Người lái xe vào London sẽ phải cẩn thận hơn, vì vùng lắp đặt camera chuyên phát hiện xe cũ, gây ô nhiễm sắp mở rộng. Đó là bởi vì chương trình chống ô nhiễm không khí ở London sẽ trở thành chương trình lớn nhất châu Âu vào tháng sau, mở rộng thêm các khu vực ngoại vi.
Dù vậy, không phải ai cũng vui mừng chờ đợi sự kiện này, thậm chí hôm nay, kế hoạch của thị trưởng London sẽ bị tòa án xem xét do bị một nhóm chính quyền địa phương kiện.
Những ô tô cũ, gây ô nhiễm sẽ bị tính phí hàng ngày 12,5 bảng, tức gần 400 nghìn đồng, khi vào “vùng phát thải cực thấp” ở thủ đô London, Anh. Theo kế hoạch của thị trưởng thành phố, vùng này sẽ mở rộng ra thêm một số khu vực ở ngoại ô, tức là có thêm 5 triệu dân nằm trong vùng này.
Tuy nhiên, tranh cãi đang diễn ra gay gắt, giữa một bên là thị trưởng London và các nhân vật đấu tranh vì sức khỏe cộng đồng, một bên là những người không chấp nhận bị thiệt hại kinh tế trong bối cảnh khủng hoảng vật giá.
Ông Carl Cristina, ở London, Anh bức xúc: "Mọi người không muốn phải trả thêm 12,5 bảng một ngày. Làm sao mà trả được khi mà họ còn đang vật lộn để có thức ăn trên bàn".
Nhưng thị trưởng London đã chỉ ra rằng sẽ có quỹ 110 triệu bảng (hơn 3,3 nghìn tỷ VNĐ) để trợ giá mua xe mới, còn người tàn tật thì được miễn trừ việc tuân thủ quy định mới.
Ông Sadiq Khan, Thị trưởng London, Anh nói: "Các chính sách táo bạo ở London đã làm giảm độ độc hại, vùng phát thải cực thấp của chúng ta đã giúp giảm gần 50% độc hại ở trung tâm London".
Một số chuyên gia chỉ ra rằng "vùng phát thải cực thấp" áp dụng ở trung tâm thành phố thì có ích, bởi ở đó ô nhiễm không khí cao hơn và có nhiều phương tiện giao thông công cộng.
Các cơ sở kinh doanh thì lo ngại thiếu nhân công và giảm khách hàng, do nhiều người sống ở ngoài London có xe ô tô cũ sẽ không muốn vào thành phố mua sắm hay sử dụng dịch vụ nữa. Hiện chỉ có 1/10 xe ô tô ở vùng ngoại ô London không hoạt động trong “vùng phát thải cực thấp”.
Trong một biện pháp tương tự lần đầu tiên đưa ra vào năm 2003, tất cả ô tô và xe tải đi vào khu vực trung tâm London vào ban ngày cũng phải trả "phí tắc nghẽn" 15 bảng Anh.
Trước đó, các kế hoạch tương tự đã được thực hiện ở một số thị trấn và thành phố khác của Anh để giảm khí thải gây ô nhiễm và cải thiện chất lượng không khí.
Theo một báo cáo công bố năm 2019, ô nhiễm không khí đã dẫn tới khoảng 1.000 ca nhập viện hằng năm vì bệnh hen suyễn và bệnh phổi nghiêm trọng ở London từ năm 2014 đến 2016.
Minh Hoa (t/h theo VTV, TTXVN)