02/2013, Văn đã lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao, đã tham mưu cho Mai Quỳnh Nam – Viện trưởng ký 71 hợp đồng, thanh lý hợp đồng, chứng từ thanh toán đề tài, chuyên đề, trong đó có 65 hợp đồng, thanh lý hợp đồng là khống, còn 06 hợp đồng có thật để đề nghị Kho bạc Nhà nước Hai Bà Trưng giải ngân tổng số tiền hơn 2,8 tỷ đồng. Trong đó, Văn chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.
Do vậy, cơ quan chức năng kết luận hành vi của Trần Anh Văn đã phạm tội Tham ô tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 353 BLHS năm 2015.
Tại phiên tòa, bị cáo Văn thừa nhận hành vi của bản thân như cáo trạng truy tố. Song người này cho rằng hành vi của mình chỉ cấu thành tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản chứ không phải tội Tham ô tài sản như quy kết của VKS.
Bản thân bị cáo cũng nêu rất nhiều tình tiết giảm nhẹ cho bản thân như: Bị cáo đã thành khẩn, khai báo, ăn năn hối hận về hành vi sai phạm của bản thân. Sau khi vụ án xảy ra, bị cáo đã tác động đến gia đình khắc phục toàn xong bộ hậu quả. Trong thời gian làm việc tại Viện Nghiên cứu con người, bị cáo luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, công việc được giao, được trao tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác, đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua năm 2002.
Chưa hết, bị cáo còn trình bày: “Thời gian đó, hoàn cảnh gia đình bị cáo rất khó khăn, bố bị cáo bị tai biến nên bị cáo đã dùng số tiền này để chi tiêu và kéo dài thời gian sống cho bố bị cáo”.
Bào chữa cho bị cáo Văn, luật sư Nguyễn Trung Tiệp - Thuộc Công ty Luật Dragon - Đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: Với quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can của CQCSĐT Công an quận Ba Đình đối với Trấn Anh Văn về tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” là có căn cứ và đúng người đúng tội hơn.
“Quyết định khởi tố bị can thay đổi tội danh Tham ô tài sản đối với bị cáo Văn sau này là quá nặng và không phù hợp với những tình tiết khách quan vụ án và tính chất, mức độ hành vi sai phạm của bị cáo Văn. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của thân chủ tôi”, luật sư Tiệp trình bày tại tòa.
Cựu Viện trưởng cho rằng mình cũng là nạn nhân
Đối với bị cáo Mai Quỳnh Nam là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Con người, là chủ tài khoản, có trách nhiệm quản lý, duyệt chi tiền Ngân sách Nhà nước cấp cho Viện.
Do không có chuyên môn nghiệp vụ tài chính kế toán và tin tưởng vào ý kiến của bị cáo Văn nên năm 2012, ông Nam tiếp tay cho Văn thực hiện việc lập khống hồ sơ và chiếm đoạt hơn 800 triệu đồng.
Tiếp đến tháng 02/2013, mặc dù không còn là Viện trưởng nhưng Mai Quỳnh Nam vẫn đứng tên chủ tài khoản (do Viện chưa có văn bản đề nghị thay đổi chủ tài khoản), nhưng từ ngày 28/12/2012, khi Văn đưa các tài liệu lập khống với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng, Nam vẫn đồng ý và ký duyệt. Sau khi Kho bạc giải ngân, Văn tiếp tục chiếm đoạt 244 triệu đồng.
Chính từ việc thiếu trách nhiệm trong công tác kiểm tra giám sát việc chi tiêu sử dụng nguồn ngân sách cấp và ký duyệt chứng từ nên đã để bị can Văn chiếm đoạt số tiền hơn 1 tỷ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Cơ quan tố tụng nhận định hành vi nêu trên của Mai Quỳnh Nam đã phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 360 BLHS năm 2015.
Đứng trước công đường, bị cáo Nam khẳng định không hề biết việc Văn lập khống hồ sơ. “Nếu biết Văn lập hồ sơ khống, rút ruột ngân sách nhà nước thì tôi đã không ký, thậm chí còn kỷ luật anh Văn”, bị cáo Nam cương quyết.
Ông Nam nói thêm: “Thời điểm đó, Văn giữ nhiều chức vụ, vị trí trong Viện như là bí thư chi bộ, kế toán. Người lãnh đạo mà không tin tưởng vào nhân viên của mình thì cũng rất khó, nhưng từ đây cũng đó bài học sâu sắc cho tôi. Bản thân tôi cũng là nạn nhân”.
Sau cùng, ông Nam xin HĐXX cho hưởng lượng khoan hồng của pháp luật, có cơ hội được ở ngoài xã hội bởi bản thân ông có nhiều bệnh tật và đang nghiên cứu, hoàn thiện nốt những phần việc dang dở trong quãng đời còn lại.
Xét thấy các bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, TAND thành phố Hà Nội đã áp dụng mức án như trên dành cho các bị cáo.