Vào một buổi tối Chủ nhật bình thường ở Trung tâm tài chính lớn nhất của Việt Nam – TP. Hồ Chí Minh, xe hơi nhãn hiệu châu Âu và xe motor Nhật chen lấn nhau để tìm một chỗ đậu xe gần quán ăn. Thôi thì đủ thứ biển hiệu: Sushi cao cấp, ẩm thực Italy, bia đặc biệt giá gấp 5 lần bia sản xuất đại trà và nhiều sản phẩm nước ngoài xa xỉ khác, còn khách hàng thì không ít người sở hữu iPhone và những điện thoại hàng đầu đắt tiền trên tay.
Cảnh tượng này ở TP. Hồ Chí Minh phản ánh thực tế mà hãng nghiên cứu Boston Consulting Group (BCG) nhắc đến là tầng lớp trung lưu đang phất lên rất nhanh ở Đông Nam Á. Theo BCG, tầng lớp trung lưu và giàu có kiếm được trung bình 714 USD mỗi tháng hoặc hơn ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi lên 33 triệu người, khoảng 1/3 dân số, trong khoảng thời gian từ 2014 – 2020.
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsean ước tính, số người Việt Nam trung lưu sẽ đạt 44 triệu vào năm 2020 và 95 triệu vào năm 2030. Các thương hiệu nước ngoài như Samsung, Starbucks, Dell … đang đổ xô vào thị trường này để tranh thủ tiếp cận tầng lớp khách hàng đó.
Nói về quy mô của thị trường, Paul Nguyễn, Giám đốc công ty bảo hiểm Canada Manulife, nói với Nikkei Asian Review: “Cơ hội cho các công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam là rất lớn, về mặt này Việt Nam là nước có nhiều cơ hội nhất ở Đông Nam Á, với sự có mặt của 17 công ty bảo hiểm trên thị trường”.
“Thị trường bảo hiểm ở đây đang ở dưới mức tiềm năng, nhưng đang lớn dần và thu hút nhiều công ty bảo hiểm quốc tế tham gia”, Nguyễn nói. Doanh thu của Manulife tại Việt Nam đã tăng 69% trong năm 2015 để đạt 1,68 nghìn tỷ đồng (75,3 triệu USD).
Nguyễn Anh, 25 tuổi, làm việc cho một tổ chức của châu Âu và kiếm khoảng 1.000 USD mỗi tháng, song cô lại chỉ sống bình dị và chỉ chi một khoản tiền nhỏ để mua xăng cho chiếc xe máy của mình. Anh nói cô quan tâm đế thực phẩm ngoại và những chuyến du lịch nước ngoài. “Phải nói là khoản tiền đó không đủ để sống xa xỉ, nhưng tôi có thể sống thoải mái với nó. Nếu tôi muốn đi du lịch, thì đó không phải là điều gì quá khó khăn”.
Nhưng đó vẫn chưa phải là những người duy nhất tạo nên tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Chính phủ đã đầu tư mạnh vào hạ tầng cơ sở nông nghiệp để gia tăng thu nhập cho cộng đồng nông thôn. Tại Việt Nam, 66% tổng số dân số (94 triệu người) sống ở nông thôn.
Sự gần như tương đương nhau của nhiều người dân ở thành thị và nông thôn ở Việt Nam có được là nhờ sự đầu tư thoả đáng của chính phủ vào nông nghiệp và phát triển nông thôn. Điều đó giúp cho tầng lớp trung lưu không chỉ tập trung ở các khu vực đô thị lớn mà còn lan ra rất nhanh sang cả khu vực nông thôn và các thị trấn nhỏ.
Dù bị tàn phá bởi chiến tranh những năm 60 và 70 của thế kỷ trước, Việt Nam đã nỗ lực tái thiết nền kinh tế và khuyến khích đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực xuất khẩu từ 1987. Đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2015 đạt 22,76 tỷ USD đã đẩy tốc độ tăng trưởng GDP lên cao kỷ lục 5 năm là 6,7%.
Các công ty sản xuất hàng điện tử giá trị cao như Hon Hai của Đài Loan và Samsung Hàn Quốc đã tăng cường năng lực sản xuất tại Việt Nam bên cạnh các công ty xuất khẩu truyền thống chuyên về đồ may mặc và linh kiện xe ô tô.
Cẩm Thịnh theo Nikkei