Việc đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, khai mở các thị trường mới, còn nhiều dư địa như thị trường Halal được coi là “chìa khóa” mở thêm “cánh cửa” cho xuất khẩu nông thủy sản Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với khả năng xuất khẩu trên 50 tỷ USD nông sản mỗi năm cùng với việc đã xây dựng được các chuỗi cung ứng, đây sẽ cơ hội để nông sản, thủy sản Việt Nam tiến quân vào thị trường Halal nếu như có sự đầu tư bài bản, hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế nông nghiệp, theo Hải quan online.
Để tiếp tục mở rộng xuất khẩu nông sản, thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết: Ngoài các thị trường Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU... Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung xuất khẩu các sản phẩm nông thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông...; đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi, thủy sản.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, mặc dù nông sản, thủy sản đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng Việt Nam phải bước chân vào những thị trường khó tính, mang tính đặc thù như thị trường Halal. Qua đó, để các sản phẩm nông sản của Việt Nam có được nhiều phân khúc, nhiều thị trường, kim ngạch xuất khẩu được nhiều hơn.
Hiện nay, trên thế giới có khoảng hơn 2 tỷ người theo đạo Hồi. Nhiều quốc gia Hồi giáo đang tham gia tích cực vào thị trường Halal toàn cầu - một thị trường đòi hỏi nhiều yêu cầu riêng và rất khắt khe. Các thực phẩm sử dụng hàng ngày phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal.
Ông Trương Xuân Trung - Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đánh giá: Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng nông sản chế biến như: gạo, chè, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, rau quả… cùng các sản phẩm đồ uống. Việt Nam lại nằm trong khu vực Đông Nam Á và châu Á vốn tập trung đông dân số theo đạo Hồi như Indonesia, Malaysia, khu vực Trung Đông…
Bên cạnh đó, Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi; trong đó, có thúc đẩy hợp tác sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal.
Theo ông Trương Xuân Trung, quy mô, nhu cầu của thị trường Halal rất lớn. Nếu nhìn vào các số liệu tăng trưởng về tiêu thụ các nhóm mặt hàng chính ở thị trường UAE thì thấy Việt Nam có thế mạnh ở các nhóm mặt hàng như nông sản, nông sản chế biến, ngũ cốc. Để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Halal đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có giấy chứng nhận Halal để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo.
Theo các chuyên gia, mặc dù là thị trường lớn, rất tiềm năng, lại có thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng nông thủy sản nói riêng sang thị trường Halal mới chỉ ở bước đầu khai phá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp nông thủy sản Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.
Theo bà Phạm Hoài Linh, Phó Trưởng Phòng Tây Á-châu Phi (Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương), hiện Halal là khái niệm còn ít được biết đến đối với cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp. Trong khi đó, quy định về thẩm tra, cấp chứng nhận Halal đang có xu hướng ngày càng khắt khe, đa dạng và phức tạp hơn. Chứng nhận Halal cũng không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận như nhau ở các quốc gia với tất cả các mặt hàng và hiện đang tồn tại rất nhiều hệ thống, tiêu chuẩn Halal khác nhau cho từng sản phẩm.
Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần, cũng như phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận phù hợp. Mặt khác, chi phí đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguồn nguyên liệu an toàn trong các khâu từ đóng gói, vận chuyển, bảo quản,… theo tiêu chuẩn Halal thường cao hơn so với sản xuất, xuất khẩu sản phẩm thường, trong khi đa số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa nên đều gặp hạn chế về vốn.
Không những vậy, xuất khẩu thực phẩm Halal của doanh nghiệp Việt Nam còn phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực. Trong đó, các nước Hồi giáo như Indonesia, Malaysia, Pakistan, Bangladesh vừa là nhà nhập khẩu, nhưng cũng là những nhà cung cấp sản phẩm Halal lớn nhất thế giới.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: Tiềm năng, yêu cầu để sản phẩm nông sản; đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vào thị trường Halal đã được nhận định rõ. Do đó, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn như: Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Vụ Hợp tác quốc tế… để tiếp cận và từng bước hoàn thiện quy trình, tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, sớm đưa sản phẩm chăn nuôi, điển hình là thịt gà Việt Nam đi vào thị trường Halal, theo Tin tức.
“Các doanh nghiệp phải có kế hoạch, tiến độ cụ thể cho từng công việc, nội dung để các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kịp thời hỗ trợ để toàn bộ quy trình sản xuất từ: con giống, chuồng trại, thức ăn, giết mổ… kiện toàn theo đúng tiêu chuẩn Halal”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Để khai thác hết tiềm năng của thị trường này, Chủ tịch Cơ quan Chứng nhận Halal Ấn Độ cho rằng, Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về Halal và xây dựng lòng tin với người tiêu dùng Hồi giáo toàn cầu. Theo đó, quy trình chứng nhận Halal cần minh bạch, liền mạch, được công nhận trên toàn cầu, đồng thời các doanh nghiệp cần đầu tư hiện đại hóa, chuẩn hóa quy trình.
Khánh Linh (t/h)