Long An: Ra lệnh phạt để ngăn dân tự ý phá đất lúa nuôi cá tra

Long An: Ra lệnh phạt để ngăn dân tự ý phá đất lúa nuôi cá tra

Nguyễn Thị Ngọc Lài

Nguyễn Thị Ngọc Lài

Thứ 3, 17/04/2018 13:28

Để ngăn chặn tình trạng người dân đào ao trên đất lúa để nuôi cá tra tràn lan, UBND tỉnh Long An chỉ đạo kiểm tra, tuyên truyền và xử phạt đối với hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại huyện Đồng Tháp Mười.

Theo báo Vnexpress, ngày 16/4, UBND tỉnh Long An có văn bản chỉ đạo các ngành liên quan kiểm tra, tuyên truyền và xử phạt hành chính đối với các hộ dân tự ý đào ao nuôi cá tra giống trên đất lúa tại các huyện Đồng Tháp Mười.

Thống kê từ chi cục Thủy sản tỉnh Long An cho thấy, chỉ tính riêng năm 2017 tại 3 huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng và Tân Thạnh có gần 800ha ao nuôi tự phát.

Bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, nhưng do người nuôi chưa nắm các biện pháp kỹ thuật, nên ao nuôi xuất hiện nhiều mầm bệnh, chất thải xả ra kênh rạch ảnh hưởng đến môi trường. Diện tích nuôi tăng sẽ dẫn đến đầu ra của cá tra giống cũng không ổn định, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thua lỗ.

Long An: Ra lệnh phạt để ngăn dân tự ý phá đất lúa nuôi cá tra

Người dân tự ý đào ao nuôi cá tra trên đất lúa (Ảnh: Báo Long An).

Trước đó, theo ghi nhận của báo Long An, mùa này, trên tuyến đường cặp kênh KT9 từ xã Hưng Hà đến Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An, nhiều chuyến xe tải ngược xuôi chở thức ăn chăn nuôi và cá tra giống đến các tỉnh miền Tây. Trên đồng, những chiếc kobe múc đất để nông dân làm ao nuôi cá.

Dọc tuyến kênh KT9, cứ 10 hộ thì có khoảng 5-7 hộ chuyển từ trồng lúa sang nuôi cá. Phong trào nuôi cá tra giống “nở rộ” tại các xã biên giới của huyện Tân Hưng chỉ trong thời gian ngắn.

Bà Diệp Thị Nguơn, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, chia sẻ: “Nuôi cá tra giống tuy mới nhưng mang lại lợi nhuận cao. 1ha nuôi cá tra giống, nếu trúng giá, lợi nhuận cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Vụ vừa rồi, gia đình tôi bán cá với giá 71.000 đồng/kg (loại 35 con/kg), lãi trên 300 triệu đồng/ha. Hiện, gia đình tôi mở rộng diện tích nuôi cá tra lên 3,5ha”.

Cũng theo bà Nguơn, nuôi cá tra giống tuy không khó nhưng tiềm ẩn không ít rủi ro. Chu kỳ nuôi cá tra giống từ 60-70 ngày. Giai đoạn đầu, cá con dễ nhiễm bệnh, nếu không biết cách phòng thì nguy cơ thất bại rất lớn, trong khi chi phí đầu tư gần 200 triệu đồng/ha.

Thấy nhiều hộ dân ồ ạt đào ao nuôi cá tra giống, lãi hàng trăm triệu đồng, thời gian thu hồi vốn lại ngắn nên anh Lê Trường An, ngụ ấp Gò Pháo, xã Hưng Điền B, làm theo. Vay mượn tiền gia đình, anh đầu tư hơn 1ha ao nuôi cá nhưng lỗ gần 140 triệu đồng vì thiếu kinh nghiệm.

Long An: Ra lệnh phạt để ngăn dân tự ý phá đất lúa nuôi cá tra (Hình 2).

Cá tra dễ nhiễm bệnh nên nguy cơ mất trắng vẫn thường trực (Ảnh: Báo Vnexpress).

Chủ tịch UBND xã Hưng Điền B, ông Nguyễn Vũ Linh chia sẻ với PV báo Long An: “Mặc dù nuôi cá tra giống mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa nhưng địa phương không khuyến khích vì lo sợ, khi nuôi ồ ạt, đầu ra sẽ khó. Chúng tôi tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không tự ý chuyển mục đích đất lúa thành ao nuôi cá. Điều này ảnh hưởng đến quy hoạch và nguy cơ ô nhiễm môi trường tự nhiên”.

Tuy nhiên, ông Lê Văn Hoàng, Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Long An thông tin trên báo Tuổi Trẻ, qua kiểm tra thực tế, các vùng nuôi cá trên đều nằm trong các vùng có quy hoạch phát triển thủy sản tỉnh Long An giai đoạn đến năm 2020. Hơn nữa, các ao cá tra đều đào không sâu, có thể... san lấp bờ ao trả lại hiện trạng ban đầu để sản xuất cây trồng khác.

Ngọc Lài (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.