Rọi đèn tìm chữ
Một ngày như thường lệ, sau khi ăn vội bữa cơm tối, các chị, các mẹ sửa soạn chuẩn bị sách vở, bút viết, đội trên đầu chiếc đèn bin, í ới gọi nhau đến lớp để học cái chữ. Những học sinh đặc biệt này, có người đã là mẹ, có người đã lên chức bà, quanh năm quen với việc đồng áng, nay hạ quyết tâm đến trường học con chữ để có thể đọc và viết được tên của chính mình.
Tại thung lũng Mang Bút, mấy hôm nay trời đổ mưa, bởi vậy mới khoảng 18h, trời tối đen như mực. Mưa phùn phảng phất, gió thông thốc thổi tiết trời se lạnh, trên đường làng ánh đèn pin, tiếng người í ới gọi nhau.
Bà Y Phiên, 54 tuổi, ở thôn Đắk ChuN, xã Măng Bút, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum ăn vội bữa cơm tối, đội chiếc đèn pin, tay cầm cây bút chì cùng tập vở, rời khỏi nhà đến Trường Phổ thông dân tộc bán trú cấp 1-2 Măng Bút cách nhà chừng 1km.
Bà Phiên kể, hơn nửa đời người, bà quanh quẩn với việc đồng áng, nào biết mặt chữ là thế nào. Khi con cái đã thành đạt, cháu nội, cháu ngoại đã học đến phép nhân, chia. Có một ngày đứa cháu đem bài tập về nhà hỏi bà cách giải. Bố mẹ chúng không có thời gian chỉ bài cho con. Đấy là lúc bà Phiên hiểu ra mình cần phải đi học.
Bà Phiên ngượng ngùng: “Cháu mình học đến lớp 3 rồi. Có nhiều lúc cô giáo ra bài khó, bố mẹ nó thì lên rẫy, lên nương. Nó không biết làm nên về hỏi mình, mình có biết chữ đâu mà dạy. Nói là không biết thì xấu hổ với cháu lắm. Nên mình muốn đi học để sau này cháu hỏi còn biết mà chỉ”.
Cổng trường rộng mở, bên trong một phòng học sáng điện, đứng ở của lớp, cô giáo Đinh Ái Nga (giáo viên lớp 1) đã đợi sẵn, niềm nở chào đón những học sinh đặc biệt. Lớp học có 32 người, hôm nay có đến 5 học viên vắng mặt.
Trò chuyện với PV, cô Nga cho biết, lớp học này toàn là phụ nữ. Tất cả đều ở cái tuổi đã làm bà, làm mẹ. Trước đây, vì hoàn cảnh khó khăn nên họ chẳng được đến trường. Bây giờ, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, lớp học xóa mù chữ được mở ra họ mới mạnh dạn đăng ký đi học.
Những ngày đầu dạy chữ cho các chị, các mẹ, cô giáo cũng không khỏi bỡ ngỡ vì chẳng biết xưng hô thế nào cho phải. Các chị, các cô hằng ngày chỉ quen việc đồng áng, hôm nay mới cầm bút nên không khỏi ngượng nghịu.
“Nếu như các cháu nhỏ, tay còn mềm mại, mình dễ uốn nắn. Thế nhưng, đối với các cô, các chị, việc cầm tay nắn chữ lại khó hơn nhiều. Bởi vậy không thể tránh khỏi những con chữ nguệch ngoạc, không thành hình, thành dáng.
Và mong muốn đọc viết được tên của mình
Ngửa đôi bàn tay chai sạn, thô ráp, chị Y Định chia sẻ: “Ngày trước, nhà đông anh em, bố mẹ lại nghèo, mình đành phải nhường cho các em trai đi học. Sau này con cái được đến trường, mỗi khi chúng ngồi học bài, nhìn thấy những kí tự loằng ngoằng in trên giấy trắng, mình cũng ước mơ mình được biết chữ”.
Chị Định nhớ cái ngày đi đăng ký kết hôn, làm khai sinh cho con, vay vốn ngân hàng, không biết chữ nên chị đều phải nhờ cán bộ khai giúp rồi điểm chỉ thay chữ ký. Chị cũng rất tò mò không biết rằng cái tên của mình nó được viết ra sao. Thế rồi, khi lớp học xóa mù chữ được tổ chức, chị Định liền xung phong đi học.
Ngồi một góc cuối lớp, chị Y Điêu, 35 tuổi thỉnh thoảng lại lấy tay che đi những chữ cái nguệch ngoạc của mình. Chị bảo rằng, không biết mặt chữ nên chẳng tính được gia đình có bao nhiêu sào ruộng, nương mì. Chị chỉ nhớ mỗi năm cả lúa lẫn mì thu hoạch được dăm ba triệu. Làm mãi chẳng đủ ăn nên ngoài lên nương, chị nhận nhổ cỏ thuê cho người dân quanh làng.
Năm nay con gái út vào lớp 1, mỗi lúc mẹ rảnh rỗi nó lại hỏi mẹ về bài tập. Thế nhưng, chị Điêu một chữ bẻ đôi cũng không biết thì dạy con thế nào được.
“Xưa nhà nghèo, mình chẳng có điều kiện học chữ. Con út của mình năm nay học lớp 1. Nhiều hôm con hỏi bài, mình chẳng biết chữ nên không trả lời được. Lúc đó xấu hổ lắm. Mấy bữa nay mình đi học được cô dạy cho nhiều chữ lắm. Có lúc quên, không biết viết thế nào mình đành gọi con đến hỏi bài. Con gái cầm tay mình viết lại các chữ cái, thế là hai mẹ con cùng nhau học”, chị Y Điêu kể.
Ngồi ngay ngắn ở bàn đầu, chị Y Phên, 38 tuổi, chăm chú nhìn chữ mẫu của cô giáo rồi nắn nót từng chữ lên vở. Chị Phên có 2 đứa con, 1 đứa đang là sinh viên Trường Đại học sư phạm Huế. Đứa thứ hai cũng đang học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum.
Hai đứa con chị Phên nhiều năm liền là học sinh khá giỏi. Mỗi lần nhận giấy khen về nhà, các con đều khoe với mẹ đầu tiên. Cầm trên tay tấm giấy khen, chị Phên chẳng thể hiểu được trên ấy viết gì. Chị cũng ước ao được biết con mình đã học giỏi như thế nào. Hôm nghe ở xã mở lớp dạy xóa mù chữ. Con gái đầu của chị Phên gọi điện về nhà vận động mẹ tham gia. Nghe lời con gái, chị liền đến trường đăng ký đi học.
Theo ông Võ Xuân Tựu, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Kon Plông, trên địa bàn có 4 lớp xoá mù chữ được mở ra tại các xã Đăk Ring, Măng Bút, Hiếu và Ngọk Tem. Các lớp này thu hút 116 học viên tham gia. Tất cả học viên đều là người dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 20 đến 69.
Những lớp học xoá mù chữ sẽ được mở vào các tối thứ 2 đến thứ 5 hàng tuần. Khi đến lớp, người dân sẽ được hỗ trợ sách vở, bút viết. Để thuận lợi trong công tác dạy học, Phòng GD-ĐT đã phối hợp với các trường trên địa bàn phân công giáo viên dạy và bố trí về cơ sở vật chất. Sau khi hoàn thành khoá học kéo dài 16 tháng, mỗi học viên sẽ được hỗ trợ 500 ngàn đồng. Số tiền này tuy không lớn nhưng là sự động viên, khích lệ tinh thần bà con cố gắng học tập để biết đọc, biết viết.