Theo ghi nhận, đến sáng 01/11, nước lũ đã dâng ngập và chia cắt nhiều địa bàn như xã Phù Hóa, thuộc huyện Quảng Trạch, xã Quảng Hải thuộc TX Ba Đồn (Quảng Bình). Mưa lớn cộng với việc các hồ thủy lợi xả nước cũng khiến các thôn Cao Xuân, Kim Nại của xã An Ninh, huyện Quảng Ninh bị ngập trong nước lũ. Đây đều là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề trong trận lũ lớn vừa qua.
Tại huyện Tuyên Hóa, các xã ven sông Gianh như Châu Hóa, Văn Hóa, Đồng Hóa... bắt đầu bị chia cắt, nước đã dâng vào nhà dân.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện, có 476 nhà ngập; trụ sở UBND các xã: Mai Hóa, Văn Hóa, Châu Hóa và 9 trường học cũng đã bị ngập.
Trong vòng chưa đầy một tháng, bà con nơi đây phải hai lần chạy lũ. Ruộng đồng, làng mạc, nhà cửa bị lũ nhấn chìm trong biển nước. Người dân địa phương đang đuối dần, có thể đâu đó có người kiệt sức sau lũ.
Theo thống kê, tại Quảng Trạch, sáng ngày 1/11, nước vào 1.020 nhà tại các xã ven sông Gianh, trong đó xã Phù Hóa có 550 nhà thuộc các thôn Trường Xuân, Trường Sơn, Long Châu, Trung Tiến, Hậu Thành ngập từ 0.7 đến 1,2m.
Tại Thị xã Ba Đồn, đã có 1.135 hộ, trong đó, xã Quảng Tiên có 500 hộ, mực nước ngập sâu bình quân 30 - 40cm so với nền nhà; có những hộ ngập sâu so với nền nhà khoảng 1m, tập trung chủ yếu ở thôn vùng cồn bãi.
Tại xã Quảng Trung, 135 hộ dân ở thôn Công Hoà, mực nước ngập sâu nhất 1m so với nền nhà; bình quân 30 - 50cm.
Xã Quảng Sơn có 450 hộ bị ngập nước, trong đó ở các thôn Hà Sơn, Khe Zét bị ngập 100%.
Tại huyện Tuyên Hóa, có 1.888 nhà bị ngập, trong đó có 528 nhà bị ngập từ 1-3m, 1.360 nhà (xã Ngư Hoá, Cao Quảng, Kim Hoá, Lê Hoá, Phong Hoá, Đức Hoá, Mai Hoá, Châu Hoá, Tiến Hoá, Văn Hoá) bị ngập dưới 1m.
194 hộ thuộc thôn Vĩnh Xuân, Phú Xuân (xã Cao Quảng) và thôn Lạc Sơn (xã Châu Hoá) bị cô lập. Hiện tại, đã di dời 367 hộ (xã Hương Hoá, xã Châu Hoá, xã Ngư Hoá). Trụ sở UBND xã Văn Hoá, Châu Hoá, Mai Hoá ngập. Trạm Y tế xã Ngư Hóa bị hư hỏng có nguy cơ bị sập.
Hệ thống đê đất ở thôn Tân Thượng xã Quảng Hải bị sạt lở, hư hại nặng do ảnh hưởng của trận lụt ngày 15/10/2016 và triều cường, mưa lớn ngày 31/10/2016 là trên 100m, gây ngập cục bộ một số hộ gia đình của thôn Tân Thượng xã Quảng Hải. Một số tuyến đê kè của thôn Tiên Xuân - xã Quảng Tiên, thôn Công Hoà - xã Quảng Trung bị xói lở nghiệp trọng và gây ngập cục bộ tại các thôn này.
Ông Hoàng Ngọc Dũng, Chánh thanh tra Sở GTVT Quảng Bình thông tin với báo chí, hiện nay, ngoài các tuyến đường tỉnh bị ngập từ ngày 30/10, đã xuất hiện thêm nhiều điểm ngập mới, trong đó có đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đoạn từ Km 909 đến Km 912 lại bị ngập nước trở lại, mực nước ở đây đã lên đến gần 1m và đang tiếp tục dâng cao. QL12A đoạn từ TX Ba Đồn đi Đồng Lê cũng tắc đường tại Km33+800 - Km35+00 do nước ngập sâu hơn 60cm; đoạn Đồng Lê - thị trấn Quy Đạt- Ngã ba Pheo, nước ngập gây tắc đường tại 3 điểm qua thị trấn Quy Đạt. QL15 đoạn Tân ấp - Đồng Lê cũng đã bị chia cắt do nước dâng cao chảy xiết tại 3 ngầm tràn: Khe Bẹ, Khe Mưng, Khe Đèng và điểm Km473+500.
Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, UBND các cấp đã có công điện yêu cầu khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó; nhiều trường học tại TP Đồng Hới, Lệ Thủy, Tuyên Hóa... đã chủ động cho học sinh nghỉ học để về tránh lũ.
Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình: Hiện nay, mực nước trên sông ở Quảng Bình lên nhanh, mực nước lúc 5h ngày 01/11/2016 trên sông Rào Nậy tại Đồng Tâm: 14.99m dưới BĐIII 1.01m; trên sông Gianh tại Mai Hóa: 6.81m trên BĐIII 0.31m; trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy: 1.9m dưới BĐII 0.3m; trên sông son tại Quảng Minh: 2.10, dưới lũ lịch sử năm 2010: 1.8m
Dự báo trưa 1/11, mực nước trên sông Gianh tại Mai Hóa có khả năng lên mức 8.50 m, trên mức báo động III 2.00m. Trên sông Kiến Giang tại Lệ Thủy có khả năng lên mức 2.60 m dưới BĐIII 0.10 m. Trên sông Son tại Quảng Minh ở mức 2.90m, dưới lũ lịch sử năm 2010: 1.00m.
Cơ quan chức năng Quảng Bình cũng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ; sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng.
Ngô Huyền