“Lớn tuổi rồi, có người hỏi cưới thì lấy đại"

“Lớn tuổi rồi, có người hỏi cưới thì lấy đại"

Thứ 5, 27/12/2012 23:57

Chị tôi lấy chồng năm ba mươi tuổi. Đó là một ngày tháng mười hai lạnh lẽo cách nay gần 20 năm. Mấy anh tôi đã cưới vợ ra ở riêng nên chị phải lội xuống mương để vớt những cây so đũa mà cha tôi ngâm dưới đó để dựng trại…

Hôm ấy nước rong, gió bấc rất lạnh. Môi chị thâm tím vì ngâm lâu dưới nước. Chị vừa làm, vừa lau nước mắt. Tôi nhớ hoài câu nói của chị: “Lớn tuổi rồi, có người hỏi cưới thì lấy đại chớ chị hỏng có thương”.

Lúc đó tôi cứ nghĩ, cha mẹ tôi cưới nhau cũng đâu có yêu thương gì mà sống với nhau cũng con đàn cháu đống, có thể về sống với nhau rồi chị cũng sẽ thương vì anh Nhân, anh rể tôi cũng là người hiền lành, có học, vốn con nhà danh giá ngày xưa nhưng giờ đã sa sút…

Ngày cưới, mọi việc đều một tay chị lo. Vừa chỉ huy tiếp khách bên ngoài, vừa coi ngó chuyện bếp núc bên trong. Mãi đến lúc sắp tới giờ rước dâu, chị mới đi sửa soạn. Công bằng mà nói, nhà trai cũng không phải tầm thường. Đồ sính lễ, mâm quả, trà rượu… đều rất tươm tất. Thời ấy mà mâm rượu có đến 4 chai rượu tây. Bà con lối xóm cứ trầm trồ khen ngợi con Sáu (là chị tôi) khéo chọn chồng.

Pháp luật - “Lớn tuổi rồi, có người hỏi cưới thì lấy đại'

Chị tôi về làm dâu xứ Cầu Kè, Trà Vinh. Đi tàu từ Sa Đéc về dưới đó phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ

Hành lễ xong, mọi người đưa nhau xuống tàu. Tôi không được đi đưa dâu vì phải ở nhà coi người ta dọn dẹp. Chị ôm chặt lấy tôi dặn dò: “Chị đi rồi, nhà không còn ai, em phải thay chị coi sóc nhà cửa, phụ giúp cha mẹ nghe chưa”. Lúc đó, tôi, con bé 15 tuổi lớn xác nhưng ăn chưa no, lo chưa tới vẫn cười nói vô tư: “Chị làm như đi luôn không bằng? Từ dưới về đây có bao xa đâu mà lo”.

Chị tôi về làm dâu xứ Cầu Kè, Trà Vinh. Đi tàu từ Sa Đéc về dưới đó phải mất hơn 5 tiếng đồng hồ. Nghe mọi người kể lại, lúc đãi tiệc xong, nhà gái quay về, mọi người chạy đi tìm chị để chào từ biệt nhưng tìm hoài không thấy. Cuối cùng cha tôi bắt gặp chị trốn trong bụi chuối sau hè, hai mắt đỏ hoe.

Sau đám cưới 4 tháng, chị bị hư thai. Nóng ruột con nên dù đường xa, cha mẹ tôi cũng tức tốc thuê xe chạy xuống thăm. Sau lần ấy, tôi thấy cha rất buồn. Thỉnh thoảng nhắc chị, cha lại chép miệng: “Cha đặt tên con Sáu là Mai mà đời nó toàn những xui rủi…”. Cái chuyện xui rủi mà cha hay nhắc đó là chị thi rớt đại học tới 3 lần dù trong nhà chị là người học giỏi nhất.

Thi mãi không đậu, cuối cùng chị phải vào đại học tại chức. Ra trường chị được giữ lại làm cán bộ giảng dạy nhưng chỉ được hai năm thì chị xin nghỉ với lý do lương bổng quá thấp, không đủ sống. Chị nói như vậy nhưng tôi biết còn có một nguyên nhân khác là vì chị bị tay trưởng khoa ve vãn, chị cự lại, ông ta bị quê nên tìm đủ mọi cách chèn ép, gây khó khăn…

Chị nghỉ dạy, xin vô làm ở công ty thu mua nông sản của tỉnh. Trong một lần đi công tác ở Trà Vinh, chị đã gặp anh rể tôi bây giờ. Lúc đó anh làm hiệu trưởng một trường tiểu học ở huyện Cầu Kè. Cưới xong, chị phải nghỉ làm luôn.

Sau lần chị bị hư thai, cha mẹ tôi xin bên nhà chồng cho chị về trên này sinh sống. Lý do là vì chị tôi được học hành đàng hoàng nhưng về dưới đó suốt ngày chỉ ra vô với ruộng vườn, bếp núc thì uổng phí. Lập luận của cha tôi xem ra cũng khá vững nên nhà trai đồng ý.

Vậy là chị được về gần nhà. Cha mẹ tôi cho anh chị tiền mua miếng đất, phía anh rể cho tiền cất nhà. Chị tôi mở quán cà phê tại nhà để kiếm đồng ra đồng vô trong khi chờ xin được chỗ làm. Đến lúc này thì lại phát sinh khó khăn khác: anh rể tôi bị “mất dạy” phải ở nhà bưng cà phê phụ vợ. Thỉnh thoảng qua chơi, tôi thấy anh hay cằn nhằn, la mắng chị. Những lúc chị về thăm nhà, tôi lại thấy mặt chị buồn hiu…

Rồi tôi đi học xa. Nghe tin chị sinh con, tôi chạy về thăm. Chị sinh non và sinh mổ. Thằng bé chưa được hai ký phải nuôi trong lồng kính. Thấy tôi về, chị nắm chặt tay tôi, nước mắt chảy dài… Hơn tuần lễ sau thì tôi được tin thằng bé không nuôi được. Mẹ tôi đón chị về để chăm sóc. Cuối tuần tôi lại tranh thủ chạy về thăm chị. Lần này chị cười thật buồn: “Phải chi cha đặt tên chị là Rủi thì có lẽ tốt hơn”.

Chị mới sinh non ngày tháng nên tôi không dám hỏi thăm nhiều về cuộc sống riêng tư, nhưng tôi đã lờ mờ đoán ra chị không hạnh phúc. Những ngày ở nhà, tôi không thấy anh rể về thăm chị. Mẹ tôi khi nhắc tới anh rể lại chép miệng: “Cái thằng đó…”.

Chị không thể có con được nữa sau lần sinh mổ. Điều đó khiến chị ngày càng quắt queo trong cái tổ ấm của mình. Anh Hai tôi nhờ người quen xin cho chị vào làm ở Đài phát thanh truyền hình tỉnh. Như cá gặp nước, chị lao vào công việc với tất cả sự hăm hở, say mê. Chị làm việc quên ăn, quên ngủ. Tính chị vốn hiền lành, hay giúp đỡ mọi người, giờ lại làm được việc nên ai cũng yêu quý.

Về thăm chị, tôi thấy mắt chị lấp lánh. Chị say sưa kể về những bộ phim tài liệu lịch sử chị đã làm, những lần đi giao lưu với các đài truyền hình cả nước, những chuyến lặn lội về tận miệt Thứ, U Minh làm phim tài liệu về đất, về người… Nhìn chị, tôi cũng vui lây nhưng tôi có biết đâu, chị đang vắt kiệt sức làm việc để quên đi cuộc sống địa ngục phía sau mình.

Tháng trước, chị gọi tôi về. Nhìn mặt mày chị thâm tím, tôi kinh ngạc. Chị lại cười buồn: “Những lần trước đánh chị, ảnh đánh chỗ kín để mọi người không phát hiện nhưng lần này ảnh nói đánh cho chị chết luôn nên không cần phải giấu giếm”. Chị muốn ly dị nhưng anh rể tôi không đồng ý vì bây giờ chị là trụ cột trong gia đình.

Những đồng tiền mồ hôi nước mắt của chị tôi chắt chiu, anh rể tôi mang đi ăn nhậu và bao gái. Rồi anh có con rơi, chị tôi phải chu cấp để anh nuôi con. Những lúc chị không đưa đủ tiền, anh lại đánh. Bao nhiêu năm nay chị chịu đựng vì không muốn mang tiếng bỏ chồng. Ai cũng nói chị ngu. Nhưng chị không nghĩ vậy: “Đó là duyên nợ. Chưa hết nợ thì chị chưa bỏ được”.

Nhưng lần này thì chị quyết bỏ. Và đây cũng là lần đầu tiên tôi nghe chính từ chị câu chuyện miên man những nỗi buồn của một người phụ nữ lấy chồng muộn. Lần chị hư thai đầu tiên là do bị anh đánh sau một chầu nhậu say bí tỉ. Tỉnh ra, biết mình đã làm điều đó với vợ, anh rể tôi vẫn tỉnh bơ: “Đừng có đổ thừa cho tôi”.

Lần thứ hai, đứa con bị sinh non rồi chết cũng là hậu quả của một cú lên gối khi anh đòi tiền mà chị không đưa. Cơm bữa thế nào thì số lần chị bị đòn cũng thế ấy. Chị cắn răng chịu đựng vì sợ cha mẹ tôi buồn, sợ mang tiếng, sợ miệng đời dị nghị, sợ phải sống một mình trong những ngày bóng xế tuổi già…

“Bây giờ cha mẹ mất rồi, chị không còn gì để níu kéo. Hồi trước ảnh đòi bỏ, chị không chịu. Bây giờ thì ngược lại. Ảnh bảo chị muốn thôi ảnh thì phải tay trắng ra khỏi nhà, nếu không ảnh sẽ không ký đơn. Ảnh bảo có người quen ở tòa án tỉnh nên chắc chắn sẽ làm được điều đó. Em biết rồi, bao nhiêu năm nay chị đã làm lụng như thế nào để có được mọi thứ. Không lẽ bây giờ lại ra đi mình không? Rồi chị biết ăn đâu, ở đâu…”. Nói đến đây, chị lại ôm mặt khóc.

Tôi nhìn chị, không thể diễn tả được cảm xúc của mình lúc đó nên chỉ biết nắm chặt tay chị vỗ về. Chị tôi tên Mai mà hơn nửa cuộc đời chỉ gặp toàn những chuyện xui rủi. Nhưng lần này, cả nhà tôi sẽ vào cuộc để đòi lại công bằng cho chị. Cầu trời phật phù hộ cho chúng tôi làm được điều đó…

Theo Người lao động


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.