Tiết kiệm để phát triển lớp học tình thương
Nằm sâu trong con hẻm nhỏ trên địa bàn phường Phú Mỹ, quận 7, TP.HCM, có một lớp học tình thương rộng chừng 10m2, hơn chục bộ bàn ghế và 1 cái bảng ngày ngày rộn ràng tiếng ê a đọc bài của khoảng 30 đứa trẻ đủ mọi cấp học.
Ít ai ngờ, chủ nhân hiện tại của lớp học này lại là "người thầy" với tuổi đời còn khá trẻ, thầy Phan Trung Hải (22 tuổi).
"Thầy Hải" là con trai của cô Ngô Thị Mạnh Hòa, người đã ấp ủ và thành lập lớp học tình thương này từ 36 năm trước.
Trước đây, Hải từng có thời gian khôn chuyên tâm học hành, đua đòi để bằng bạn bằng bè. Một hôm, Hải đi chơi về muộn, mẹ vẫn đợi và đưa cho anh một quyển sách. Đọc xong, Hải day dứt và quyết tâm tập trung học hành.
Cũng từ đó, chàng sinh viên năm nhất trường Cao đẳng Giao thông Vận tải đường thủy II bắt đầu ngỏ ý xin mẹ cho tiếp quản lớp học tình thương.
Thời gian đầu, Hải còn khá bỡ ngỡ, chưa được cô Hòa giao lớp do chuyên ngành của anh khác xa với kiến thức sư phạm. Thế nhưng, chỉ sau vài tuần, nhờ quyết tâm, kiên trì và tình yêu trẻ, Hải dần lấy được niềm tin không chỉ từ mẹ mà còn từ chính các học trò của mình.
Trong 2 năm đó, ban ngày Hải đi học, đến tối lại đứng lớp làm nghề “gõ đầu trẻ”.
Mặc dù vậy, Hải vẫn sắp xếp thời gian đi làm thêm, dành dụm tiền để lo cho học sinh của mình, từ quần áo đến bánh kẹo, đồ dùng học tập.
Có khi, thấy nhiều em đi bộ quãng đường mấy cây số để đến lớp, chàng trai trẻ để dành tiền tìm mua những chiếc xe đạp cũ, tầm 300.000 - 500.000 đồng để tặng các em.
Sau 3 năm, Hải tốt nghiệp và tìm được một công việc với mức lương khởi điểm từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau 1 tháng thử việc, Hải nộp đơn xin nghỉ.
Khi được hỏi lý do, Hải kể: “Công việc của mình là lái tàu biển, một chuyến đi như vậy kéo dài mười mấy ngày là ít. Mình đi như thế không ai lo cho lớp học. Mấy đêm nằm trên tàu, mình cứ nghĩ về tụi nhỏ.
Rồi nghĩ đến việc tụi nhỏ học ở lớp học tình thương của mình xong cũng chỉ có tờ giấy chứng nhận, không có bằng cấp gì, mình lóe lên suy nghĩ mở thêm lớp dạy năng khiếu để các em có cái nghề”.
Một tuần sau khi Hải nghỉ việc, lớp học tình thương này lại khai giảng thêm lớp võ thuật miễn phí do thầy Hải trực tiếp mời giáo viên đến dạy.
Hải bộc bạch: “Hơn 1 năm mở lớp võ, hiện lớp có 8 em nằm trong đội tuyển võ thuật thành phố, mỗi tháng các em được nhận trợ cấp, tương lai cũng có nhiều cơ hội hơn. Mình cũng mừng thay, mong cho các em sớm thoát cảnh nghèo”.
Cứ thế, lớp học tình thương này vẫn đều đặn từng ngày, âm thầm gieo chữ, gieo cả hy vọng cho các thế hệ học sinh nghèo, không chỉ ở địa phương mà còn ở các tỉnh lân cận.
Mạnh mẽ chọn cho mình hướng đi riêng
Tháng Tám vừa qua, “thầy giáo” Phan Trung Hải tham gia Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2020 để thi lại vào trường đại học Sư phạm TP.HCM.
Khi được hỏi có cảm thấy tiếc nuối khoảng thời gian bốn năm qua hay không, chàng trai trẻ trả lời: “Có sao đâu. Bốn năm qua, mình từng phạm sai lầm, nhưng đã học và làm được nhiều điều.
Cũng nhờ dạy học ở lớp học này, mình nhận ra ngành học mà bản thân yêu thích và phù hợp. Bạn bè đều có sự nghiệp, nhưng mình không cảm thấy buồn, miễn mình có thể làm những việc mình muốn làm là được”.
Hải chia sẻ, không muốn những điều mình làm được ca ngợi quá nhiều, vì công việc này đến với Hải rất đỗi tự nhiên và anh thấy vui khi làm điều đó.
“Bản thân mình và gia đình đủ sức để có thể duy trì lớp học và lo cho các em, mình không muốn người khác nghĩ mình phô trương, tìm kiếm sự giúp đỡ”, Hải bộc bạch.
Nhìn lại chặng đường 3 năm đứng lớp, Hải hạnh phúc vì đã thực hiện được ước mơ đến trường cho nhiều em nhỏ, giúp các em biết đọc, biết viết.
Cô Nguyễn Thị Xuân Thu (50 tuổi, cùng ngụ quận 7) cho biết: “Con của cô bị chậm phát triển mà không có điều kiện để đến trường nên cô đưa bé đến lớp của Hải. “Thầy Hải” còn trẻ nhưng dạy rất nghiêm túc, đàng hoàng”.
Hải cho rằng, một khi đã nhận tiếng thầy thì bản thân phải có trách nhiệm, hỗ trợ các em đến nơi đến chốn.
Với chàng trai 22 tuổi này, mong ước lớn nhất của anh dành cho các học trò nhỏ là em nào cũng có cuộc sống bình yên, tương lai tốt đẹp, trở thành người tốt và có ích cho xã hội.