Theo thông tin đã phản ánh, hàng loạt cây xà cừ trên đường Láng là một trong những hàng cây lâu năm của Hà Nội, nhiều cây to, tán rộng che mát đường phố, thanh lọc môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người đi đường tỏ ra bất ngờ trước việc hàng loạt cây xà cừ cổ thụ này có đường kính lớn bị đục đẽo thân cây, lột vỏ.
Cụ thể, ngày 6/2, nhiều người dân bất ngờ phát hiện từ số nhà 954 đến 452 đường Láng, khoảng 40 cây có vết đục, khoét.
Theo người dân sống hai bên đường, tình trạng lột trộm vỏ cây từng xảy ra nhưng lần này là nhiều hơn cả. Một vết khoét thường có hình chữ nhật, chiều dài khoảng 30x40 cm, vết đục sâu vào thân khoảng 2 cm.
Về nguyên nhân của sự việc trên, một số người buôn bán dọc con đường này cho rằng, sở dĩ những cây xà cừ nói trên bị lột vỏ là do một số người nghĩ vỏ cây này có thể chữa được bệnh ngứa nên đã lấy về đun nước tắm.
Sự việc xảy ra gây nguy hại đến sự sống của hàng loạt cây cổ thụ, làm mất đi mỹ quan đô thị, do đó mỗi người dân cần phải có ý thức trong việc bảo vệ tài sản chung công cộng. Mọi hành vi xâm phạm như bóc vỏ cây, chặt đốn sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Luật sư Tạ Quốc Cường, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cũng đã đưa ra căn cứ để xử lý những trường hợp này.
Theo đó, tại mục III, Thông tư 20/2005/TT-BXD ngày 20/12/2005 quy định cây xanh đô thị bao gồm: Cây xanh sử dụng công cộng là tất cả các loại cây xanh được trồng trên đường phố và ở khu vực sở hữu công cộng (công viên, vườn thú, vườn hoa, vườn dạo, thảm cỏ tại dải phân làn, các đài tưởng niệm, quảng trường); cây xanh sử dụng hạn chế là tất cả các loại cây xanh trong các khu ở, các công sở, trường học, đình chùa, bệnh viện, nghĩa trang, công nghiệp, kho tàng, biệt thự, nhà vườn của các tổ chức, cá nhân; cây xanh chuyên dụng là các loại cây trong vườn ươm, cách ly, phòng hộ hoặc phục vụ nghiên cứu.
Tại thông tư này cũng quy định rõ các hành vi xâm hại cây xanh đô thị bị nghiêm cấm bao gồm:
- Tự ý chặt hạ, đánh chuyển di dời, ngắt hoa, bẻ cành, chặt rễ, cắt ngọn, khoanh vỏ, đốt lửa đặt bếp, đổ rác, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây.
- Tự ý xây bục bệ bao quanh gốc cây, giăng dây, giăng đèn trang trí, đóng đinh, treo biển quảng cáo trái phép.
Như vậy, tất cả các loại cây xanh đô thị đều được xác định chủ sở hữu, do tổ chức, cá nhân quản lý hoặc được giao quản lý. Việc người dân tự ý hái quả, chặt cành, xâm hại cây xanh đô thị là hành vi vi phạm pháp luật, người vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng theo quy định tại khoản 1 Điều 49 Nghị định 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ.
P.V