Ông Chiến nói: “Tròn 7 năm, từ khi dự án quy hoạch khai thác mỏ sắt Thạch Khê được tiến hành vào năm 2007, đến nay người dân chúng tôi đã hết khấp khởi mong một tương lai tươi đẹp nhờ vào dự án như những ngày đầu phía công ty họ hứa hẹn. Thay vào đó, chúng tôi đang phải gánh chịu những chuyện động trời mà cái dự án này mang lạ. Khổ mà không còn có hơi để kêu nữa”
Theo lời ông Chiến, chúng tôi đã có chuyến thực tế khắp 4 xã chính nằm trong vùng dự án mỏ sắt gồm Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh).
Quả nhiên, những chuyện động trời mà ít ai nghĩ được lại đang xảy ra ở cái đại dự án này, bươi lên rồi để đó bao năm trời khiến hàng ngàn người dân đang lâm vào cảnh sống dở chết dở…
Tại xã Thạch Hải, vùng bị ảnh hưởng bởi bãi thải khổng lồ của mỏ sắt Thạch Khê, báo cáo nhanh của xã cho biết đến thời điểm hiện tại đã có 59 ngôi mộ bị lũ cát xóa sổ tìm không ra.
Và còn 1.500 ngôi mộ chưa được kiểm đếm đang có nguy cơ bị chôn vùi tiếp. Tại xã Thạch Khê, tình trạng cũng đang xảy ra tương tự. Người còn sống phải lấy gáo dừa thay sọ người, chặt cành dâu tằm thay tứ chi, xương xẩu để liệm gió cho những người là tổ tiên bị mất xác dưới đất sâu…
Chạy loạn giữ mả trước mùa lũ cát
Bãi thải số 1 rộng hàng trăm hecta chứa khoảng 13 triệu khối đất cát và đất sét của mỏ sắt Thạch Khê nằm trên địa bàn xã Thạch Đỉnh giáp sang xã Thạch Hải nay đã cao ngất ngưởng, gần bằng núi Mốc và một phần núi Nam Giới cạnh đó.
Ngọn núi nhân tạo này từ khi hình thành đến nay là nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân thôn Thượng Hải, xã Thạch Hải bởi khi có mưa lớn, cát và đất sét ùn ùn trôi về như lũ cuốn nhấn chìm toàn bộ xuống mồ sâu.
Ông Nguyễn Văn Hùng, trưởng thôn Thượng Hải, vừa nói vừa run giọng tức giận nhưng bất lực khi dẫn tôi đi xem sự tàn phá kinh hoàng của lũ cát từ ngọn núi nhân tạo này.
Toàn thôn Thượng Hải có 19,5 hecta đất nông nghiệp thì nay cát đã lấp hết 15 ha. “Trước giờ làng xóm sống yên bình lắm, từ khi có cái bãi thải này, lũ cát cứ ùa về xóa sạch ruộng đồng, chôn vùi mồ mả, dân tình hoang mang lắm chú à”, ông Hùng kể.
Xã Thượng Hải nằm cạnh bãi thải nên chịu ảnh hưởng nặng nhất. Chỉ riêng cơn bão số 10 vừa qua, lũ cát tràn về đã lấp 7 ngôi mộ, lật cả lăng người chết; cát cũng tiếp tục xóa sổ 6 ha ruộng sản xuất của dân.
Đứng trên bãi cát pha lẫn đất sét từ sâu trong lòng đất được người ta móc lên để lấy quặng, ông Hùng chỉ tay xuống ngay chỗ chân khiến tôi giật mình sợ hãi: “Chỗ tui với chú đang đứng đây là nghĩa địa đó, mồ mả ở dưới đó cả mét đất nhưng giờ thì mất dấu hoàn toàn, tìm không ra nữa”.
Chuyện yên bề mồ mả ông bà tổ tiên, với tâm lý người Việt cực kỳ quan trọng, và với người dân miền Trung thì càng nặng nề hơn. Vậy nên cái ám ảnh mất mộ, mất xác tổ tiên, người thân đang làm người dân Thượng Hải cực kỳ hoang mang như lúc này là điều dễ hiểu.
Bà Nguyễn Thị Trinh (79 tuổi) thẩn thờ nhìn về hướng nghĩa địa nay đã nằm sâu trong đất cát kể: “Như nhà tui đây đã bị mất một mộ của người anh em trong họ rồi. Mấy cơn bão vừa rồi, cả tui và bầy con cháu phải khốn đốn lắm mới giữ được cái mộ của người tui gọi bằng bác. Nhưng giờ mấy đứa con trai đi làm ăn xa cả nên chưa cất bốc mộ bác về được”.
Cứ mỗi lần mưa bão, việc đầu tiên mà người làng Thượng Hải lo nhất là đi giữ mộ. Khi lũ cát tràn về, nếu không kịp be bờ, đóng cọc chắn giữ, đánh giấu thì coi như bị san phẳng hết; mộ phần người chết vì vậy bị mất vì không còn định hướng.
Liên tục trong những đợt mưa bão, bà Trinh già yếu cùng với dâu rể, cháu chắt phải liên tục chạy ra nghĩa địa giữ mộ khi có lũ cát tràn về. Không riêng gì bà Trinh, hàng chục hộ trong cái xóm nghèo này cũng đang khốn khổ từng ngày để giữ mộ.
“Nghĩa địa mới thì chưa có, cả cái vùng đất quy hoạch này đang treo, mồ mả công ty sắt cũng chưa đền bù nữa, nên dân chúng tôi chưa biết cất bốc mộ người thân đi đâu cả. Có nhiều nhà sợ mất mộ đành phải bốc về chôn tạm ở gần nhà, bãi cao”, ông Hùng cho biết.
Nhập xương dâu
Mỏ sắt Thạch Khê đi vào khai thác với bao hứa hẹn, thì theo thời gian thành thất vọng với người dân cả vùng này. Ruộng nương bị mất, nghề nghiệp không có nên dân làng tứ tán khắp Tây Nguyên, miền nam làm kinh tế mới, lao động thuê.
Mồ mả tổ tiên vì vậy cũng lạnh nhang khói theo năm tháng. Đã có hàng chục ngôi mộ trong họ tộc của người dân Thượng Hải đi làm ăn xa bị chôn vùi. Lúc tết nhất về thắp hương, họ ngất lên xuống vì đến cả nấm mồ người thân cũng không được yên khi đã khuất; một thân người bị chôn hai lần và mất dấu mãi.
Người Thượng Hải, vì vậy phải nuốt nước mắt mà dùng tục nhập xương dâu để an ủi hương hồn người quá cố. Bà Trinh kể: “Những người tìm không ra mộ người thân thì đành phải dùng cây dâu tằm chặt ra từng đoạn thay xương, lấy gáo dừa thay hộp sọ rồi làm tục gọi hồn về để liệm, mong sao người chết có phần được an ủi”.
Tại xã Thạch Khê, theo ông Dương Đình Tiến, chủ tịch UBND xã, thì tình trạng mồ mả của các họ tộc trên địa bàn bị lũ cát nhấn chìm cũng đã có nhiều. Hiện tại, con số cụ thể và việc tìm kiếm lại các ngôi mộ bị mất vẫn đang được các họ tộc và người dân tiến hành. Tuy nhiên, số mộ xương dâu ngày càng tăng!
“Chưa có cái bi kịch nào đau đớn hơn như đang xảy ra trên vùng đất này”, ông Tiến xót xa.
Theo Một thế giới
Bài 2: Bẫy giăng khắp nơi, cả thôn cùng gãi