Chiếc sọt nhựa đựng sách
Nhiều năm nay, phụ huynh ở thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thường gửi gắm con mình tới nhà thầy Phùng Văn Trường (SN 1979) học chữ. Bởi ngoài mong muốn con biết chữ, họ còn hy vọng bọn trẻ học được đạo đức và nghị lực sống từ người thầy đặc biệt này.
Mỗi ngày sau khi tan lớp, đám trẻ trong thôn lại chạy ùa tới nhà anh Trường. Như một thói quen, từng đứa để gọn cặp một góc, lấy sách vở ra rồi tự giác ngồi vào bàn. Thấy học sinh đến, anh Trường đi xe lăn vào khoảng trống hình chữ U được kê bởi 3 chiếc bàn và bắt đầu giờ "lên lớp".
Anh đặt đôi tay khoèo dưới cằm, cúi mặt xuống bàn, miệng ngậm chặt bút chì. Mẩu bút đưa lên đưa xuống khéo léo theo cử động cổ của anh, rồi từng dòng chữ đều đặn hiện lên trên cuốn vở ôli. Viết mẫu cho hai học sinh lớp 1 xong, anh Trường quay sang hướng dẫn nhóm lớp 3 viết chính tả và lớp 4 làm Toán.
Với sĩ số khoảng 20 em, học sinh của anh chủ yếu là các em từ lớp 1 đến lớp 5. Lớp học không đồng đều nhưng trật tự và quy củ.
Lớp học của anh không có bảng đen, phấn trắng mà chỉ có một chiếc sọt nhựa đựng sách giáo khoa và vở viết. Các em học sinh có thể đến học bất cứ lúc nào và bao lâu tùy thích.
"Bọn trẻ thấy tôi viết chữ đẹp bằng miệng thì thích lắm. Mình mà viết xấu thì không hướng dẫn chúng được. Có khi bọn trẻ lại bảo, bác còn chẳng viết được mà lại bắt cháu viết đẹp", anh Trường nói.
Hơn 1 tháng chinh phục cây bút bằng miệng
Ngồi trên chiếc xe lăn cũ kỹ, người đàn ông khuôn mặt tròn, phúc hậu mở lòng chia sẻ về nhưng bất hạnh và nỗ lực rèn luyện của mình.
Cách đây vài năm, anh chuyển ra bán tạp hóa tại căn nhà nhỏ ở mặt đường thôn. Cuộc sống vất vả, lại hay bị mua hàng chịu. Nhiều lúc khách nợ, anh cảm thấy bất lực vì không thể cầm bút ghi sổ được.
“Lúc ấy, nhiều người khuyên tôi nhờ con cháu trong nhà ghi nợ cho khách nên tôi thấy tự ái lắm. Thêm việc nhìn mấy đứa cháu con em gái viết chữ xấu và học kém, nhiều lúc cũng muốn dạy nhưng bản thân còn chẳng cầm nổi bút. Vì vậy, tôi mới quyết tâm tập viết bằng miệng”, anh Trường nói.
Những ngày mới học viết, anh cảm thấy khó chịu khi phải kẹp bút chì bé tẹo giữa hai hàm răng. Lúc đầu ngậm mẩu bút ngắn thấy dễ viết nhưng phải cúi xuống thấp, mắt nhìn lâu vào trang giấy trắng, anh bị hoa mắt.
“Lúc đầu chưa quen, đầu bút chọc vào họng dẫn đến nôn mửa, nét chữ nguệch ngoạc. Nhiều lúc chán nản, tôi định bỏ cuộc. Nhưng khi xem tivi thấy tấm gương của thầy Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân, tôi lại cố gắng”, anh Trường chia sẻ.
Tập viết được hơn một tháng, anh đã làm chủ được cây bút của mình. Rồi dần dần, anh tập viết cho chữ đẹp hơn. Bây giờ, nếu ai nhìn những nét chữ anh viết thì khó có thể nghĩ rằng, những nét chữ ấy được viết bằng miệng, chứ không phải bằng đôi tay như bao người khác.
Với tâm nguyện muốn dạy cái chữ cho các cháu nhỏ, thầy Trường không thu tiền học phí. Về sau, nhiều phụ huynh thương thầy, góp nhau chút ít để thầy thêm tiền thuốc men.
Vượt lên số phận và bệnh tật
Sinh ra bình thường như bao người nhưng đến năm 2 tuổi, khi những đứa trẻ cùng lứa đã đi được thì anh Trường không thể đứng vững trên đôi chân mình.Thấy anh Trường ngày một yếu, cơ chân tay teo tóp nên gia đình đã đưa anh lên viện 103 khám. Anh được kết luận mắc chứng teo cơ, khoèo chân.
Năm 7 tuổi, anh Trường trải qua một cuộc phẫu thuật. Được sự động viên của mọi người, anh có thể tự chống nạng và đi được. Dù đi lại khó khăn, nhưng hàng ngày, bất kể trời nắng hay trời mưa, anh vẫn một mình chống nạng, bước từng bước khó nhọc đến trường cách nhà hơn 2km.
Hết lớp 8, đôi tay anh Trường teo hẳn, không cầm nắm được bất cứ thứ gì. Chân cũng không thể đi lại nên anh phải ngồi xe lăn. Mọi khó khăn cứ liên tục ập đến với anh. Năm lớp 9, anh phải học ở một nơi cách nhà 10 km. Nhà nghèo lại không có ai đưa đi đón về, anh đành nghỉ học.
Từ đó cho đến khi trưởng thành, cuộc đời anh sống trong sự tù túng của chiếc xe lăn. Thương người đàn ông khuyết tật hiền lành và có ý chí vươn lên, năm 2012, người con gái tên Hường đã bất chấp sự phản đối của gia đình để về làm vợ anh.
Hiện tại, anh chị đã có một cậu con trai. Anh đặt tên cậu bé là Phùng Thiên Trường Quảng. Theo anh giải thích, Trường Quảng nghĩa là dài rộng”. Anh mong cuộc đời cậu bé sau này sẽ giống như cái tên.
Hiện tại, công việc dạy học chiếm phần lớn thời gian của anh. Ngoài hướng dẫn các cháu học, anh tranh thủ bán hàng kiếm thêm tiền để vun vén cho gia đình nhỏ bé của mình.
Có một điều vô cùng trân quý ở anh, dù không may bị tật nguyền từ bé, nhưng anh luôn quan niệm phải sống thật tốt và có ích cho xã hội: “Tôi thấy mình vẫn may mắn hơn những người cùng số phận là được đi học. Đến giờ, tôi có thể truyền thụ được những kiến thức nhỏ nhoi mình học được cho những đứa trẻ trong thôn, trong xóm. Tôi mong mình sẽ là tấm gương tốt để chúng noi theo”.
Phùng Chiến